Xã hội

Hà Tĩnh: Hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng nông thôn kém chất lượng

Được tài trợ gần 400 tỷ đồng từ Quỹ Cô-oét về Phát triển kinh tế Ả-rập nhưng hàng loạt công trình xây dựng của dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn tỉnh Hà Tĩnh” (HIRDP) sau khi đưa vào sử dụng đã xuống cấp trầm trọng tới mức đáng báo động.

101900baoxaydung image001
Đường GTNT xã Sơn Thịnh (huyện Hương Sơn), nhiều đoạn đã bị “bục ruột”, hư hỏng hoàn toàn, không còn khả năng liên kết hay chịu lực.

Quản lý dự án theo kiểu “sống chết mặc bay”

Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn tỉnh Hà Tĩnh” do Quỹ Cô-oét về Phát triển kinh tế Ả-rập tài trợ được triển khai từ năm 2011, với tổng số vốn là 18.626.009 USD (trong đó nguồn vốn ODA là 14.619.724 USD, vốn đối ứng 4.006.285 USD), tương đương 385,39 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án là xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở nông thôn, góp phần tăng cường năng lực sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nâng cao đời sống kinh tế, xã hội của địa phương.

Kế hoạch đầu tư xây dựng chia thành 03 đợt với hàng trăm công trình giao thông và thủy lợi, được triển khai tại 77 xã nghèo thuộc 11 huyện, thành phố tại Hà Tĩnh. Đến nay, các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ý nghĩa của dự án là vậy nhưng tuổi thọ của các công trình thì hoàn toàn ngược lại. Chỉ sau khi đưa vào sử dụng một thời gian, hàng loạt đường giao thông nông thôn đã xuống cấp trầm trọng.

Đó là tuyến đường giao thông nông thôn xã Sơn Thịnh (Hương Sơn), thuộc gói thầu 79.2/HIRDP/XL, với giá thầu 3.948.738.000, đơn vị trúng thầu là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Nam Thăng Long, có trụ sở tại Từ Liêm, Hà Nội.

Theo ghi nhận của PV, tuyến đường có chiều dài gần 2km nhưng đã bị nứt nẻ, bong tróc gần hết. Đặc biệt, có những đoạn bị “bục ruột”, hư hỏng hoàn toàn, không còn khả năng liên kết cũng như chịu lực.

Đặc biệt là đường giao thông nông thôn (GTNT) xã Sơn Bằng (Hương Sơn), thuộc gói thầu 81.2/HIRDP/XL, với giá thầu 2.752.353.000, đơn vị trúng thầu là Công ty CP Đầu tư Thịnh Phát, có trụ sở tại thành phố Vinh, Nghệ An.

Do chất lượng công trình không đảm bảo, mặt đường bị bong tróc rất nhiều nên vừa qua, nhà thầu đã tiến hành “trang điểm” lại bằng cách trộn xi măng, cát, chất phụ gia Sika và SikaGrout để tô lên bề mặt với chiều dày khoảng 1cm.

101900baoxaydung image003
Đường GTNT xã Sơn Bằng (huyện Hương Sơn) đang được nhà thầu “trang điểm” lại.
101900baoxaydung image005
Hai loại phụ gia được nhà thầu sử dụng để tô lên bề mặt với chiều dày khoảng 1cm.

Sở dĩ hàng loạt công trình của dự án kém chất lượng là do sự giám sát lỏng lẻo của Ban quản lý và sự làm ăn gian dối của nhà thầu. Chẳng hạn tuyến đường giao thông nông thôn xã Đức Thanh (huyện Đức Thọ), thuộc gói thầu 110,2/HIRDP/XL, với chi phí hơn 1,5 tỷ đồng, do Công ty CP Việt Thành Năng, có trụ sở tại thị trấn Đức Thọ thi công.

Mặc dù nền đường quá yếu, hằn lún vệt xe thành những rãnh sâu nhưng nhà thầu vẫn tiến hành đổ bê tông. Bức xúc vì việc làm ăn gian dối, người dân ở đây đã kéo ra đường ngăn cản, yêu cầu dựng lại.

101900baoxaydung image007
Đường GTNT xã Đức Thanh (Đức Thọ) được nhà thầu Việt Thành Năng tiến hành thi công khi nền đường còn rất yếu, chưa được lu lèn kỹ, khiến người dân bức xúc, ngăn cản.

Ban quản lý “né” báo chí, bưng bít thông tin

Ban quản lý dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn tỉnh Hà Tĩnh” (HIRDP) có trụ sở tại số 4, ngõ 2, đường Võ Liêm Sơn, TP Hà Tĩnh, thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý.

Ban quản lý dự án (BQLDA) có trách nhiệm tổ chức đấu thầu một cách công khai, minh bạch; Lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực về kỷ thuật thi công; Tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ về tiến độ cũng như chất lượng công trình; Nắm bắt mọi thông tin để điều chỉnh và xử lý sai phạm của nhà thầu.

Thế nhưng, BQLDA HIRDP Hà Tĩnh lại thiếu thiện chí và không có tính cầu thị, lảng tránh báo chí, gây khó khăn trở ngại cho PV khi đến làm việc.

Nhiều lần chúng tôi tìm đến BQLDA để phản ánh thông tin nhưng đều không được gặp người có trách nhiệm thông tin về dự án. Một lần, thông qua điện thoại, chúng tôi có hẹn được ông Lê Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, Giám đốc BQLDA. Tuy nhiên, khi chúng tôi có mặt thì ông Dũng lại yêu cầu sang Văn phòng đăng ký lịch làm việc rồi... về.

Sau đó, năm lần, bảy lượt PV đến đăng ký lịch làm việc tại Văn phòng BQLDA thì bị “ngâm” nội dung làm việc và không có hồi âm. Gọi điện cho ông Thái Anh Dũng, Chánh văn phòng để nhắc nhở sắp xếp lịch hẹn thì hết lần này đến lần khác đều bảo “sếp bận quá, chưa thể gặp được”.

Sau nhiều lần đặt lịch làm việc không thành, chúng tôi quyết định “đột nhập” phòng làm việc của Phó Giám đốc Nguyễn Văn Nhân để phản ánh tình hình. Khi nghe “khách không mời” trình bày lý do của sự xuất hiện đường đột này, ông Nhân liền gọi Chánh văn phòng sang giả vờ mắng mỏ rồi bảo PV sang đăng ký lịch làm việc.

Điều đáng nói là, sau khi đăng ký xong, chúng tôi vẫn phải quay về vì Chánh văn phòng hẹn hôm sau đến làm việc, mặc dù ông Nhân - Phó Giám đốc BQLDA vẫn ngồi trong phòng, không bận tiếp khách hay hội họp gì cả. “Máy móc đến thế là cùng!”.

Một BQLDA có vốn tài trợ nước ngoài, với hàng trăm công trình xây dựng mà thiếu tinh thần hợp tác, né tránh báo chí, bưng bít thông tin thì chất lượng công trình sẽ đi tới đâu? Câu trả lời đã rất rõ tại các công trình nói trên.

Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP