Trong nước

Hà Tĩnh: Thành lập thị trấn Đồng Lộc

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, Bà Tòng Thị Phóng ủy viên Bộ chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội trao quyết định công nhận xã Đồng Lộc chính thức trở thành thị trấn Đồng Lộc.

Bà Tòng Thị Phóng, PCT Quốc hội trao quyết định công nhận xã Đồng Lộc lên thị trấn

Quê hương anh hùng Xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), nơi có Ngã Ba Đồng Lộc đi vào lịch sử trong những năm tháng chiến tranh là "tọa độ chết". Cùng với đó là những ký ức khó quên về một thời hoa lửa với lứa tuổi 20 góp phần vào giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Đồng Lộc xưa và nay đã khác hẳn trước sự đổi thay không ai có thẻ ngờ tới.

Sau chiến tranh, Đảng bộ và Nhân dân Đồng Lộc tập trung xây dựng quê hương, quy hoạch khu dân cư, xây dựng các công trình phúc lợi, phục vụ nhân dân. Hiện nay, Đồng Lộc có diện tích tự nhiên 18,69 km2 với dân số gần 5.000 người. Toàn Đảng bộ có 313 đồng chí sinh hoạt ở 13 chi bộ; là Đảng bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh và trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.

Ông Phan Hưng - Chủ tịch UBND xã Đồng Lộc cho biết: Từ năm 1976 – 1979, xã Đồng Lộc mở đầu mũi “đột phá” quy hoạch lại đất đai, thôn xóm, cải tạo đồng ruộng. Việc “phẩu thuật” và “chỉnh hình” cho đất, phải kiên nhẫn tới 3 năm ròng, mới lành lặn vết thương. Thực hiện cơ chế khoán ruộng, giao đất cho nông dân, nhiều gia đình phấn khởi, phát huy nguồn lực sáng tạo, để xóa hẳn cơ chế cũ, sau bao năm kìm hãm. Khi người dân được phát huy quyền làm chủ, cuộc tiến công vào mặt trận “xóa đói giảm nghèo”, do địa phương phát động, càng được nhân dân hào hứng làm theo.

Xã Đồng Lộc là một trong những địa phương đầu tiên của huyện Can Lộc, từ sản xuất 2 vụ lúa chuyển sang 3 vụ lúa. Một điều, nhân dân phấn khởi nhất, đó là “chìa khóa” xóa đói giảm nghèo, Đảng giao cho dân “mở” đã thành công. Hiện nay, tổng sản lượng lương thực toàn xã đạt hơn 3145 tấn, bình quân đầu người 590kg, thu nhập gần 23 triệu/người/năm; Các tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa... Đi đâu chúng ta cũng được nghe người dân bàn chuyện làm kinh tế, sản xuất chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới, đấu thầu đất, mở trang trại, chuyện khoanh vùng nuôi dê, nuôi trâu bò, chuyện cải tạo đất, làm vườn mẫu... Bên cạnh đó, người dân Đồng Lộc rất quan tâm tới các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế. Bởi vậy, đời sống vật chất tinh thần của người dân nơi đây không ngừng được cải thiện.

Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 19-5-2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020, Đồng Lộc được tỉnh Hà Tĩnh chọn là một trong 48 xã phấn đấu về đích nông thôn mới trước năm 2015 và đến cuối năm 2014 Đồng Lộc được công nhận là xã nông thôn mới.

Ngày 5-1-2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 07/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thị trấn Đồng Lộc đến năm 2025. Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Can Lộc khóa XXXV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Đồng Lộc khóa XXII nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó có mục tiêu phấn đấu xây dựng Đồng Lộc đạt đô thị loại V vào năm 2018, Đảng bộ và nhân dân Đồng Lộc tiếp tục xây dựng các tiêu chí của đô thị loại V.

Niềm vui đến với Đảng bộ chính quyền và nhân dân xã Đồng Lộc, khi tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, tối 21/7, bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội trao quyết định công nhận xã Đồng Lộc chính thức trở thành Thị trấn Đồng Lộc .

Đây cũng là động lực chính để Đảng bộ và nhân dân tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng và lợi thế của khu vực, hướng đến là Thị trấn của du lịch tâm linh và giáo dục truyền thống cách mạng.

Tác giả: DOÃN ĐẠT

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP