Thế giới

Hãi hùng mảnh đất của những vụ rắn độc rình rập tấn công trong đêm

Ở các vùng nông thôn nghèo tại châu Phi, người dân thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị rắn độc cắn trong khi các cơ sở y tế không cung cấp đủ chất kháng nọc.

Vào ngày 15/6/2015, cuộc sống của Chepchirchir Kiplagat, 4 tuổi, đã thay đổi mãi mãi. Bị rắn cắn khi ngủ, em vĩnh viễn mất đi khả năng cử động phần bên phải của cơ thể.

Em gái Scholar, 2 tuổi, ngủ bên cạnh Chepchirchir trên tấm nệm trải sàn, cũng bị cắn. Cô bé đã tử vong.

"Thật khó để biết chuyện gì đã xảy ra vì những đứa trẻ chỉ khóc vì đau đớn", Jackson Chepkui, nông dân 39 tuổi, cha của hai em nhỏ, nói với AFP trong ngôi nhà đắp đất ở ngôi làng nhỏ bé Embosos thuộc quận Baringo hẻo lánh phía tây Kenya.

"Chúng tôi thấy hai đốm máu trên cổ tay con bé, nhờ vậy chúng tôi có thể kết luận rằng chúng bị rắn cắn", ông nói.

Thiếu thốn huyết thanh kháng nọc rắn

Trong khi Scholar đã tắt thở, ông Chepkui vội vàng cứu cô con gái còn sống sót của mình.

Embosos không có phòng khám riêng. Vì vậy, người cha phải vật lộn tìm một chiếc xe máy để đến thị trấn gần nhất cách đó khoảng 30 km.

Cuối cùng, họ cũng đến nơi vào khoảng 1h, tức 5 tiếng sau khi đứa trẻ bị cắn, nhưng phòng khám lại không có chất kháng nọc.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính 81.000-138.000 người chết vì rắn cắn hàng năm. Ảnh: AFP.

Họ lại lên đường tới thị trấn Kabarnet cách đó 40 km nhưng cơ sở y tế ở đây không có huyết thanh kháng nọc rắn.

Cuối cùng, Chepchirchir được đưa đến một bệnh viện ở thành phố Eldoret, cách đó 90 km, vào lúc 5h.

Cô bé nằm viện hai tháng và bị tổn thương vĩnh viễn. Ở tuổi đi học, cô bé cần một chiếc xe lăn mà gia đình không thể mua được.

Mỗi năm, rắn cắn khoảng 5,4 triệu người trên toàn thế giới, trong đó có tới 2,7 triệu người bị rắn có nọc độc cắn. Các quan chức nói rằng con số thực tế có thể cao hơn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính 81.000-138.000 người chết vì rắn cắn hàng năm với khoảng 400.000 người sống sót bị khuyết tật vĩnh viễn và các hậu quả khác.

Nọc độc của rắn có thể gây tê liệt dẫn đến ngừng thở hoặc rối loạn chảy máu dẫn đến xuất huyết gây tử vong, suy thận không thể hồi phục và tổn thương mô gây ra tàn phế vĩnh viễn và mất chi.

Hầu hết nạn nhân bị rắn cắn sống ở vùng nhiệt đới và các khu vực nghèo nhất thế giới. Trẻ em bị ảnh hưởng nặng hơn do kích thước cơ thể nhỏ hơn.

Royjan Taylor, giám đốc trung tâm rắn độc Bio-Ken ở Watamu trên bờ biển Kenya, khẳng định số phận của những nạn nhân như Chepchirchir và em gái là điều không thể tránh khỏi.

Khoảng 5,4 triệu người trên toàn thế giới bị rắn cắn mỗi năm. Ảnh: AFP.

Ngay cả những rào cản đơn giản như màn chống muỗi quanh giường cũng có thể đẩy lùi các loài bò sát, trong khi khả năng tiếp cận với các nhân viên y tế được đào tạo và các loại chất kháng nọc cho từng loài có thể cứu sống hàng nghìn người.

Báo cáo vài năm trước của tổ chức phi lợi nhuận Global Snakebite Initiative ước tính số lượng chất kháng nọc có thể chỉ đáp ứng 2,5% nhu cầu, trong đó phần lớn các nước châu Phi không có chất kháng nọc chất lượng hoặc có giá cả vừa phải.

Một nghiên cứu gần đây về hơn 100 phòng khám ở quận Kilifi phía nam Kenya cho thấy gần 90% nhân viên không được đào tạo về điều trị rắn cắn.

"Vì vết rắn cắn không thể truyền nhiễm nên mọi người thường không xem trọng. Nhưng chúng tôi đã thấy nhiều vết rắn cắn và nhiều người đau đớn ra sao khi bị mất tay chân vì vô tình giẫm lên một con rắn", Taylor nói với AFP.

Nguy hiểm rình rập

Sau khi nhận được cuộc gọi trên đường dây điện thoại chuyên dụng, đội cứu hộ của trung tâm Bio-Ken ngay lập tức hành động.

Cuộc gọi đến từ Emmanuel, 23 tuổi, người đang cầm dao rựa trong tay tại nơi cuối cùng anh nhìn thấy con rắn gần chuồng dê của mình.

Một lát sau, Taylor và một đồng nghiệp, dùng kìm gắp được con rắn cực kỳ dài và đặt nó vào chiếc hộp đặc biệt.

Con vật được tìm thấy là rắn phì châu Phi, cùng loài rắn đã cắn chị em Chepchirchir. "Con rắn này trốn kỹ dưới đống lá cây khô. Ít nhất thì nó sẽ không cắn bất cứ ai ở đây", Taylor nói.

Nhóm đặc trách của Liên Hợp Quốc đặt mục tiêu giảm một nửa số người chết vì rắn cắn vào năm 2030. Ảnh: AFP.

Những con rắn bị bắt được thả vào các công viên quốc gia, cách xa các làng và thị trấn đông dân cư. Chất độc của một số con rắn được chiết xuất để sử dụng trong sản xuất chất kháng nọc.

Kenya có một số loài rắn nguy hiểm nhất thế giới, bao gồm rắn mamba đen, rắn mamba xanh và rắn hổ mang chúa.

Ở các vùng nông thôn nghèo tại châu Phi, Mỹ La-tinh và châu Á, rắn độc gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng nhưng lại không được chú ý.

Ngày 21/2, nhóm chuyên trách do cơ quan y tế công cộng của Liên Hợp Quốc thành lập công bố chiến lược giảm một nửa số người chết vì rắn cắn vào năm 2030.

Trong báo cáo của mình, nhóm này chỉ trích các nhà hoạch định chính sách và các cơ sở dược phẩm vì đã làm ngơ trước vấn đề này.

Kế hoạch của nhóm công tác là cung cấp 500.000 liều thuốc kháng nọc tới vùng cận Sahara ở châu Phi mỗi năm vào năm 2024 và tăng lên 3 triệu mỗi năm trên toàn cầu vào năm 2030.

Báo cáo cho biết WHO sẽ làm việc để thúc đẩy sản xuất huyết thanh, cải thiện kiểm soát theo quy định và tái tạo thị trường bằng cách đảm bảo việc tiếp cận các sản phẩm an toàn và hiệu quả.

Tác giả: Tuyết Mai

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP