Xã hội

“Hậu cơn sốt” cô dâu Việt lấy chồng ngoại

Những năm gần đây, thực trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài đang là vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội. Hàng chục nghìn phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài mỗi năm tạo nên “cơn sốt” lấy chồng ngoại. Tuy nhiên, đằng sau “cơn sốt” ấy là không ít hệ lụy khi nhiều cô dâu Việt, chủ yếu là lấy chồng Đài Loan (Trung Quốc) muốn trở lại quốc tịch Việt Nam.

Ảnh minh họa

Rơi vào tình trạng không quốc tịch

Mục đích lấy chồng nước ngoài của những phụ nữ này tuy không hoàn toàn giống nhau, nhưng hầu hết họ đều kỳ vọng vào sự giàu có của người chồng để có cơ hội được đổi đời và có điều kiện giúp gia đình thoát khỏi cảnh bần hàn, thậm chí có người chấp nhận lấy cả những người già yếu, tàn tật…

Các đường dây môi giới hôn nhân hoạt động ngày càng mang tính chuyên nghiệp hơn và mở rộng phạm vi ở cả trong nước và nước ngoài. Những tổ chức môi giới tại các nước trong khu vực, đặc biệt ở Đài Loan, sử dụng nhiều hình thức chào mời kết hôn, rao giá cho các cuộc kết hôn với phụ nữ Việt Nam, các loại quảng cáo như thế được đăng tải một cách công khai trên báo chí hoặc nơi công cộng gây ra sự bất bình trong dư luận.

Hiện nay, tuy đã có sự chuyển dịch sang các quốc gia khác như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Trung Quốc, nhưng “làn sóng” kết hôn với người nước ngoài vẫn tập trung hướng đến các chàng rể Đài Loan. Điểm nóng của phong trào lấy chồng Đài Loan của các cô dâu Việt là ở Cần Thơ nhất là xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt - nơi này còn có tên gọi là “Đảo Đài Loan”.

Tuy nhiên, không phải cô dâu Việt nào cũng thuận lợi trong quá trình nhập quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan). Nhiều trường hợp đã được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch để nhập quốc tịch Đài Loan song bị phía Đài Loan từ chối cho nhập quốc tịch bởi các lý do khác nhau như thẻ cư trú quá hạn, vi phạm thuần phong mỹ tục, kết hôn giả, hôn nhân có vấn đề về tính xác thực (không chung sống với chồng), phạm tội…

Chính vì thế, những người này rơi vào tình trạng không quốc tịch, không có giấy tờ, gặp khó khăn trong cuộc sống ở nước sở tại. Nguyện vọng tha thiết của họ là trở lại quốc tịch Việt Nam để về quê hương sinh sống cùng gia đình.

Công ước quốc tế 154 về người không quốc tịch quy định, người không quốc tịch đang cư trú tại lãnh thổ nước nào thì nước đó phải giải quyết. Có điều, Đài Loan không phải là thành viên của Công ước 154 về người không quốc tịch nên không thể áp dụng nguyên tắc này.

Trong khi đó, theo Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), người đã mất quốc tịch Việt Nam có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp: xin hồi hương về Việt Nam; có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện đầu tư tại Việt Nam.

Phải về nước mới được trở lại quốc tịch Việt Nam.

Bộ Tư pháp đã từng nhận được hàng chục hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam của cô dâu Đài Loan gốc Việt. Nếu theo những quy định hiện hành tại Điều 24 Luật Quốc tịch Việt Nam, đa phần các hồ sơ nêu trên không đáp ứng đủ điều kiện. Đáng chú ý, một trong những quy định yêu cầu người xin trở lại quốc tịch phải có phiếu lý lịch tư pháp, trong khi họ lại là người không quốc tịch.

Trong hồ sơ, các đương sự đều trình bày do để thẻ cư trú quá hạn nên bị từ chối nhập quốc tịch theo quy định của pháp luật quốc tịch Đài Loan nên không đủ điều kiện được nhập quốc tịch. Song cũng có trường hợp muốn trở lại quốc tịch Việt Nam, rồi sau đó làm lại thủ tục từ đầu để nhập quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan).

Cho đến nay, quan điểm luôn được nhấn mạnh là cần tạo điều kiện cho số phụ nữ này được trở lại quốc tịch Việt Nam trên tinh thần nhân đạo. Tuy nhiên, không có nghĩa là cho trở lại quốc tịch hàng loạt bởi quốc tịch là vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, việc giải quyết hồ sơ của những đối tượng nêu trên sẽ là tiền lệ (tích cực hoặc không tích cực) đối với những trường hợp tương tự trong tương lai.

Thực tế, số người Việt Nam bị Đài Loan từ chối nhập quốc tịch là một con số rất khiêm tốn so với số lượng người Việt Nam được nhập quốc tịch ở nhiều quốc gia khác trên thế giới (10.000 người/năm – nguồn Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao).

Bởi vậy, cần tìm giải pháp vừa bảo đảm quyền lợi của người Việt Nam tại nước ngoài, vừa thể hiện được chủ quyền quốc gia. Theo đó, nhằm bảo đảm chặt chẽ việc cho thôi, cho trở lại quốc tịch Việt Nam, cần xem xét từng trường hợp cụ thể, ưu tiên những trường hợp ốm đau, bệnh tật, “không quá dễ dãi” đối với trường hợp trở lại quốc tịch Việt Nam để làm lại thủ tục từ đầu nhập quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan)... Đặc biệt, những trường hợp cô dâu Đài Loan gốc Việt muốn trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải hồi hương về nước mới giải quyết cho trở lại quốc tịch Việt Nam.

Tác giả bài viết: Doãn Sơn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP