Trong tỉnh

Góp ý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Sáng 7/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng chí Thái Thị An Chung – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Thái Thị An Chung – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Đây là dự án Luật khó, chuyên môn sâu, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tăng cường khảo sát thực tiễn, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật. Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của chính sách, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phù hợp với quan điểm chỉ đạo là những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì quy định trong Luật. Những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm hoặc cần phải có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn thì trong Luật xác định một số nguyên tắc chung để giao quy định chi tiết.

Với tinh thần đó, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 10 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2), có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 05 điều. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 đã đáp ứng được mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính đồng bộ, khả thi.

Tại Hội nghị, các đại biểu nhất trí về tính cấp thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đáp ứng các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định quốc tế mà Việt Nam vừa ký kết, đặc biệt là hai hiệp định thương mại thế hệ mới là EVFTA và CPTPP.

Vai trò của quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng bởi giá trị rất lớn mà nó mang lại trong bối cảnh cuộc Cách mạng kỹ thuật 4.0 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khoa học và công nghệ. Luật Sở hữu trí tuệ được hoàn thiện sẽ khuyến khích, tạo động lực cho sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của nhiều cá nhân vào hoạt động cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các đại biểu đề nghị dự thảo luật cần được xem lại câu từ, ngắt đoạn để điều luật dễ hiểu trong quá trình áp dụng thực tiễn sau này. Đồng thời, cần thống nhất áp dụng giữa Luật sở hữu trí tuệ với Luật Dân sự, Luật Thương mại và các điều ước quốc tế Việt Nam thành viên.

Đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh tham gia ý kiến vào các điều luật cụ thể

Thảo luận làm rõ nhiều nội dung quy định về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đa số ý kiến đại biểu tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước cho tổ chức chủ trì. Đồng thời, đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng và một số đối tượng của quyền tác giả (chương trình máy tính); cần có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả.

Bên cạnh đó, đa số ý kiến đại biểu tán thành phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; một số ý kiến tán thành thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này và đề nghị quy định lộ trình thực hiện.

Về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, nhất là trên không gian mạng, nhằm vừa bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến đến Nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn…

Tiến sỹ Đinh Văn Liêm – Khoa Luật, Đại học Vinh góp ý dự thảo luật

Đại biểu không đồng ý một phần nội dung điều 25 trong dự thảo. Nội dung này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền như quyền công bố, quyền sao chép tác phẩm của chủ sở hữu, đặc biệt là đối với các tác phẩm khoa học, cụ thể là sách giáo khoa, giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo… Bởi vì, đối tượng sử dụng các tác phẩm khoa học nói chung chủ yếu là các nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy và người học. Vì vậy, việc cho phép các nhà nghiên cứu khoa học, người học dù chỉ được sao chép 1 bản tác phẩm và không vì mục đích thương mại cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Đại biểu đề xuất sửa lại như sau “Tự sao chép một phần tác phẩm để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại. Quy định này không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép công cộng”.

Về điều kiện chung đối với nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ được quy định tại khoản 1 Điều 72, đại biểu cho rằng nội dung không rõ do không có sự tách biệt giữa các cụm từ, khiến người đọc khó hiểu. Đại biểu đề xuất sửa lại như sau: “Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc; hoặc là dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa”. Phạm vi dấu hiệu được công nhận là nhãn hiệu hàng hóa vẫn rất hẹp và không tương thích với quy định của Hiệp định TRIPS. Trong khi đó, theo các văn bản pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của các quốc gia, các dấu hiệu có thể được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa được quy định rất rộng…

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, đồng chí Thái Thị An Chung – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, ghi nhận và tổng hợp tất cả các ý kiến đóng góp làm tư liệu để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tham gia góp ý trong kỳ họp Quốc hội tới.

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP