Giáo dục

Giúp học sinh mầm non và tiểu học lấy lại cân bằng khi trở lại trường

Không kết nối được với bạn bè, lo lắng vì không theo kịp bài vở, chưa thích nghi được với giờ giấc sinh hoạt ở trường… là các vấn đề mà rất nhiều học sinh trong độ tuổi mầm non, tiểu học đang gặp phải khi trở lại trường học trực tiếp.

Trong những ngày đầu trở lại trường, sức khỏe tinh thần của học sinh nên đặt lên hàng đầu -Ảnh: tư liệu

Những vấn đề trên nếu không được giải quyết, cộng với áp lực của việc học tập, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của các em. Dưới đây là một số lời khuyên phụ huynh có thể tham khảo để giúp con trẻ lấy lại sự cân bằng.

Nhận biết cảm xúc bất thường

Trở lại trường học, một số học sinh sẽ vui mừng, phấn khởi, nhưng một số khác thì hoàn toàn ngược lại. Các con sẽ dễ có các biểu hiện bất thường như: ăn ít, ngủ nhiều, hạn chế giao tiếp với mọi người, dễ cáu gắt, không chịu đi học…

Theo các chuyên gia tâm lý, đó là những biểu hiện của tình trạng lo lắng, sợ hãi kéo dài, khiến cơ thể bị rối loạn điều tiết và rơi vào tình trạng đóng băng. Nếu không được sớm khắc phục sẽ dẫn đến việc cơ thể bị tiêu hao năng lượng, mất tập trung và tệ hơn là suy giảm nhận thức.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Kristin Wegner - cố vấn, điều phối viên ban hỗ trợ học sinh và trưởng ban an toàn học đường tại trường Quốc Tế Saigon Pearl (ISSP) quận Bình Thạnh TP.HCM cho biết, trong những ngày đầu trở lại trường học, thay vì tập trung vào kiến thức môn học, sức khỏe tinh thần của học sinh nên được đặt lên hàng đầu.

"Đây cũng là ưu tiên của trường ISSP trong thời điểm này. Điều quan trọng nhất của chúng tôi không phải là kết quả học tập mà là sự tích cực của học sinh khi đến trường.

Chúng tôi khuyến khích phụ huynh thường xuyên trao đổi với giáo viên để nhanh chóng nắm bắt được những biểu hiện bất thường trong hành vi và cảm xúc của trẻ, từ đó cùng nhau thảo luận về cách giúp đỡ các con vượt qua những rào cản tâm lý."

Cô Kristin cho biết thêm, sự đồng cảm và lắng nghe trong giai đoạn này là phương pháp tốt nhất giúp trẻ xoa dịu.

Cha mẹ và thầy cô cần kiên nhẫn khi trẻ đặt câu hỏi, hoặc ngược lại nếu trẻ không muốn kết nối, cha mẹ, thầy cô có thể bắt đầu bằng những câu hỏi đơn giản như: Hôm nay con cảm thấy thế nào?; Con muốn làm gì nhất sau giờ học?; Điều làm con vui nhất và điều làm con buồn nhất?...

Những điều này sẽ tạo cho trẻ cảm giác an toàn, tin tưởng, và khi cảm thấy an toàn trẻ sẽ chủ động kết nối với người tạo cho trẻ cảm giác đó.

Trường hợp bằng mọi cách vẫn không kết nối được với con trẻ, nhiều chuyên gia cũng khuyên rằng, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bộ phận có chuyên môn ở trường học hoặc bác sĩ tâm lý để tìm ra phương pháp giúp trẻ giải tỏa tâm lý và lấy lại cân bằng tốt nhất.

Thiết lập chế độ sinh hoạt lành mạnh

Chế độ sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ phù hợp là chìa khóa để học sinh có một tinh thần tốt khi đến trường, đó là lời khuyên mà cha mẹ cần chú ý cho trẻ đi ngủ đúng giờ, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây vào thực đơn hằng ngày.

Ngoài ra, nên để trẻ tránh xa các thiết bị điện tử, vì nếu tiếp xúc với các thiết bị này trong thời gian dài sẽ dẫn đến việc suy giảm trí nhớ và sự tập trung.

Đặc biệt, cha mẹ và thầy cô nên hướng dẫn trẻ tập thói quen hít thở bằng cơ hoành mỗi ngày. Phương pháp này ngoài việc giúp trẻ cải thiện sự tập trung bên cạnh đó bất cứ khi nào trẻ gặp tình huống khó khăn, căng thẳng, chỉ cần hít thở đều nhịp tim sẽ được điều hòa và trẻ sẽ không bị rơi vào tình trạng lo lắng quá mức.

Một chế độ sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ phù hợp là chìa khóa để học sinh có một tinh thần tốt

Còn riêng cô Kristin Wegner - cố vấn, điều phối viên ban hỗ trợ học sinh và trưởng ban an toàn học đường tại trường ISSP, cô cho rằng thời gian này cha mẹ và gia đình nên chủ động kết nối với trẻ nhiều hơn.

Cha mẹ có thể cùng trẻ tập thể dục vào mỗi buổi sáng, đi dạo công viên sau giờ học, tổ chức các bữa tiệc gia đình vào cuối tuần… sự kết nối này sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái, tự tin và chủ động cởi mở hơn khi muốn chia sẻ về một vấn đề nào đó làm trẻ khúc mắc.

Kết hợp vui chơi và học tập

Trẻ mầm non và tiểu học thường bị thu hút bởi những điều thú vị; vì vậy, thời gian đầu trẻ trở lại trường học không nên đặt cho các con quá nhiều mục tiêu học tập, thay vào đó hãy để trẻ được trải nghiệm những môn học tốt cho tinh thần như: âm nhạc, mỹ thuật, làm đồ thủ công… để trẻ cảm thấy việc trở lại trường, xa rời vòng tay của gia đình không phải là điều gì đó quá áp lực.

Hãy để trẻ trải nghiệm những môn học tốt cho tinh thần - Ảnh tư liệu: trường ISSP

Ngoài ra, sau thời gian dài học trực tuyến tại nhà, sự tập trung của trẻ cũng suy giảm ít nhiều, một số trò chơi kích thích trí não như ghép hình, giải ô chữ, kể chuyện, giải câu đố… sẽ rất tốt cho trẻ trong lúc này.

Ở nhà, cha mẹ cũng có thể cùng trẻ tham gia các thử thách như: ngồi im trên ghế và không động đậy để xem trẻ có thể thực hiện được trong bao lâu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những trò chơi tương tự thế này được lặp đi lặp lại giúp cải thiện sự kết nối giữa cơ thể và tâm trí, từ đó sự tập trung của trẻ cũng dần tiến bộ.

Có được sự tập trung, việc trở lại trường học trực tiếp với trẻ cũng dễ dàng hơn và đây cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ trong tương lai.

Lời khen và phần thưởng là điều vô cùng quan trọng khi giúp trẻ làm quen dần với nhịp học tập

Chia sẻ thêm về vấn đề này, cô Kristin Wegner nhấn mạnh lời khen và phần thưởng là điều vô cùng quan trọng khi cha mẹ và thầy cô cùng trẻ tham gia các thử thách, điều đó sẽ giúp trẻ hào hứng và tích cực tham gia hơn.

Phần thưởng cho trẻ không nhất thiết phải là một món quà cụ thể mà trẻ yêu thích, đó cũng có thể là lời hứa về số lượng bài tập cho môn học hàng ngày sẽ được giảm bớt đi, hoặc trẻ sẽ được giải lao dài hơn.

Tác giả: P.Q

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP