Thể thao

HAGL và nghịch lý của những nhà vô địch V.League

Thành tích bết bát của HAGL ở V.League trở thành chủ đề hot của bóng đá Việt Nam ở hiện tại. Dường như một số ý kiến đang muốn "dạy" bầu Đức cách làm bóng đá.

Từ chuyện ép chín, gặt lúa non

Bốn năm lên chơi V.League, lứa Công Phượng tiếp tục trong cuộc chiến trụ hạng. Đây là điều được đem ra mổ xẻ, phân tích rất nhiều. Phải chăng bầu Đức đã sai?

Nhiều ý kiến cho rằng, HAGL bây giờ chưa có thành tích tốt đến từ hậu quả “ép chín, gặt lúa non”. Tức bầu Đức quá vội nhấc cả lứa Công Phượng lên chơi V.League, qua đó khiến cho lứa cầu thủ này chưa trưởng thành được như kỳ vọng.

Ý kiến này nghe có vẻ hợp lý. Vậy không nhấc lứa Công Phượng lên V.League thì làm sao để lứa cầu thủ này trưởng thành như kỳ vọng? Ai có thể trả lời câu hỏi này. Rất khó!

Những người có chuyên môn đều hiểu cầu thủ trẻ được chơi bóng xuyên suốt mà chưa phát triển như kỳ vọng, vậy mài đũng quần, không được chơi bóng ở sân chơi chuyên nghiệp sao có thể lớn!

Đã từng có những chỉ trích là bầu Đức để những Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh đi nước ngoài, qua đó không được đá nhiều nên không thể phát triển. Nhưng nghịch lý thay cho họ đá nhiều ở V.League thì bảo rằng “ép chín, gặt lúa non”.

HAGL không có thành tích nhưng mang đến hiệu ứng tích cực cho bóng đá Việt Nam.

Bóng đá không chỉ đơn giản là 1+1=2. Nhất là bóng đá Việt Nam có quá nhiều vấn đề nan giải trong nhiều năm qua mà đến người trong cuộc cũng bất ngờ. Ví dụ bầu Hiển là chủ CLB Hà Nội nhưng bất ngờ hứa thưởng 3 tỷ cho CLB Cần Thơ nếu trụ hạng. Nghe rất khó hiểu nhưng đơn giản đó là bóng đá Việt Nam, biết làm sao được.

HAGL đưa cả lứa Công Phượng lên chơi V.League cũng thế. Cứ nhìn vào thành tích bảo là thất bại, đó chỉ cách nhìn của bề nổi khi nhìn vào thứ hạng. Họ kỳ thực không hề “gặt lúa non” mà thu hoạch lớn, đó là việc có thể tự kiếm tiền nuôi chính mình trong 3 năm qua. Bóng đá Việt Nam chưa có đội bóng nào làm được điều này. Đó là tình yêu của khán giả và góp công lớn vào thành công của U23 Việt Nam.

Có được tình yêu khán giả, tạo ra bản sắc, thương hiệu, tự nuôi chính mình, đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Đó là thành công của HAGL sau 4 năm đưa lứa Công Phượng lên V.League, điều này quý hơn cả chuyện phải vô địch.

Bóng đá không thể xây nhà từ nóc, không thể đòi hỏi có thành công theo kiểu “mì ăn liền”. Sự thành công trải qua một hành trình làm bóng đá bền bỉ, xây từ hình ảnh đến bản sắc và những điều khác biệt, thì đến lúc thành công mới thực sự ý nghĩa và thành quả có thể là bài học cho cả nền bóng đá, chứ không chỉ đơn thuần bỏ tiền mua các ngôi sao để… đếm Cúp.

Đừng dạy bầu Đức làm bóng đá

Tại sao nói HAGL không có thành tích nhưng tạo ra hiệu ứng lớn hơn các đội vô địch V.League?

Nhiều người bảo rằng, bóng đá Việt Nam trong 10 năm qua thì các đội bóng liên quan đến bầu Hiển đã giành đến 7 danh hiệu, còn lại Bình Dương (2 lần), SLNA (1 lần). Tuy nhiên, các nhà vô địch V.League đã thu được về chẳng bằng HAGL!

Nếu bỏ tiền để vô địch có thể làm cho khán giả sướng, tạo dựng được bản sắc và thương hiệu lớn thì Bình Dương bây giờ là đội số 1 ở V.League. Họ giàu thành tích hơn cả CLB Hà Nội, từng vào đến bán kết AFC Cup. Bình Dương là số 1 về thành tích nhưng họ đâu có được tình yêu của khán giả.

Nếu vô địch được yêu thì Quảng Nam có được gì sau chức vô địch V.League 2017? Rõ ràng, hiệu ứng gần như bằng không. Chẳng còn mấy ai nhớ đến Quảng Nam, nhà vô địch V.League 2017.

Nếu vô địch có được tình yêu khán giả thì CLB Hà Nội đã không bị Bình Dương, SLNA “tố” được VPF ưu ái, với mục đích muốn vô địch ở Hàng Đẫy trước đội bóng xứ Nghệ. Vì vô địch trước SLNA thì khán đài Hàng Đẫy trở nên đông đảo với sự góp mặt của 10 nghìn CĐV SLNA.

CLB Hà Nội đã giành 4 chức vô địch vẫn miệt mài đi tìm ình yêu của khán giả.

CLB Hà Nội được quan tâm trong mùa bóng 2018 rõ ràng nhờ rất lớn từ hiệu ứng U23 Việt Nam, chứ không phải là đội bóng giàu thành tích thứ 2 ở V.League. Thành tích và danh hiệu đổi lại tình yêu của khán giả thì họ đã có được “chỉ số tình yêu” rất lớn trong mấy năm qua.

Tất cả cho thấy rằng, bóng đá cần thành tích nhưng xét riêng với bóng đá Việt Nam thì danh hiệu không phải là điều có thể thu hút khán giả. Một phần nguyên nhân là nhiều người không tin vào sân chơi V.League, bởi có nhiều chức vô địch tạo ra tiếng xấu từ chính người trong cuộc. Ví dụ như Sài Gòn Xuân Thành từng cay đắng bị CLB Hà Nội cầm chân, qua đó Đà Nẵng vô địch V.League 2012.

Vậy nên, đừng “dạy” bầu Đức làm bóng đá theo kiểu phải có thành tích. Bầu Đức đã từng thành công chóng vánh trong những ngày đầu làm bóng đá nên thừa hiểu được đâu mới giá trị quan trọng nhất ở bóng đá Việt Nam. Có thành tích mà không có tình yêu của người hâm mộ thì làm sao sướng. Điều đó rõ ràng không phải là đích ngắm của những người thực sự có khát vọng làm bóng đá chuyên nghiệp.

Tác giả: Văn Nhân

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP