Trong tỉnh

Giống kém, một số diện tích cam Quỳ Hợp phải chặt bỏ

Giữa vùng cam Quỳ Hợp rất nhiều cơ sở sản xuất giống cam bằng phương pháp chiết ghép, cây đầu dòng và vườn giống không được cách ly, nên loại giống này có nguy cơ tiềm ẩn dịch sâu bệnh.

Ông Trần Văn Quang ở xóm Nam Lợi, xã Văn lợi (Quỳ Hợp) sản xuất giống cây cam tại chỗ để cung ứng cho người trồng cam trong vùng. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Trần Văn Quang - chủ vườn cam giống ở xóm Nam Lợi, xã Văn Lợi, cho biết: Chúng tôi nhận ghép mắt giống và sản xuất bán cây giống cam các loại. Người dân trong vùng mang mắt của cây cam (chủ vườn cam tự chọn cây đầu dòng) đến nhờ chúng tôi ghép thành cây giống; tiền công 1.000 đồng/mắt ghép. Nếu mua cây giống chúng tôi đã ghép sẵn chỉ việc mang về trồng thì 14.000 đồng/cây.

Bắt đầu sản xuất cây giống từ đầu năm 2016, đến nay trong vườn giống của gia đình ông Quang luôn có hàng nghìn cây giống sẵn sàng cung ứng cho người trồng cam trong vùng. Ông cho hay, mỗi năm cơ sở của ông sản xuất khoảng 2 vạn cây giống cam các loại; chủ yếu bằng phương pháp ghép mắt, cây đầu dòng được chọn từ những cây cam phát triển tốt trong vùng, chứ không được trồng cách ly.

Ghép mắt tạo cây giống cam bằng phương pháp truyền thống tại các cơ sở sản xuất giống cam nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Xuân Hoàng

Dọc trên các tuyến đường trong vùng cam Quỳ Hợp, chúng tôi còn tiếp cận với nhiều cơ sở sản xuất giống cam. Có những vườn cây giống thiếu sự chăm sóc, xuất hiện nhiều loại sâu bệnh trên bộ lá.

Giống cam đang bán tùy tiện trên thị trường ảnh hưởng đến chất lượng vườn cam, cây còi cọc, nhiễm bệnh vàng chè và một số sâu bệnh khác; có cây không ra quả...

Anh Lê Quang Hoa ở xóm Minh Đình, xã Minh Hợp trồng 1 ha cam, với số lượng 450 cây cam Xã Đoài lòng vàng. Hàng năm anh đầu tư các loại phân bón, chăm sóc đúng quy trình. Tuy nhiên, sau 4 năm vất vả trên vườn cam, có tới 1/3 trên tổng số cây bị nhiễm bệnh vàng chè. Theo anh Hòa, nguyên nhân vườn cam bị nhiễm bệnh là do cây giống kém chất lượng.

Hiện Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Quỳ Hợp chưa thống kê có bao nhiêu héc-ta cam đã phải chặt bỏ để trồng lại do sâu bệnh.

Theo ông Quán Vi Giang - Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, diện tích cam trong giai đoạn kinh doanh phải chặt bỏ do sâu bệnh trong những năm qua là không ít. Cũng theo số liệu của phòng, hiện trên địa bàn vùng sản xuất cam của địa phương có khoảng 9 cơ sở chuyên sản xuất cây giống, mỗi năm cung ứng hàng chục vạn cây cam giống.

Các cơ sở sản xuất giống cam này chủ yếu ghép mắt ngay tại chỗ, cây đầu dòng và cây giống không được cách ly, nên chất lượng cây giống sẽ không đảm bảo. Hiện trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có khoảng 350 ha cam bị bệnh vàng chè và các bệnh khác.

Những luống cây cam giống không được chăm sóc chu đáo ngay trong vùng cam Quỳ Hợp. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ có 1 đơn vị có nguồn giống từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng. Đó là Công ty CP cao su Yên Tính (huyện Nghĩa Đàn) có 3 ha vườn cây đầu dòng là quýt PQ, bưởi da xanh, bưởi Diễn, chanh tứ quý, chanh lòng đào, bơ sáp được Sở Nông nghiệp - PTNT cấp giấy chứng nhận năm 2015.

Hiện nay, Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả, cây công nghiệp đang đề nghị Bộ Nông nghiệp - PTNT cấp giấy chứng nhận bưởi hồng Quang Tiến thành giống cây trồng nông nghiệp mới. Còn lại tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cây giống ăn quả trong tỉnh chưa được cấp chứng nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng.

Như vậy, đối với giống cam là chưa có cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng được cơ quan chức năng cấp chứng nhận.

Vì vậy, chất lượng những cây giống tiêu thụ trên thị trường trong tỉnh hầu như chưa được kiểm soát, đây là tiềm ẩn nguy cơ cây giống không đảm bảo chất lượng, nhất là nguồn gen và dịch bệnh. Từ đó ảnh hưởng kết quả sản xuất của người trồng cây ăn quả.

Nhiều hộ dân ở Quỳ Hợp đã chặt bỏ cây cam do không hiệu quả. Ảnh: X.H

Tác giả: Xuân Hoàng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP