Trong tỉnh

Hàng ngàn hộ dân TP Vinh đang phải mua điện giá cao - Lý do vì sao?

Sinh sống ngay trung tâm thành phố Vinh, nhưng lại chưa được mua điện trực tiếp từ ngành điện và đang phải chịu mức giá điện sinh hoạt cao hơn so với mặt bằng chung, là thực trạng của hàng ngàn hộ dân ở các chung cư và khu đô thị mới trên địa bàn thành phố hiện nay. Vì sao lại có sự bất hợp lý này?

Gia đình anh Lê Hoàng Nam sống tại chung cư Tecco Tân Bình đến nay đã được gần 2 năm, hàng tháng anh đều phải trả tiền điện với giá cao hơn quy định. Cụ thể với đơn giá đồng mức mà anh đang trả là 1.786 đồng/1Kw, và với lượng điện tiêu thụ hàng tháng nếu so với giá trần mà điện lực bán đến tận hộ, thì mỗi tháng anh phải chi vượt gần 30.000 tiền điện.

Chia sẻ của anh Lê Hoàng Nam: “Nhà mình đi suốt, ít sử dụng thì mức chênh lệnh còn đỡ. Có nhiều hộ gia đình mỗi tháng phải trả từ 600 – 800 nghìn đồng tiền điện/tháng thì mức chênh lệnh sẽ rất cao. Về lâu dài chúng tôi muốn được là khách hàng trực tiếp của điện lực thành phố.”

Anh Lê Hoàng Nam chia sẻ với phóng viên.

Trước bức xúc của nhiều hộ dân trong chung cư, phía Ban quản lý tòa nhà đã nhiều lần có ý kiến, kiến nghị trực tiếp với chủ đầu tư và mong muốn được sử dụng điện tại gia do điện lực quản lý. Tuy nhiên với nhiều lý do, đến nay những mong muốn trên của 89 hộ dân sống tại chung cư này vẫn chưa được giải quyết.

Người dân nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết.

Trăn trở của ông Nguyễn Xuân Nghĩa – Phó Ban quản lý Chung cư Tecco Tân Bình: “Chúng tôi đã tổ chức đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư, nhưng với nhiều lý do khác nhau, đến nay vẫn chưa được giải quyết rõ ràng. Không biết đến bao giờ quyền lợi của các hộ gia đình sinh sống tại đây mới được đảm bảo.”

Gia đình ông Lê Đình Văn xây nhà và sinh sống ổn định tại Khu đô thị mới Khối 1, phường Quán Bàu đã được hơn 2 năm. Điều khiến ông và nhiều hộ dân khác luôn thắc mắc, đó là giá điện sinh hoạt hàng tháng phải thanh toán cho Ban quản lý công ty Vinaconex 9.1 luôn cao hơn biểu giá của điện lực thành phố quy định, và chỉ một bậc duy nhất: 2.000đồng/1kw

Ông Lê Đình Văn bức xúc nói: “Ban quản lý tòa nhà áp dụng giá đồng mức là 2.000 đồng/1kw nhưng không có văn bản Nhà nước quy định nào.”

Hóa đơn tiền điện với đơn giá do phía Chủ đầu tư quy định.

Theo nhiều hộ dân, giá điện mà mình phải chịu cao hơn bình thường và không theo giá điện bậc thang là vì họ đang phải mua điện qua chủ đầu tư. Nghĩa là sau khi có quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỷ thuật, lấp đầy diện tích, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao trạm, hệ thống điện cho ngành điện quản lý.

Vì thế, các chủ đầu tư đang đảm nhận vai trò trung gian cung ứng điện cho từng hộ dân, thay vì ngành điện bán điện đến tận hộ. Tất cả chi phí điện sản xuất, kinh doanh, điện thắp sáng vận hành các công trình... được chủ đầu tư cộng dồn và phân bổ đều cho các hộ dân trong dự án với mức giá 2.000đ/1kw. Những hộ dùng điện ít sẽ thấy đây là một sự thiếu công bằng.

Lý giải về việc quy định mức phí điện đồng giá cho các hộ tại tòa nhà, ông Hồ Ngọc Quỳnh – Phó Giám đốc Công ty Vinaconex 9.1: “Vì tại đây các hộ đang sử dụng điện dịch vụ cho xây dựng và công cộng nên phải tính chung rồi phân bổ cho các hộ liền kề. Lý do thứ hai là đơn vị phải trả phí cho những người đi thu tiền điên.”

Ông Hồ Ngọc Quỳnh – Phó Giám đốc Công ty Vinaconex 9.1 lý giải nguyên nhân thu tiền điện giá chênh cao so với giá thực của ngành điện thành phố.

Theo quy định, sau khi các khu đô thị mới và chung cư hoàn thành đưa vào sử dụng, chủ đầu tư phải bàn giao hạ tầng điện cho ngành điện quản lý. Tuy nhiên đến thời điểm này, chỉ có 21/60 chung cư và khu đô thị mới trên địa bàn thành phố bàn giao cho ngành điện lực, và các hộ dân được áp dụng biểu giá điện sinh hoạt theo đúng quy định.

Còn lại hơn 40 chủ đầu tư chưa chịu bàn giao, điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng ngàn hộ dân vẫn phải mua điện qua đơn vị trung gian với mức cao hơn giá trần.

Ông Phạm Văn Nga – Giám đốc Điện lực thành phố Vinh chia sẻ: “Sở dĩ nhiều đơn vị chưa muốn bàn giao là bởi ngoài việc không có đầy đủ thủ tục theo đúng quy định, họ phải duy trì những người quản lý nên tự ý đẩy giá lên. Để đốc thúc vấn đề bàn giao này không thuộc thẩm quyền của ngành, vai trò của cấp chính quyền, cụ thể ở đây là UBND thành phố Vinh.”

Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn thành phố còn có khoảng 10.000 hộ dân ở trong các khu đô thị, chung cư mới chưa được hưởng giá điện của Nhà nước mà đang phải chịu nhiều mức giá khác nhau, bình quân từ 2.000/1kw điện trở lên. Thậm chí có một số chung cư vẫn áp dựng giá điện bậc thang của ngành điện nhưng lại tự ý tăng khung giá lên 100 – 200 đồng/1kw so với giá trần quy định.

Trước thực trạng này, đại diện phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương Nghệ An cho biết: “Qua kiểm tra thì đúng là có nhiều đơn vị áp dụng khung giá với khách hàng của mình cao hơn . Việc này là vi phạm quy định. Tới đây chúng tôi sẽ tham mưu để có hướng giải quyết.”

Ở ngay giữa trung tâm thành phố nhưng lại không được hưởng những chính sách về giá điện của Nhà nước, đó là thiệt thòi lớn đối với nhiều hộ dân. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các chủ đầu tư cần sớm hoàn tất các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ bàn giao hạ tầng lưới điện cho đơn vị chủ quản, đảm bảo công bằng cho những cư dân sống trong các khu đô thi, chung cư mới.

Tác giả: (Trần Lịch)

Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP