Giáo dục

Hệ lụy từ việc bỏ chấm điểm tiểu học: Trò lớp 6 vật vã học thêm

Không quen với cách chấm điểm, kiểm tra, thi ở cấp THCS, nhiều học sinh lớp 6 - lứa đầu tiên chuyển cấp sau thực hiện Thông tư 30 của Bộ GDĐT đã bị “sốc” vì phải làm quen với cách học mới. Nghỉ hè, chính là lúc các em phải ngập đầu học thêm để... lấp chỗ trống.

Tìm cách chống “sốc” cho con

Chị Nguyễn Thu Hà (thị trấn Đông Anh, Hà Nội) luôn tự hào vì suốt 5 năm tiểu học, năm nào con mình cũng được giấy khen “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập”, điểm kiểm tra cuối học kỳ môn nào cũng được 9 - 10 điểm. Vậy mà lên lớp 6, sức học của con chị đuối hẳn.

Chị Hà cho biết: “Hết học kỳ 1, điểm kiểm tra của con về nhà toàn 5-6 điểm. Hỏi tại sao bị điểm kém vậy thì con nói cả lớp chỉ có vài bạn được 9-10 thôi. Con kể mỗi lần kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút là run như “cầy sấy”. Hết năm học vừa rồi con cũng chỉ đạt học sinh trung bình khá. Gia đình thực sự “sốc” vì kết quả học tập của con xuống dốc không phanh”.
1465901524 dv img 0149
Nhiều học sinh gặp khó khăn khi vào lớp 6 phải làm quen với việc chấm điểm. Ảnh: Tùng Anh

Sợ con theo đà “trượt dốc” sẽ khó có khả năng vào cấp 3, kỳ nghỉ hè vừa tới, chị Hà đã lên kế hoạch cho con học thêm để vực lại sức học cho con.“Từ đầu tưởng con ham chơi, tìm hiểu kỹ và trao đổi với giáo viên mới biết là hầu hết các con trong lớp đều gặp tình trạng như vậy. Các con đã quen với việc học không kiểm tra, chấm điểm ở tiểu học nên vào lớp 6 bị áp lực, chất lượng học tập cũng không như mong muốn” – chị Hà nói.

Là một giáo viên tiểu học, cũng có con gái chuẩn bị lên cấp 2, cô Trần Thị Hương (Thạch Thất, Hà Nội) có thể hiểu được những khó khăn con mình sẽ phải đối mặt khi bước vào lớp 6.

Cô Hương cho biết, ngay từ khi chưa có Thông tư 30, học sinh tiểu học chuyển cấp lên lớp 6 đã gặp nhiều khó khăn trong việc thay đổi môi trường học tập. Cường độ học cao hơn, các môn học nhiều hơn, kiến thức nặng hơn và việc kiểm tra cũng khắt khe hơn.

“Sau khi bỏ chấm điểm tiểu học, áp lực này càng lớn hơn cho các con khi vào lớp 6. Nhiều phụ huynh đã gặp riêng tôi để nhờ cô mỗi tuần cho con 1 bài kiểm tra về nhà làm và cô chấm điểm. Tôi hiểu, chính các bậc phụ huynh cũng lo ngại con mình lơ là việc học. Bản thân tôi cũng phải cho con gái mỗi tuần làm quen với việc chấm điểm kiểm tra 15 phút, 45 phút và lập bảng điểm theo dõi sức học của con hàng ngày để con đỡ áp lực khi vào lớp 6” – cô Hương thật thà nói.

Cần điều chỉnh hợp lý

Theo đánh giá của nhiều giáo viên và các chuyên gia giáo dục, mục đích của việc thực hiện Thông tư 30 – không chấm điểm học sinh tiểu học rất nhân văn là giảm áp lực cho học sinh tiểu học. Tuy nhiên, áp lực đó lại đẩy lên cho học sinh khi vào lớp 6, ngay cả giáo viên THCS cũng chịu áp lực nhiều hơn.

Cô N.T.H – giáo viên một trường THCS tại quận Long Biên (Hà Nội) cho biết: “Học kỳ I, giáo viên dạy lớp 6 rất vất vả để rèn các em vào nền nếp và làm quen với việc chấm điểm. So với học bạ của học sinh chuyển lên từ cấp I, hầu hết sức học các em đều đi xuống. Đặc biệt, các bài kiểm tra 15 phút học sinh phần lớn làm không đạt yêu cầu vì không quen với khung thời gian ngắn quy định khi kiểm tra. Phải đến hết năm học các em mới làm quen được. So với các lứa học sinh trước, chất lượng giảm đi nhiều”.

Cô H cũng đề xuất, Bộ GDĐT cần chỉnh sửa quy định về điểm số. Học sinh lớp 1, 2, 3 có thể không chấm điểm thường xuyên, nhưng học sinh lớp 4, 5 cần tăng cường thêm một số bài kiểm tra, cho các em nhận diện và làm quen dần với việc đánh giá bằng điểm số.

“Nhiều học sinh nhận được điểm kém cũng bị “đòn” tâm lý nhưng giáo viên không thể dành nhiều thời gian để dỗ dành hay giải thích cho các em. Điều này lẽ ra các em phải được làm quen từ tiểu học” – cô H nói.

PGS-TS Vũ Trọng Rỹ – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết, theo khảo sát mới nhất của Hội với 630 giáo viên về việc thực hiện bỏ chấm điểm tiểu học ở một số tỉnh, thành phố cho thấy: 63,6% ý kiến cho rằng việc thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30 không khuyến khích học sinh phấn đấu vươn lên trong học tập.

“Điều đó cho thấy có rất nhiều vấn đề cần điều chỉnh trong thông tư này. Việc học sinh lười học hơn ở tiểu học sẽ tăng áp lực cho các em và chính các thầy cô khi vào lớp 6” – ông Rỹ nói.

Góp ý thêm, bà Lê Đoan Trang – Phó Hiệu trưởng Trường Thực Nghiệm (Hà Nội) cho rằng, không nên triển khai ồ ạt thông tư này. Rất nhiều giáo viên, phụ huynh đã bị sốc và không thích nghi được. Cần phải làm từng bước, nơi nào đủ điều kiện cơ sở vật chất, sĩ số ít làm trước, còn lại sẽ từ từ điều chỉnh để phù hợp khi áp dụng đại trà.

Bộ GDĐT sẽ chỉ đạo rà soát lộ trình thực hiện Thông tư 30 từ năm học sau, cần thiết sẽ thực hiện thí điểm tại một số trường ở từng địa phương trước khi áp dụng đại trà. Lộ trình sẽ có sự hoàn thiện, thay đổi hợp lý hơn về cách xếp loại, đánh giá kết quả của học sinh về mặt học tập cũng như rèn luyện.
Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ

Tác giả bài viết: Tùng Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP