Trong nước

Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế được xem xét thí điểm chính sách đặc thù

Tại phiên họp tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 11- 14/10, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng.

Theo chương trình dự kiến, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).

Về công tác xây dựng pháp luật, dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê được cho ý kiến lần thứ hai.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền đền bù giá trong bao tiêu sản phẩm Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét các báo cáo của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, hai năm thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ còn cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (trong đó có việc đề xuất một số đổi mới cải tiến áp dụng tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp).

Ba nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản, gồm: kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong 02 năm 2019-2020; tình hình và kết quả thực hiện các giải pháp đặc biệt để phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và việc thành lập Tổ chức nghị sĩ hữu nghị Việt Nam Quốc hội khóa XV; thành lập Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV; thành lập Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP