Trong nước

Hà Tĩnh: Chuyện những chiến sĩ công an nhiều lần “cướp cơm hà bá”

Ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, những chiến sĩ thuộc Trạm công an Gia Lách (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) còn mang thêm trọng trách cứu người khi có người nhảy cầu Bến Thủy tự vẫn. Hàng chục năm nay họ đã giành lại biết bao sinh mạng của người dân từ bàn tay thủy thần.

Những chiến công thầm lặng trên dòng sông Lam

Những ngày cuối tháng 11 vừa qua, câu chuyện về Trung tá Võ Mậu Sơn cùng các đồng đội bơi ra giữa dòng sông Lam, lấy thuyền của ngư dân để cứu vớt một người phụ nữ nhảy cầu Bến Thủy tự vẫn đang chới với, gào thét trên mặt nước, khiến nhiều người cảm phục.

Trong chuyến công tác vào đầu tháng 12, chúng tôi có dịp tới thăm các anh. Nằm bên bờ sông Lam, Trạm công an Gia Lách nhỏ bé, chỉ với 8 cán bộ, chiến sĩ, nhưng nhiệm vụ và chiến công của các anh ở đây không đơn giản và nhỏ chút nào khi Trạm nằm ở địa phận giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Nghệ An, khu vực được xem là điểm nóng về an ninh trật tự.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là Trung tá Võ Mậu Sơn – Trạm trưởng trạm Gia Lách. Khi được hỏi về việc cứu người phụ nữ nhảy cầu vào ngày 23/11, Trung tá Sơn cho biết, hôm đấy tổ công tác gồm 4 cán bộ chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến QL1A. Nghe tin báo có người nhảy cầu tự tử, cả tổ tức tốc tới hiện trường. Khi đến nơi thì phát hiện người này còn sống, nổi lờ đờ trên mặt nước, Trung tá Sơn đã nhanh chóng ra hiệu những chiếc thuyền đánh cá quay đầu để cứu người.

“Thế nhưng vì lý do tâm linh “người sông nước cứu người đền mạng” nên họ không nghe lệnh. Tức tốc tôi cởi đồ nhảy xuống sông, thuyết phục họ, sau đó do tình huống gấp nhưng chủ thuyền vẫn không quay đầu nên tôi phải cưỡng chế chiếc thuyền đưa vào bờ, cùng Đại úy Nguyễn Viết Dũng lên thuyền tiếp cận nạn nhân” – Trung tá Sơn kể lại.


Trung tá Võ Mậu Sơn cùng đồng nghiệp đưa một phụ nữ nhảy cầu vào bờ vào cuối tháng 11/2016

Cùng lúc Thượng uý Hoàng Minh Nghĩa và Trung úy Văn Đình Thăng trực tiếp lên cầu điều tiết giao thông, tránh người dân tụ tập xem gây ách tắc đường và gọi cứu hộ.

Sau gần 30 phút vật lộn, các anh đã đưa được người phụ nữ lên bờ, đưa đi cấp cứu. Ngày 23/11, trên cuốn sổ nhật ký công tác của đơn vị lại thêm một chiến công thầm lặng.

Lật cuốn nhật ký, Thượng uý Hoàng Minh Nghĩa cho chúng tôi biết, một lần khác, vào khoảng 21h ngày 15/10, khi đang trực, các chiến sĩ nhận tin báo có cô gái đang đứng trên cầu nghi tự vẫn. Khi các anh đến nơi thấy cô gái đã ra khỏi lan can cầu đang tư thế lao mình xuống sông.

Trong lúc vừa thuyết phục, Thượng úy Nghĩa nhanh chóng túm lấy tay cô gái, giằng co cùng người đi đường kéo cô gái lên cầu. Được đưa về trụ sở, cô gái liên tục lao đầu vào tường và đòi ra cầu tự tử. Suốt đêm các cán bộ chiến sỹ phải ngủ trên ghế để canh chừng cô gái. Sáng sớm các anh mới liên hệ được với gia đình cô gái và được biết cô gái sinh năm 1985, trú tại TP Vinh (Nghệ An), muốn tìm đến cái chết do mâu thuẫn với bạn trai.


Mỗi lần cứu người là một lần cuốn nhật ký của những chiến sĩ Trạm công an Gia Lách lại ghi thêm chiến công thầm lặng.

Con nước sông Lam lúc nào cũng chảy cuồn cuộn, có thể cuốn phăng đi bất cứ thứ gì trót sa vào mặt sông, thế nên mỗi khi việc cứu nạn, cứu hộ ở đây rất khó khăn và nguy hiểm. Nhưng đứng trước tình huống cứu người, các cán bộ nơi đây không ngần ngại tính toán, chỉ có một mục tiêu duy nhất: cứu được người. Và chỉ trong 2 năm qua, đơn vị đã cứu sống 5 trường hợp nhảy cầu Bến Thủy tự vẫn.

Thất bại với hà bá là nỗi day dứt khó quên

Hành động nhảy cầu tự vẫn là hành động dại dột, bồng bột nhất thời trong lúc quá buồn chán, giận dữ; việc tự ý hủy hoại mạng sống của chính mình là không thể chấp nhận. Với suy nghĩ đó, các chiến sĩ Trạm công an Gia Lách luôn đặt mục tiêu phải cứu sống bằng được các đối tượng.


Dòng sông Lam cuộn chảy - nơi các chiến sĩ công an vẫn thường lao mình xuống cứu người nhảy sông tự tử.

“Tất nhiên là cũng có những lần chúng tôi đã thất bại. Những lần khi vớt được đối tượng lên bờ nhưng đã tử vong, anh em chúng tôi lại day dứt mãi trong lòng” – Trung tá Sơn trầm giọng.

Nói rồi Trung tá Sơn kể về sự việc một cô sinh viên trường Đại học Vinh vì hiểu nhầm với gia đình mà đã gieo mình xuống dòng sông Lam cách đây gần 4 năm. Cũng như bao lần cứu người khác, lần đó anh Sơn cùng đồng đội thấy người hô hoán có cô gái đang đứng bên thành cầu để tự tử. Khi anh và anh em vừa đặt chân tới đầu cầu cũng là lúc cô gái nhảy xuống dòng sông. Xuống nước, thi thể cô gái chìm hẳn, huy động bao nhiêu người tìm kiếm nhưng các chiến sĩ ở Trạm công an Gia Lách đều bất lực.

“Sau đó chúng tôi mới biết là cô gái đó do hiểu nhầm với gia đình về một chuyện chẳng đáng gì. Nếu hôm đó chúng tôi phát hiện được sớm hơn và nhanh chân đến khuyên giải thì có lẽ sự việc sẽ không đến nỗi đau lòng như vậy. Thất bại với hà bá như vậy, anh em chúng tôi day dứt lắm” – Trung tá Sơn nói tiếp.

Nhiều người sau khi được các chiến sĩ Trạm công an Gia Lách khuyên giải, cứu sống đã mới nhận ra sinh mạng quý giá thế nào. Có những người khi ra viện đã đến nói lời cảm ơn tới các anh. Cũng có người rất lâu sau đó mới trở lại hoặc không trở lại nữa. Nhưng đối với các chiến sĩ nơi đây, “cướp cơm” được của hà bá là niềm hạnh phúc lớn lao rồi!

Tác giả bài viết: Hà Phương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP