Giáo dục

Hoà Bình, Sơn La: GS Đào Trọng Thi nói ghê gớm, coi trời bằng vung

"Gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình là quá nghiêm trọng. Đúng là quá trắng trợn và coi trời bằng vung", Giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm.

"Gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình là quá nghiêm trọng. Đúng là quá trắng trợn và coi trời bằng vung", Giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm.

GS Đào Trọng Thi

Danh tính, gia thế của các phụ huynh có con cháu được nâng điểm thi trong vụ án chấn động gian lận thi THPT quốc gia 2018 dần dần hé lộ. Sau Bí thư tỉnh uỷ, Phó Giám đốc Sở, doanh nghiệp lớn ở Hà Giang, những chức danh quyền lực của các phụ huynh Sơn La, Hòa Bình có con được nâng điểm đang bị điểm danh từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Chi Cục trưởng Chi Cục thuế, Công an…

Câu hỏi đặt ra là liệu phụ huynh có thể vô can trong chuỗi gian lận này. Xử lý các phụ huynh liên đới ra sao... Giáo sư (GS) Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, chắc chắn cần thiết phải tiếp tục điều tra để không bỏ lọt những người vi phạm pháp luật.

Tiếp tục điều tra để không bỏ lọt tội

PV: Sự việc gian lận thi cử ở Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang đang lộ dần những phụ huynh liên đới. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải phân loại động cơ để xử lý theo pháp luật. Ý kiến của GS về vấn đề này thế nào?

GS Đào Trọng Thi: Tôi nghĩ kể cả không phải là quan chức mà việc tiếp tục điều tra là cần thiết.

Thứ nhất, vì chuyện những người chữa điểm giờ mới chỉ xác định là họ vi phạm nhiệm vụ công vụ của họ. Nhưng nếu họ nhận tiền và có người mang tiền cho họ để nhờ họ vi phạm là sửa điểm, thì họ sẽ bị quy tội nhận hối lộ. Nhưng nếu họ nhận hối lộ thì chắc chắn có người đưa hối lộ. Bởi vậy, phải điều tra tiếp, để không làm sót tội danh của người bị khởi tố và không bỏ sót những người vi phạm. Đó là việc cần thiết và không thể nào dừng lại được.

Kể cả trong trường hợp mình không nói là đối tượng phụ huynh thì những người hiện đã bị khởi tố về tội chữa điểm cũng cần chứng minh tội danh cụ thể của họ và khi xử thì xử theo đúng từng tội danh ấy. Còn nếu bỏ sót tội danh là cũng là bỏ lọt tội phạm rồi.

Thứ hai, cũng có thể những phụ huynh có chức có quyền, có dùng ảnh hưởng quyền lực của mình để gây áp lực, để thúc đẩy những người chữa điểm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thì đó cũng là một tội danh.

Tôi nghĩ chắc chắn cần thiết phải tiếp tục điều tra để không bỏ lọt những người vi phạm pháp luật.

PV: Theo GS, với việc có con em được nâng điểm như vậy, các phụ huynh này sẽ chịu trách nhiệm ra sao?

Cái đó phải làm cụ thể, cho từng trường hợp cụ thể.

Phụ huynh chỉ là khái niệm chung chung. Phụ huynh của một em học sinh có thể là nhiều người khác nhau. Trường hợp này có thể là bố, có thể là mẹ, là anh chị, chú, bác,… rất nhiều người chứ phụ huynh chẳng qua mình nói gộp. Nhưng một khi đã quy tội cho ai thì con người ấy là cụ thể, khi ấy không thể chỉ nói là phụ huynh là xong.

Khi mình quy tội thì quy theo tội danh nào. Phải cụ thể quy định họ dùng tiền chạy điểm, hay dùng quyền chạy điểm. Lúc đó mình mới quy được tội cụ thể. Vào thời điểm này kết quả điều tra chưa đến được điều ấy.

Hiện giờ, chỉ kết tội mỗi người chữa điểm, chỉ là tội chữa điểm, chứ chưa phải hết tội. Có thể sau này có thêm tội hối lộ và nhận hối lộ nữa. Hoặc, người sửa điểm có thể thêm trong trường hợp gây áp lực, họ thực hiện hành vi ấy bị gây áp lực, thì lại bị giảm tội. Nhưng phải có người gây áp lực cho họ, thì phải bị quy tội. Như vậy mới công bằng được. Theo tôi, không thể dừng lại ở đây, vì nó sẽ không đầy đủ.

Đúng là sửa đến 26 điểm thì quá trắng trợn

PV: Vậy theo GS, có nên đưa tên phụ huynh và các em ra không? Rõ ràng, học sinh là người “hưởng lợi” nếu chuyện này không bị phát giác cơ mà, thưa GS?

Các em học sinh khả năng nhiều không trực tiếp phạm vào chuyện ấy là vì các em không thể tự chạy điểm bằng tiền và bằng quyền được. Vì các em làm gì có tiền và quyền. Cùng lắm các em hưởng lợi thôi. Các em biết có chuyện ấy, chứ không trực tiếp phạm tội. Cho thời điểm này chưa chứng minh, quy kết các em phạm hay không phạm tội. Tôi cho rằng nên tiếp tục điều tra đã trong đó người nào phạm tội thì hãy đưa.

Tôi nói thế này, có người chữa điểm là người có quan hệ thân tình với gia đình của học sinh được chữa điểm. Như vậy, rất có thể phụ huynh của em đó không chạy tiền, đưa tiền ra để hối lộ và cũng không có quyền những người chữa điểm trong trường hợp này người ta tự phạm tội. Có thể có trường hợp này mà. Trường hợp này phụ huynh không phạm tội. Người ta chẳng có quyền gây áp lực, chỉ vì, người phạm tội vì mối quan hệ thân thiết người ta tự làm. Nên rất cần điều tra cụ thể mới xác định được tội danh. Về mặt đạo đức có thể phê phán nhưng không thể quy tội.

PV: Trong số các thí sinh được nâng điểm, có nhiều loại như: Được nâng rất nhiều điểm, ví dụ từ 1 thành gần 27, thấp nhất cũng lên tới 3 điểm. Vậy trong cách xử lý phụ huynh có nên theo điểm tăng nhiều hay tăng ít mà xử lý mức độ nặng nhẹ khác nhau?

Thứ nhất, anh đã được sửa điểm và đã đưa tiền để sửa điểm hoặc dùng quyền lực để gây áp lực thì đều là vi phạm pháp luật. Nhưng mức độ vi phạm pháp luật thì liên quan đến sửa nhiều hay sửa ít. Khi người ta đưa tiền thì số tiền đưa cũng tương ứng với số điểm đó. Ông sửa điểm đến 27 điểm thì phải đưa nhiều tiền lắm chứ không thể vớ vẩn được, không thể đưa ít tiền mà sửa nhiều đến thế đâu. Lúc đó là nếu đây là quan hệ tiền- điểm thì số tiền phản ánh tương ứng với mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, vấn đề anh chữa nhiều hay không thì vẫn là chữa điểm. Sửa điểm 1-2 điểm nhưng cảm giác nặng nề như sửa 27 điểm. Tôi nghĩ, mức độ khác nhau đấy. Mình nghe và thấy phẫn lộ với việc sửa 26 điểm hơn người bị sửa điểm 3-4 điểm.

Quá nghiêm trọng, coi trời bằng vung

PV: GS nghĩ sao khi danh sách học sinh gian lận ở Hòa Bình, Sơn La đều là con quan chức, cán bộ?

Chưa chắc quan chức thì họ đã có quyền hành gì để tác động. Quyền hành có khi có thể là cấp trên của chính những người sửa điểm ấy. Cấp trên- anh mới có quyền tác động vào quá trình phấn đấu công việc của tôi, lúc đó tôi mới nể anh, tôi làm tôi nịnh anh, tôi làm để giúp tôi việc khác và có thể có cả việc tôi làm vì được chia tiền.

Cũng có thể có trường hợp xảy ra là vừa dùng tiền, vừa do ảnh hưởng đôi chút. Không có quyền trực tiếp nhưng dù sao có ảnh hưởng nhất định. Anh đó nể một chút, nhưng chưa đủ để phạm tội. Bởi vậy mà cần cộng thêm một chút tiền nữa.

Chuyện đưa hối lộ và nhận hối lộ nếu anh không có môi giới và quan hệ để “tin nhau” thì chuyện ấy cũng khó. Biết đâu nó đưa đưa thật, hay “bẫy” mình. Bởi vậy, thường những người đến xin chữa điểm, anh đến đó, phải hiểu biết nhất định (với bên nhận chữa điểm- PV) thì mới thực hiện được “giao dịch” đưa và nhận. Trên thực tế, trong cuộc sống là như vậy. Nhưng chuyện ấy ta vẫn quy vào tội đưa hối lộ và nhận hối lộ.

PV: Vụ việc gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình giờ không chỉ gói gọn trong chuyện thi cử nữa mà gây hậu quả nghiêm trọng tác động xã hội. GS có thể đánh giá tác động của vụ việc này nếu không được xử lý đến cùng?

Đây là vụ việc quá nghiêm trọng với số lượng lớn thí sinh được sửa điểm. Đúng là coi trời bằng vung mà. Tôi làm trong lĩnh vực giáo dục này nhưng không thể nghĩ có thể sửa lớn đến thế. Chữa 0,5 điểm đã ghê lắm, lệch nhau nửa điểm là đỗ hay không đỗ đã phân biệt rõ ràng rồi. Bây giờ, sửa đến 9 điểm cho một bài thi, rõ ràng hiện tượng rất nghiêm trọng.

Sự việc sẽ dẫn đến khủng hiểm niềm tin đến hoạt động thi cử, giáo dục của ta. Mặt khác, nó lại liên quan đến các quan chức có quyền thì nó còn lan rộng ra các lĩnh vực khác của xã hội.

Những thí sinh lại chạy điểm vào ngành Y, quân đội, công an mà những ngành/trường ấy cần những con người có phẩm chất, trung thực. Thật quá nghiêm trọng.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Tác giả: ĐỖ HỢP (THỰC HIỆN)

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP