Giáo dục

Hàng loạt vi phạm của 1 Hiệu trưởng, 9 tháng chưa bị xử lý vì lãnh đạo Sở… bận

Hàng loạt vi phạm nghiêm trọng tại Trường THPT Phan Văn Trị (H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) được chỉ rõ trong kết luận nội dung tố cáo. Nhưng đã hơn 9 tháng trôi qua từ ngày ban hành kết luận, lãnh đạo, cán bộ, những người phải chịu trách nhiệm về các vi phạm này vẫn chưa bị xử lý vì lãnh đạo Sở… bận.

Trường THPT Phan Văn Trị, nơi lãnh đạo và một số cán bộ, nhân viên dính hàng loạt vi phạm - Ảnh: Thanh Nguyên

Kết luận nội dung tố cáo đối với lãnh đạo Trường THPT Phan Văn Trị được Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ - bà Trần Hồng Thắm, ban hành vào ngày 23.1.2019. Theo kết luận này, lãnh đạo và một số nhân viên, cán bộ trong Trường THPT Phan Văn Trị phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm như: lộ đáp án đề kiểm tra học kỳ, các khoản thu từ học sinh sai quy định, việc thu tiền giữ xe cho học sinh gấp đôi so với quy định và không qua đấu thầu…

Tuy nhiên đến nay, sau gần 9 tháng, những hành vi vi phạm của cá nhân tập thể này vẫn chưa được xử lý. Ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ cho biết, do thời gian qua, lãnh đạo Sở bận nhiều việc nên vẫn chưa giải quyết. Còn ông Phạm Văn Dũng - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, cho biết, lý do chậm xử lý những vi phạm trên là sau khi ban hành kết luận nội dung tố cao, thời điểm rơi vào đợt thi nên Sở chưa kịp xử lý. “Khi có hình thức xử lý với những cá nhân sai phạm trên, chúng tôi sẽ công khai, ông Dũng nói.

Dưới đây là những vi phạm mà "Kết luận nội dung tố cáo..." đã chỉ ra:

Lộ đáp án đề kiểm tra, ra đề sai, cộng điểm cho học sinh không đúng quy định

Trong đợt kiểm tra học kỳ 2, năm học 2016-2017, ông Phạm Quốc Hưng - Tổ trưởng Tổ bộ môn Toán - Tin đã đăng tải file đáp án môn Toán của khối 10 và 11 lên trang website của trường 1 tiếng đồng hồ, trước khi học sinh làm bài. File đáp án này ông Hưng nhận từ bà Trần Ngọc Thiền - lúc này là Phó hiệu trưởng, của trường (hiện là Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, Q.Ninh Kiều). Bà Thiền sau này biện hộ, do không kiểm tra file đáp án trước khi gửi và không nắm lịch thi học kỳ của trường nên mới xảy ra vụ việc, dù bà lúc đó là Hiệu phó.

Khi được học sinh thông báo việc lộ đáp án, nhà trường đã cho kiểm tra môn khác thay thế và tổ chức in đề dự phòng cho môn Toán để học sinh có thể thi trong ngày. Sau khi xảy ra sự cố, Hiệu trưởng Trường - Nguyễn Hoàng Minh, không tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân có liên quan mà mãi hơn 1 năm sau mới có báo cáo về vụ việc trên. Hình thức xử lý bằng hình thức trừ điểm thi đua và không đề nghị danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp thành phố đối với bà Thiền, Chiến sĩ thi đua cơ sở đối với ông Hưng trong năm học đó.

Năm học 2017-2018, trong khi tổ chức kiểm tra học kỳ 1, bộ môn Toán của 2 khối 10 và 11 lại bị phát hiện ra đề sai sau khi học sinh làm bài xong. Để khắc phục sự cố trên, Tổ bộ môn Toán - Tin thống nhất việc... cộng điểm cho học sinh ở bài kiểm tra 1 tiết vào học kỳ 2. Việc cộng điểm này không căn cứ vào quy định nào mà do thành viên trong Tổ tự thống nhất.

Theo kết luận, bà Thiền đã chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm xem xét lại lịch kiểm tra học kỳ đã thông báo trước đó, cũng như thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra nội dung thông tin, tài liệu liên quan đến đề kiểm tra trước khi chuyển giao cho giáo viên để đăng tải lên trang website của trường. Hành vi này đã vi phạm Nghị định 138, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục với hình thức phạt tiền từ 20.000.000 - 50.000.000 đồng.

Thu tiền giữ xe cao gấp đôi giá quy định, lập biên bản chỉ định thầu khống

Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị, đã quy định giá tiền giữ xe cho học sinh cao gấp đôi giá được UBND TP quy định. Sau khi kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện từ năm 2016 - 2019, chỉ có 1 kỳ họp duy nhất đề cập đến việc tổ chức dịch vụ này vào ngày 27.9.2017. Trong khi, nếu làm đúng quy định, việc tổ chức dịch vụ trông giữ xe phải thông qua cuộc họp hàng năm.

Theo đó, năm học 2016-2017, lúc này Trường THPT Phan Văn Trị vẫn còn ở cơ sở cũ (dưới chân cầu Trà Niền, nay là Trường THCS TT.Phong Điền) ông Nguyễn Văn Sang - nguyên Hiệu trưởng Trường, có ký hợp đồng dịch vụ gửi, giữ xe cho học sinh với giá 1.000 đồng/xe đạp, 2.000 đồng/xe máy. Trong 1 năm hợp đồng sẽ kết thúc, nhà trường sẽ thu về 32.000.000 đồng. Ông Sang giải thích rằng, do sân trường lúc bấy giờ có diện tích nhỏ. Học sinh đa số đi xe đạp, và gửi xe ở các điểm tư nhân bên ngoài trường với mức giá trên nên ông mới quy định đồng giá bên ngoài.

Khi ông Sang chuyển công tác về làm Trưởng phòng GD-ĐT H.Phong Điền vào tháng 10.2016, ông Nguyễn Hoàng Minh lên làm Hiệu trưởng vẫn giữ giá dịch vụ giữ xe này. Khi trường chuyển sang cơ sở mới vào đầu năm học 2017-2018, ông Minh vẫn hợp đồng mức giá đó là sai quy định. Và, khi tổ chức dịch vụ giữ xe nhà trường phải đấu hoặc chỉ định thầu thì mới đúng quy định, nhưng ông Minh đã không thực hiện những việc này.

Để đối phó với đoàn thanh tra, ông Minh cho lập 2 biên bản chỉ định nhà thầu giữ xe khống vào các ngày 9.7.2017 và ngày 1.7.2018. Sau khi xác minh, đoàn thanh tra đã kết luận thực tế không có 2 phiên họp của Hội đồng xét chỉ định thầu nêu trên. Ông Minh tự ra quyết định về việc chỉ định thầu trong 2 năm học 2017-2018 với giá trị 42.000.000 đồng và năm học 2018-2019 có giá trị 105.000.000 đồng. Trong những hợp đồng giữ xe này đều ghi rõ giá giữ xe là 1.000 đồng/xe đạp, 2.000 đồng/xe máy. Mức giá này cao gấp đôi so với giá mà UBND TP.Cần Thơ quy định.

Theo tìm hiểu của PV, trong những năm qua, Trường THPT Phan Văn Trị luôn giữ số lượng gần 1.500 học sinh. Trong đó rất nhiều học sinh tự đi xe máy tới trường. Ngoài giờ học chính khóa sáng, chiều, nhiều học sinh còn có những buổi học khác như thể dục, quốc phòng… nên 1 ngày nhiều học sinh phải gửi xe 2 lượt. “Tôi tính thấy tiền gửi xe mỗi ngày khoảng 2,5 triệu đồng, như vậy mỗi năm trừ thời gian nghỉ hè thì số tiền thu từ dịch vụ này đến nay phải gần cả tỉ đồng. Hợp đồng chỉ vài chục triệu cho đến 100 triệu là chẳng thấm vào đâu”, 1 giáo viên trong trường phản ánh.

Người đứng tên trong các hợp đồng dịch vụ trông giữ xe với nhà trường là ông Phan Văn Tèo (SN 1974, ngụ TT.Phong Điền). Đoàn thanh tra xác minh và phát hiện ông Tèo có quan hệ họ hàng thông gia với bà Lâm Thị Khoảnh - kế toán của trường. Bà Khoảnh với vai trò, nhiệm vụ của mình cũng không tham mưu, đề xuất với Hiệu trưởng cách thức tổ chức, cũng như các thủ tục cần thiết theo quy định cho việc thực hiện dịch vụ trông giữ xe.

Cuối năm 2017, ông Tèo có mua một số vật tư, thuê thợ để mở rộng diện tích trông giữ xe. Việc này được ông Minh thống nhất và giảm số tiền phải nộp trong hợp đồng từ 105.000.000 đồng xuống còn 75.000.000 đồng. Nội dung này không có ghi nhận thành biên bản.

Ông Tèo cho biết không tự ý đề xuất giá tiền giữ xe, mà mức giá này là do Hiệu trưởng quy định. Làm việc với đoàn thanh tra, ông Minh thừa nhận không có nghiên cứu văn bản của UBND TP quy định về giá giữ xe trên địa bàn TP. Đến cuối năm 2018, ông Minh mới có thông báo điều chỉnh giá giữ xe với mức 500 đồng/xe đạp và 1.000 đồng/xe máy.

Bãi giữ xe của Trường THPT Phan Văn Trị được sắp xếp khá bừa bộn vì số lượng xe máy được gửi khá nhiều - Ảnh: Thanh Nguyên

Như vậy, trong 2 năm học 2016-2017 và 2017-2018, số tiền thu từ dịch vụ giữ xe với mức giá sai quy định đã đi về đâu? Ông Phạm Văn Tèo với những hợp đồng có giá trị chỉ vài chục triệu đồng, chênh lệch rất lớn với số tiền thực tế thu được. Thanh tra Sở GD-ĐT cũng kết luận khó thu hồi số tiền vi phạm.

Lạm thu, và nhiều vi phạm khác

Trong những năm học trước, Trường THPT Phan Văn Trị không phải chi tiền cho việc thu gom rác. Việc này do UBND H.Phong Điền ký kết hợp đồng với công ty vệ sinh và chi trả chung cho các đơn vị trên địa bàn. Vậy nhưng, trong năm học 2017-2018, ông Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Minh tổ chức thu tiền của 20.000 đồng/học sinh để phục vụ cho việc thu gom rác thải và tưới cây xanh là không đúng quy định, đây là hành vi lạm thu.

Ông Minh còn vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, giao cho bà Nguyễn Lê Duyên, nhân viên y tế, kiêm thủ quỹ, quản lý thu và chi các khoản đóng góp cho kinh phí hoạt động của ban Đại diện cha mẹ học sinh, cũng như nguồn thu từ học sinh cho việc thu gom rác thải và tưới cây xanh.

Với những vi phạm trên, ông Minh buộc phải trả số tiền 24.060.000 đồng cho học sinh vì đã lạm thu. Theo nguồn tin của PV, thời điểm Kết luận nội dung tố cáo được ban hành, một số học sinh lớp 12 đã ra trường, nên không thể trả lại tiền được. Vậy, số tiền không trả lại được này bây giờ ở đâu?

Cũng trong năm học này, ông Minh tổ chức thu tiền tăng tiết đại trà đối với học sinh lớp 12 với 2 mức: học sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội thì thu 1.450.000 đồng; học sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên thì thu 1.550.000 đồng, số tiền này không được công khai minh bạch. Đoàn thanh tra xác định, việc lãnh đạo trường thu tiền để tăng tiết ôn tập thi trung học phổ thông quốc gia và chi trả cho giáo viên trong khi biên chế năm học chưa kết thúc, giáo viên chưa hoàn thành nhiệm vụ là không đúng quy định.

Ngoài ra, việc bố trí, phân công lớp dạy, giờ dạy cho giáo viên ở các tổ bộ môn, phân công dạy thay trong 2 năm học 2016-2017 và 2017-2018 là không phù hợp nên dẫn đến tình trạng ở cùng tổ bộ môn, nhiều giáo viên vượt giờ định mức nhiều, có giáo viên không hoàn thành định mức giờ dạy.

Ngoài ra, ông Minh còn bị tố cáo ép học sinh tham gia bảo hiểm tai nạn. Tuy quá trình thanh tra, xác minh rằng nội dung tố cáo không có cơ sở nhưng ông Minh vẫn có một số hành vi vi phạm như: không làm hợp đồng trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh theo mẫu quy định; không thực hiện thanh lý hợp đồng bảo hiểm y tế và biên bản quyết toán sử dụng kinh phí theo mẫu. Đặc biệt là làm thất lạc hồ sơ tài chính năm học 2016-2017.

Việc thực hiện bảo hiểm tai nạn, ông Minh đã không sử dụng tài liệu tuyên truyền, vận động, không có văn bản thông báo cho học sinh tham gia bảo hiểm, không tổ chức cho giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền. Bản thân ông Minh lại trực tiếp vận động, tuyên truyền cho học sinh trong buổi sinh hoạt đầu tuần. Việc tiếp nhận, sử dụng tiền từ đơn vị cung cấp bảo hiểm hỗ trợ công tác thu hộ không đưa vào sổ sách quản lý và cũng không công khai minh bạch.

Ông Minh cũng không kiểm tra các hợp đồng đã ký với đơn vị bảo hiểm nên không phát hiện những thiếu sót cơ bản như ghi thiếu ngày ký. Ông Minh cũng không thanh lý hợp đồng bảo hiểm hàng năm. Không phân công nhiệm vụ thực hiện việc thu tiền bảo hiểm, không chỉ đạo bộ phận quản lý tài chính lập chứng từ việc thu tiền bảo hiểm theo quy định.

Tác giả: Thanh Nguyên

Nguồn tin: Báo Một Thế Giới

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP