Thể thao

HLV Kiatisak có gì hơn Hữu Thắng nếu cầm quyền tuyển Việt Nam?

Cựu HLV trưởng đội tuyển Thái Lan đã gián tiếp từ chối ngồi vào chiếc ghế nóng mà Hữu Thắng bỏ lại nhưng ngay cả khi có đồng ý thì Kiatisak có gì hơn đồng nghiệp?

Khi Kiatisak liên tiếp gặt hái thành công cùng đội tuyển Thái Lan và U.23 trong khi các đội tuyển Việt Nam thất bại dưới thời Miura, VFF đã sốt sắng trảm nhà cầm quân người Nhật Bản trước khi hợp đồng đáo hạn.

Họ kỳ vọng về một “Kiatisak phiên bản Việt” khi quyết định chọn Hữu Thắng, một cựu tuyển thủ nổi danh cùng thời với chiến lược gia xứ Chùa vàng.

Nhưng hy vọng nhiều thì thất vọng cũng lắm. Khác với Kiatisak, Hữu Thắng lần lượt thất bại trong việc chinh phục các giải đấu trong khu vực dù chủ trương áp dụng lối chơi thiên về kỹ thuật, phối hợp nhỏ na ná giống với người đồng nghiệp ở đội tuyển Thái Lan.

Nhà cầm quân người xứ Nghệ thất bại ở AFF Cup lẫn SEA Games 29. Ở giải đấu châu lục thì đoàn quân của ông đến với VCK bằng chiếc vé vớt. Ảnh Nguyên Huy

Từ sau cú sốc tại SEA Games 29 kéo theo sự ra đi của ông thầy xứ Nghệ, ý tưởng xây dựng “Kiatisak phiên bản Việt” khép lại, VFF chẳng còn mặn mà trong việc đưa một cựu tuyển thủ trong nước lên nắm đội nữa.

Thay vào đó họ hướng đến việc tìm kiếm một HLV ngoại quốc như liệu pháp thay đổi với hy vọng mang đến luồng sinh khí mới. Sự thay đổi trong quan điểm của VFF chỉ đơn giản là HLV nội không thành thì viện đến HLV ngoại.

Nhiều ứng viên được liệt ra nhưng sau khi Kiatiasak - hình mẫu VFF từng muốn xây dựng rơi vào cảnh thất nghiệp thì ông được nhắc đến rất nhiều trong việc trở thành thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam.

“Zico Thái” ban đầu khi được dạm hỏi đã trả lời một cách đầy xã giao rằng “đó là thử thách thú vị” nhưng khi VFF có ý định nghiêm túc thì ông lại tuyên bố sẽ không cầm đội bóng nào chống lại đội tuyển Thái Lan, bóng đá quê nhà. Nơi mà bản thân từng tạo dựng tên tuổi ở vị trí cầm quyền đội bóng.

Cựu HLV tuyển Thái từ chối lời mời từ VFF một cách rất xã giao

Vấn đề được đặt ra ở đây là Kiatisak có giỏi hơn người đồng nghiệp Hữu Thắng ở năng lực cầm quân? Cần nhắc lại rằng sở dĩ ông thầy xứ Nghệ được VFF đánh giá cao và hy vọng nhiều ở thời điểm trước khi bổ nhiệm là bởi từng sớm thành công khi dẫn dắt Sông Lam Nghệ An vô địch V.League.

Nhưng sau quãng thời gian làm việc trên tuyển, tất cả mới ngớ ra rằng môi trường CLB và đội tuyển khác nhau rất nhiều, không có tính chất bắc cầu thành công từ CLB đến đội tuyển.

Kiatisak từng thành công với bóng đá Thái Lan nhưng đặt trong bối cảnh ở Việt Nam thì khó nói trước bởi độ vênh rất lớn. Xét một cách khách quan, Kiatisak không hẳn đã hơn HLV Hữu Thắng ở khả năng cầm quân khi mà bóng đá xứ Chùa vàng sở hữu nền tảng số 1 khu vực.

Tiêu chí đánh giá xác thực cho Kiatisak là những trận đấu tầm châu lục thì lại là điểm trừ lớn. Chính việc cùng với Thái Lan thất bại thảm hại tại vòng loại cuối dự World Cup 2018 đã khiến ông phải ra đi.

Zico Thái thất bại khi cầm quân ở cấp độ một CLB

Khi Hữu Thắng - Kiatisak phiên bản Việt thất bại và chính Kiatisak cũng không thể giúp đội tuyển Thái Lan nâng tầm đội bóng này thì VFF mong chờ điều gì từ ông trong việc vực dậy các đội tuyển Việt Nam?

So với Hữu Thắng, Kiatisak chắc chắn không thể am hiểu cầu thủ và bóng đá Việt bằng. Thế thì cựu HLV tuyển Thái Lan chỉ hơn đồng nghiệp trong nước đúng cái mác HLV ngoại theo việc thay đổi tiêu chí mà thôi.

Thành công khi cầm đội tuyển Thái Lan nhưng khi đảm nhiệm công việc tại CLB Port FC, tức có sự thay đổi môi trường làm việc, đối mặt với những thử thách mới khác hẳn, ông đã thất bại không còn đường bào chữa.

Đây chính là sự phản ánh cho năng lực ở một thử thách mới khắc nghiệt mà VFF cần nhìn vào để đánh giá. Do đó lời từ chối của Kiatisak có khi là điều tốt cho đội tuyển Việt Nam lẫn cá nhân “Zico Thái”.

Tác giả: Khương Duy

Nguồn tin: Báo điện tử Một thế giới

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP