Giáo dục

Hàng nghìn sinh viên bị đuổi ở Sài Gòn: Áp lực nợ môn, ngồi 'nhầm' lớp

Không đáp ứng được yêu cầu học tập hoặc cảm thấy không phù hợp ngành nghề đã chọn khiến nhiều sinh viên chấp nhận “đứt gánh giữa đường” một cách tiếc nuối.

Mỗi năm, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh viên các trường đại học “rơi rụng” vì nhiều lý do khác nhau, cả tự nguyện lẫn bắt buộc.

Bước chân vào môi trường đại học, nhiều bạn nhận ra mình không đủ khả năng theo đuổi chương trình đào tạo. Bi kịch hơn, không ít sinh viên bỗng dưng “ngộ” ra mình không thể gắn bó với ngành, nghề đang học.

Hai trường hợp trên đều là biểu hiện của việc ngồi “nhầm” lớp ở bậc đại học, có thể dẫn đến sự lãng phí đối với cả người học, gia đình, nhà trường và xã hội.

60% sinh viên năm nhất bỏ học
Thạc sĩ Nguyễn Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết trong số hàng trăm sinh viên bỏ học, bị buộc thôi học mỗi năm của trường, khoảng 60% là các em năm thứ nhất.

Sinh viên năm nhất dễ "vỡ mộng" khi bước chân vào giảng đường. Ảnh minh họa: T.T.

“Không nhiều sinh viên biết mình có gì, muốn gì và cần học gì. Các em chỉ nghe nói, biết sơ sơ và chọn ngành, trường để có chỗ học. Hết một học kỳ, các em thấy mình chọn nhầm, khi đó mới tìm hiểu về ngành nghề và quan tâm đến xu hướng việc làm trong tương lai”, ông Sơn nói.

Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh tìm hiểu ngành nghề trước khi thi đại học có tăng hơn trước nhờ công tác tư vấn và sự phổ biến của Internet. Tuy nhiên, các bạn trẻ không được cập nhật kịp thời những dự báo về nhu cầu nhân lực của xã hội, cũng như đòi hỏi về năng lực, tố chất của từng ngành nghề.

Ông Sơn cho rằng hiện nay, phần lớn học sinh chọn ngành học theo hiểu biết của mình về vị trí việc làm, mà không tìm hiểu năng lực bản thân có phù hợp. Các em thấy nông dân khổ cực thì né nhóm ngành nông nghiệp mà không biết lĩnh vực này có nhu cầu tuyển dụng khá lớn, không phải làm việc "chân lấm tay bùn".

"Học sinh cứ nhìn hình ảnh ở văn phòng, nghe nói việc làm có thu nhập cao và chọn lựa ngành nghề theo xu hướng đó. Các em không chọn theo sở thích, đam mê, năng khiếu của mình, không tìm hiểu xu hướng trong tương lai và nếu có thì vẫn hời hợt, cảm tính chứ chưa cẩn thận và khoa học”, ông Sơn lý giải nguyên nhân sinh viên thường “vỡ mộng”, đặc biệt ở năm thứ nhất.

Áp lực nợ môn
"Dành cả thanh xuân để qua môn" là cách nói vui của nhiều sinh viên. Thông thường, những người bị thôi học, dù bị bắt buộc hay tự nguyện, đều liên quan kết quả học tập.

ĐH Bách Khoa TP.HCM nổi tiếng với môi trường học tập căng thẳng. Ảnh: Hcmut.edu.vn.

Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ sự khác biệt giữa phương pháp học đại học và phổ thông. Chương trình đại học với lượng kiến thức rộng, lại yêu cầu chuyên môn sâu, dễ khiến sinh viên nản chí nếu không có phương pháp tư duy, hệ thống hiệu quả. Đồng thời, với cách kiểm tra, đánh giá mở hiện nay, bạn trẻ không nỗ lực học ngoài giáo trình (mạng Internet, báo chí...) sẽ khó có được kết quả như mong muốn.

PGS.TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết nhiều trường hợp sinh viên đã rất cố gắng nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo. Các bạn đều có nền tảng kiến thức tốt từ phổ thông, học tập chăm chỉ nhưng lại không có phương pháp nghiên cứu, tư duy hiện đại nên dễ bị đuối sức.

Không ít sinh viên thắc mắc mình ôn bài cũng kỹ nhưng sao điểm thi vẫn thấp. Không có phương pháp học tập đúng, tân sinh viên dễ gặp phải những cú sốc đầu đời với môn đại cương.

Theo Nguyễn Võ Hùng, sinh viên năm thứ nhất một trường đại học tại TP.HCM, giảng viên không dạy kỹ, "cầm tay chỉ việc" như phổ thông. Sinh viên được yêu cầu tìm hiểu tài liệu, tự nghiên cứu thêm, thi giữa và cuối kỳ cũng không còn có đề cương ôn tập như ngày xưa nên rất lúng túng.

Không chủ động tìm hiểu kiến thức, tâm lý chủ quan khiến nhiều sinh viên rớt môn. Mỗi học kỳ trượt vài môn, cộng dồn lại cũng đủ khiến các bạn "đuối", dễ chán nản, buông xuôi.

Trường vẫn phải quản sinh viên

Học đại học là tự học. Những thế hệ đi trước, giảng viên đều nói về tự học ở đại học với tân sinh viên. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là bạn trẻ phải tự biết quản lý chính mình. Đáng tiếc, nhiều người lại không làm được điều này. Do đó, không ít trường vẫn chọn cách quản lý, đôn đốc sinh viên một cách bất đắc dĩ.

Để kiểm soát được thời lượng lên lớp của sinh viên, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM vẫn phải yêu cầu giảng viên điểm danh từng buổi, dù đào tạo theo cơ chế tín chỉ. Phòng công tác sinh viên cũng cố gắng thông tin đến phụ huynh tình hình học tập, điểm số thông qua tài khoản mà họ có thể đăng nhập để kiểm tra.

Nhà trường phải đưa ra quy định kỷ luật buộc thôi học nếu nghỉ không có lý do quá nhiều trong quy chế quản lý sinh viên.

Các bạn có hai buổi sinh hoạt mỗi năm để được gặp, trao đổi các vấn đề liên quan chương trình đào tạo với giảng viên và cố vấn học tập của từng lớp. Đây là cơ hội để các bạn được giải đáp những thắc mắc về ngành nghề, thậm chí cả về nhu cầu chuyển đổi của bản thân.

“Vấn đề quan trọng nhất vẫn là ở các bạn trẻ. Ở bậc đại học, nhà trường không thể can thiệp quá sâu, gia đình lại ở xa, môi trường sống phức tạp…, các bạn không tự giác là 'chết' ngay”, ông PGS.TS Đồng Văn Hướng nhắc nhở.

Đằng sau việc đuổi học sinh viên vì điểm kém Gần đây, nhiều trường đại học nước ta công bố danh sách sinh viên bị cảnh báo học vụ hoặc buộc thôi học do đạt điểm kém.

Video: VTV

Tác giả: Minh Nhật

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP