Thế giới

Hành trình cực đoan hóa của nhóm khủng bố Tây Ban Nha

Gia đình của những nghi phạm thực hiện các vụ khủng bố mới đây ở Tây Ban Nha tin rằng con họ đã bị giáo sĩ Hồi giáo tẩy não.

Một người đàn ông đặt nến cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ khủng bố bằng xe tải trên đại lô Las Ramblas, Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP.

Người dân ở thị trấn Ripoll, nằm ở rìa dãy núi Pyrenees, cách Barcelona, Tây Ban Nha, khoảng hai giờ lái xe, vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi biết tin 8 trong số 12 kẻ cực đoan đứng sau các vụ tấn công đẫm máu cuối tuần qua đều sinh sống ở đây. Đối với nhiều người, điều khó lý giải nhất là tại sao và bằng cách nào những thanh niên này có thể mưu tính và thực hiện trót lọt một âm mưu khủng bố được coi là nghiêm trọng nhất ở Tây Ban Nha trong suốt hơn 10 năm qua, Washington Post đưa tin.

Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha hôm 19/8 tuyên bố đã xóa sổ nhóm đứng sau hai vụ tấn công khủng bố ở thành phố Barcelona và thị trấn Cambrils lân cận. Ít nhất 8 nghi phạm trong nhóm này là người nhập cư Morocco thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai. Một số thậm chí còn là thiếu niên và hầu hết vẫn sống chung với gia đình. Tất cả đều thông thạo tiếng Tây Ban Nha hơn tiếng Arab.

Cha mẹ của các nghi phạm cho biết mấy tháng trước, một giáo sĩ Hồi giáo đã đến thị trấn tổ chức các buổi giảng đạo và cầu nguyện. Họ nghi ngờ chính giáo sĩ này đã tẩy não những đứa con trai "trẻ người non dạ" của họ thành những kẻ cực đoan.

"Bọn trẻ đã biến thành những chiến binh," cha của một nghi phạm nói.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Juan Ignacio Zoido, nhóm này đã thực hiện vụ đâm xe tải trên đại lộ Las Ramblas ở trung tâm thủ đô Barcelona, tấn công cảnh sát và dân thường tại một điểm kiểm soát ở thị trấn Cambrils cách đó 120 km và chế tạo bom tại một căn nhà, khiến ít 14 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

"Ai mới là người đứng đằng sau vụ này? Kẻ nào mới là con cá lớn ở đây? Không thể nào những đứa trẻ này có thể tự làm một việc như thế. Ai đã giúp chúng?", Rashid Oukabir, anh họ của nghi phạm Moussa Oukabir, nói. Moussa, 17 tuổi, được cho là đã lấy cắp giấy tờ của anh trai để đứng ra thuê chiếc xe tải thực hiện vụ tấn công khủng bố ở Barcelona. Moussa sau đó bị cảnh sát bắn hạ ở thị trấn Cambrils.

Đó cũng là thắc mắc của nhiều người nhập cư Morocco ở thị trấn Ripoll. Tại quán cà phê Esperanza, khách hàng vừa xem tin tức trên TV vừa bình luận. Họ không thể lý giải được tại sao một nhóm thanh niên vốn được coi lương thiện lại nhanh chóng biến thành những kẻ gây tội ác.

"Bọn nhóc là lũ nhút nhát thiếu kỹ năng xã hội", một người đàn ông nhận xét.

Một người khác cắt ngang cho rằng không phải tất cả đều ngây thơ và ngốc nghếch. Những người ngồi xung quanh bắt đầu thêm vào câu chuyện. Họ nói rằng một kẻ tình nghi là cầu thủ đá bóng có hạng, một tên khác có thể là kẻ nghiện cần sa.

Ông Ibrahim Aallaa, cha của Said Aallaa, 18 tuổi và Youssef Aallaa, 22 tuổi, hai người bị tình nghi dính líu tới âm mưu khủng bố vừa qua, cho biết đứa con trai cả, Mohammad, 27 tuổi, đang bị cảnh sát bắt giữ để thẩm vấn. Mohammad là chủ sở hữu chiếc xe Audi A3 thực hiện vụ tấn công thứ hai ở thị trấn Cambrils làm 6 dân thường và một cảnh sát bị thương hôm 18/8.

Theo người cha này, một giáo sĩ Hồi giáo địa phương không rõ tên có thể đã biến con trai ông thành kẻ cực đoan. Ông Aallaa nhận thấy cậu con trai Youssef có một số biểu hiện lạ trong những tháng gần đây. Ví dụ, Youssef bỗng trở nên mộ đạo hơn.

"Thằng bé nói với tôi là 'Cha ơi, cha phải cầu nguyện đi. Cha phải thực hành đạo Hồi'", Aallaa nhớ lại.

Ông Aallaa miêu tả Youssef là một "đứa trẻ khó bảo", hung hăng và hay đánh nhau ở trường, thi thoảng bỏ nhà đi mấy ngày. Lần cuối ông Aallaa gặp con trai là khoảng một tháng trước đây.

Trong căn phòng của Youssef và em trai Said, người ta không tìm thấy gì ngoài mấy bài giảng đạo và một vài quả tạ tập thể hình. Ông Aallaa cho rằng Youssef đã lôi kéo Said.

"Tôi chưa bao giờ nghe chúng nói về Nhà nước Hồi giáo hay Syria, hay bất cứ điều gì tương tự cả, chưa bao giờ". Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công ở Barcelona nhưng thông tin chưa được kiểm chứng.

Vụ đâm xe khủng bố ở Barcelona xảy ra như thế nào (bấm vào hình để xem chi tiết). Đồ họa: Việt Chung.

Hôm thứ 7, cảnh sát đã lục soát một căn hộ bỏ hoang ở thị trấn Ripoll của Abdelbaki Essati, giáo sĩ giảng đạo bán thời gian ở một nhà thờ Hồi giáo địa phương.

Theo truyền thông Tây Ban Nha, cảnh sát nghi ngờ Essati có thể là một trong hai kẻ đã thiệt mạng trong vụ nổ tại căn nhà được sử dụng làm nơi chế tạo bom. Tuy nhiên, hiện nay cảnh sát vẫn từ chối cung cấp thông tin về giáo sĩ này.

Nhà chức trách Tây Ban Nha cũng cho biết họ đang truy lùng Younes Abouyaaqoub, một thanh niên 22 tuổi gốc Morocco, sinh ra và lớn lên ở thị trấn Ripoll. Cảnh sát tình nghi Abouyaaqoub chính là kẻ thực hiện vụ đâm xe trên phố Las Ramblas hôm 17/8.

Kẻ giật dây

Hafida Oukabir, chị gái của nghi phạm Moussa Oukabir, cho biết vài giờ trước vụ khủng bố ở trung tâm Barcelona, cô đã gặp em trai mình, nhưng cô không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu khác thường nào.

"Em trai tôi không thay đổi đâu", Hafida khẳng định.

Moussa Oukabir đến nhà thờ vào các ngày thứ 6 hàng tuần nhưng không cầu nguyện hàng ngày, Hafida cho biết.

"Nó vẫn cười nói và ra ngoài chơi. Nếu nhận thấy có sự thay đổi hay nghi ngờ bất cứ điều gì, chúng tôi đã báo với nhà chức trách. Nhưng không có điều gì cả", Hafida quả quyết vài ngày trước vụ khủng bố, em trai cô vẫn cư xử bình thường.

Cộng đồng những người nhập cư Morocco vốn gắn bó với nhau chặt chẽ tin rằng có kẻ đứng đằng sau giật dây lũ trẻ.

"Tôi nghĩ chắc hẳn đã có kẻ nào đó tẩy não bọn nhỏ. Anh có nghĩ rằng những đứa mới 17, 18 tuổi, được sinh ra và lớn lên ở đây, có thể nảy ra ý nghĩ sát hại người khác không? Không, không đâu. Phải có kẻ nào đó đã thao túng và lợi dụng chúng", Hafida nói.


Nghi phạm tấn công ở Cambrils bị cảnh sát bắn hạ.

Trong khi đó, tại thị trấn Ripoll, làn sóng tẩy chay người nhập cư gốc Morocco bắt đầu nhem nhóm trong cộng đồng dân bản địa. Những dòng chữ phun sơn với thông điệp bài trừ người Morocco xuất hiện trên bức tường bên ngoài nhà thờ Hồi giáo. Những miếng dán với khẩu hiệu tẩy chay đạo Hồi rải rác trên các tấm biển chỉ đường.

Bà Irene Payet, 64 tuổi, sống cùng tòa nhà với gia đình Aallaa, tin rằng chính phủ Tây Ban Nha đã quá dễ dãi với người nhập cư và vội vàng trao cho họ quá nhiều quyền và lợi ích.

"Những người này, họ đều cực đoan, nên tôi chẳng lấy làm ngạc nhiên trước vụ việc mới xảy ra. Những kẻ này nên bị đẩy ra ngoài lề. Chúng chưa sẵn sàng hòa nhập với xã hội này đâu".

"Tôi đang phải ngủ chung với kẻ thù đấy", bà Payet chỉ tay lên trần nhà, ám chỉ gia đình Aallaa sống ở tầng trên.

Tác giả: An Hồng

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: Tây Ban nha ,khủng bố

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP