Pháp luật

Hai người lính mang án oan giết người, 40 năm vẫn chưa được bồi thường

Dù đã được ngành chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc tổ xin lỗi công khai sau gần 40 năm bị bắt oan về tội giết người, nhưng việc giải quyết bồi thường oan sai cho gia đình 2 người lính vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Một người qua đời trong trại giam

Hai người lính (hai anh em ruột) trở về từ chiến tranh vẫn lành lặn, nhưng bị bắt oan, khiến một người chết trong trại giam vì bệnh tật, người ra tù thành tàn tật và vợ con họ ở ngoài phải nhẫn nhục sống qua ngày. Người còn sống là ông Trần Ngọc Chinh, năm nay đã 81 tuổi (ở Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) - 40 năm mang án oan giết người được cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc xin lỗi công khai vào tháng 10/2019.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông Chinh cảm thấy sức khỏe ngày càng sa sút rõ rệt, chỉ mong trước lúc nhắm mắt xuôi tay toại ước nguyện được ngành chức năng giải oan dứt điểm cho ông.

Ông Chinh nói: "Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cứ chậm trễ giải quyết việc bồi thường oan sai khiến gia đình tôi cảm thấy rất bứt rứt trong lòng, thắc mắc không hiểu vì sao Nhà nước đã giải oan, xin lỗi công khai rồi, giờ chỉ còn mỗi việc bồi thường oan sai theo luật mà việc này lại cứ dai dẳng, kéo dài như thế. Nếu chẳng may trong thời gian tới, tôi qua đời thì cơ quan chức năng sẽ bồi thường cho ai”?

Người nhà ông Thám cùng các ông Chinh, Đệ tại buổi xin lỗi công khai của Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc.

Bên cạnh đó là ông Trần Trung Thám (em ruột ông Chinh) cùng mang án oan giết người, nhưng đã mất năm 1982. Anh Trần Văn Mạnh (47 tuổi, con ông Thám) cũng cảm thấy bức xúc, mệt mỏi vì đợi chờ nhiều năm nhưng việc bồi thường oan sai cho bố anh vẫn chưa được cơ quan chức năng Vĩnh Phúc giải quyết dứt điểm.

“Mẹ tôi cũng đã già yếu. Tôi chỉ mong vụ việc được giải quyết nhanh chóng để bù đắp phần nào cho những năm tháng cơ cực, tủi nhục mà mẹ tôi và gia đình phải gánh chịu” - anh Mạnh nói.

Được biết, dự kiến sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, TAND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đưa vụ án dân sự “kiện đòi bồi thường” của gia đình ông Trần Ngọc Chinh và anh Trần Văn Mạnh ra xét xử. Như vậy, kể từ ngày thụ lý hồ sơ vụ việc (29/10/2020), đã hơn một năm trôi qua nhưng TAND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa thể đưa vụ án dân sự của 2 gia đình này ra xét xử.

Trước đó, tháng 6/2020, ông Lê Tất Hiếu, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, cơ quan này đã thụ lý đơn yêu cầu bồi thường của gia đình 3 cụ ông mang án oan giết người ở xã Đồng Thịnh (huyện Sông Lô).

Theo ông Hiếu, viện kiểm sát đã cải chính, xin lỗi 3 người và sắp tới việc bồi thường sẽ được tiến hành theo thủ tục chung. “Hiện tại chưa xác định được tiền bồi thường là bao nhiêu, chúng tôi sẽ hướng dẫn sao cho đảm bảo quyền lợi của bà con bị oan sai nhưng cũng không vống lên được”, ông Hiếu nói.

Đáng chú ý, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết những cá nhân có thẩm quyền và gây ra việc oan sai đến nay đều đã mất.

Ba người mang án oan trong 1 vụ án

Trước đó, ông Trần Ngọc Chinh gửi đơn yêu cầu Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường gần 13 tỷ đồng; gia đình ông Trần Trung Thám yêu cầu bồi thường 25 tỷ đồng. Họ cho rằng, anh em ông Chinh cùng thân nhân đã bị thiệt hại nghiêm trọng vì Viện KSND tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ) truy tố, bắt giam oan.

Cụ thể, năm 1980, tại thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh xảy ra vụ giết người nên công an bắt giữ anh em ông Chinh và ông Khổng Văn Đệ (SN 1924, ở cùng thôn). Khoảng 3 tháng sau khi bị bắt, ông Thám tử vong.

Cơ quan tố tụng xác định, trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định ông Nguyễn Đình Ký phạm tội một mình, đánh ngất rồi siết cổ ông Quản đến chết vì mâu thuẫn đất đai nên năm 1983 bị phạt án tù chung thân.

Ông Chinh và Đệ bị giam gần 3 năm. Sau đó, hung thủ của vụ án bị phát hiện, nhận án chung thân nên 3 người bị bắt oan được đình chỉ điều tra. Năm 2019, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc xin lỗi công khai ông Chinh, Đệ và gia đình ông Thám. Gia đình ông Chinh sau đó khởi kiện, yêu cầu bồi thường nhưng TAND tỉnh Vĩnh Phúc trả lại đơn, để Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết bằng thủ tục hành chính. Được biết, gia đình ông Khổng Văn Đệ cũng có yêu cầu bồi thường theo quy định.

Anh Mạnh con trai ông Thám. Ảnh: N.T

Ông Trần Ngọc Chinh chia sẻ, ông nhập ngũ năm 1964, là chiến sỹ đặc công trong kháng chiến chống Mỹ. Rời quân ngũ, ông sống tại quê nhà nhưng ngày 3/3/1980, ông bị công an đọc lệnh khởi tố, bắt giam khi đang trồng lạc ngoài đồng để điều tra hành vi giết ông Chu Văn Quản. Ngoài ra, Ty công an (cơ quan điều tra) Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc, Phú Thọ) cũng bắt các ông Trần Trung Thám (SN 1948, em ruột ông Chinh), Khổng Văn Đệ (SN 1924, ở cùng thôn) và Nguyễn Đình Ký.

Những người còn lại nhận quyết định đình cứu, được trả tự do năm 1982 nhưng lúc đó, ông Thám đã tử vong trong trại giam, công an thông báo chết do bệnh kiết lỵ. Sau hàng chục năm kêu oan, 3 gia đình này được Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc xin lỗi công khai năm 2019.

Ông Trần Ngọc Chinh: “Họ đánh nhiều quá, bạn tù bảo em tôi bị đánh cho đứt ruột rồi nên tôi sợ không nhận sẽ bị đánh chết. Nghĩ thế nên tôi nhận tội, không chắc cũng bị đánh chết nốt. Lúc thực nghiệm hiện trường, công an bảo tôi diễn lại cảnh giết người nhưng tôi nói không giết thưa cán bộ nên một ông quát lên tống cha nó về trại. Về rồi, họ cho vào ngách nhỏ chỉ đủ ngồi xổm, trước mặt chỉ có một lỗ to bằng quả trứng ngỗng để ngày 2 lần họ cho ăn, đút vào củ sắn. Đắng ngắt nhưng vẫn phải cố nuốt”, ông Trần Ngọc Chinh (SN 1941, ở Sông Lô, Vĩnh Phúc) kể lại.

Tác giả: Minh Đức

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP