Giáo dục

'GS mặc quần đùi dạy học': Sáng tạo là thứ chúng ta đang thiếu?

Liên quan đến những tranh cãi quanh việc Giáo sư mặc áo thun, quần đùi giảng dạy trước sinh viên, có ý kiến cho rằng, sự sáng tạo thường khó được chấp nhận.

Những tranh cãi quanh việc Giáo sư Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng đại học Hoa Sen (TP.HCM) mặc áo thun, quần đùi giảng dạy trước sinh viên vẫn chưa “hạ nhiệt”. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, nhiều chuyên gia văn hóa bày tỏ quan điểm không đồng tình với trang phục mà GS. Trương Nguyện Thành mặc khi lên giảng đường dạy sinh viên.

PGS.TS Trần Nhạn - đại học Đông Đô nêu quan điểm: “Văn hóa, chuẩn mực của Việt Nam không chấp nhận sự “sáng tạo” nửa vời như vậy. Cách mà vị Giáo sư đưa ra chỉ là sự ngụy biện. Nhiều người nói rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu”, chất lượng giảng dạy mới là quan trọng. Nhưng ở đây, chúng ta đang bàn về phong cách ăn mặc không phù hợp. Theo tôi, đây là không gian giảng đường và nó có sự chuẩn mực của nó”.

Hình ảnh vị Giáo sư với quần đùi và áo cộc đã gây "bão" dư luận.

Cũng theo PGS.TS Trần Nhạn, chúng ta cần phân biệt không gian giảng đường và không gian dạy học. Nếu như đó là môn thể dục, giáo viên ăn mặc thoáng mát là chuyện khác. “Theo tôi, có nhiều cách để dạy về sự gợi mở, sáng tạo, thay vì vị Giáo sư trực tiếp ăn mặc phản cảm thì có thể sử dụng video, clip minh họa cho sự sáng tạo. Người thầy không được vượt giới hạn chuẩn mực. Chúng ta nói ra ở đây không phải để phê phán mà cần rút kinh nghiệm”, PGS.TS Nhạn thẳng thắn nói.

Không đồng tình với quan điểm mà PGS.TS Trần Nhạn đưa ra, TS. Nguyễn Thị Kim Dung - viện Nghiên cứu Giáo dục - đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng: “Chúng ta không nên nhìn phiến diện từ một sự việc. Việc GS. Trương Nguyện Thành mặc trang phục như vậy được đặt trong bối cảnh cụ thể, phù hợp với mục tiêu bài giảng về sự sáng tạo.

Nếu như hàng ngày giáo viên giữ phong cách đó, không đúng với quy định của nhà trường mới là điều đáng bàn. Nhưng đây chỉ là trong một buổi dạy về sự sáng tạo, vị Giáo sư này muốn nhấn mạnh cách vượt ra khỏi khuôn khổ và đó chỉ là một sự minh họa”.

Sự sáng tạo thường khó được chấp nhận.

Theo TS. Dung, từ sự việc này cho thấy, bản thân vị Giáo sư này cũng đang phải đối diện với nhiều luồng ý kiến. Bao giờ cũng vậy, sự sáng tạo khó nhận được sự đồng tình.

“Việc GS. Thành giữ được quan điểm trong sự sáng tạo của mình, xét ở mục tiêu buổi học, tôi cho rằng đó là cách làm hợp lý. GS. Thành đã thể hiện được quan điểm của mình và dám làm để đạt được mục tiêu đưa ra trong bài giảng. Việc học này không ảnh hưởng đến văn hóa của nhà trường”, TS. Dung nêu quan điểm.

Cũng theo TS. Nguyễn Thị Kim Dung, Việt Nam đang hòa nhập và có một số tiêu chí cho thấy chúng ta phải tôn trọng sự khác biệt, những quan điểm khác biệt. “Sáng tạo là cái chúng ta đang thiếu. Chúng ta nên chấp nhận những quan điểm sáng tạo. Sáng tạo là dám đổi mới, dám thể hiện những quan điểm của mình ngoài khuôn khổ, quy tắc, luật lệ.

Tôi cho rằng, việc làm của thầy Thành thể hiện được ý nghĩa thực sự của sự sáng tạo. Tất nhiên trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn phải có những quy tắc, đạo đức, chuẩn mực khuôn phép nhất định. Tuy nhiên, trong một góc độ nào đó, nhà trường, đặc biệt các trường đại học cần có khuôn khổ cho sự sáng tạo”, TS. Dung chia sẻ.

Tác giả bài viết: Ngân Giang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP