Du lịch

Giếng Thor và những sự thật kỳ lạ của nước Mỹ

Giếng Thor, đồi trọng lực hay thị trấn chỉ có một cư dân là 3 trong số những điều kỳ lạ, gây tò mò cho bất cứ ai muốn khám phá nước Mỹ rộng lớn.

Monowi là thị trấn nhỏ nhất ở Mỹ và chỉ có một cư dân: Sau khi chồng mất năm 2004, Elsie Eiler trở thành cư dân duy nhất của Monowi, thị trấn nhỏ ở Nebraska (Mỹ). Theo BBC, bà là thị trưởng, thư ký, thủ quỹ, thủ thư và nhân viên pha chế của thị trấn. Eiler chia sẻ bà kinh doanh theo những cách khác nhau và tự trả thuế để thị trấn có thể tiếp tục bật đèn cũng như hoạt động hệ thống cấp nước. Ảnh: Andrew Filer, Country Living Magazine.

Một địa điểm ở Mỹ chỉ cách Nga 4 km: Quần đảo Diomede (được biết đến ở Nga với tên Ostrova Gvozdeva) là 2 hòn đảo thuộc eo biển Bering. Theo Bách khoa toàn thư Britannica, 2 đảo này được ngăn cách bởi biên giới Mỹ - Nga và đường đổi ngày quốc tế. Đảo Diomede Lớn (thuộc địa phận của Nga) và Diomede Nhỏ (là một phần của Alaska, Mỹ) chỉ cách nhau khoảng 4 km nhưng lại nằm ở múi giờ hoàn toàn khác nhau. Ảnh: Al Grillo.

“Giếng thần Thor” ở bờ biển Oregon: Hố biển “Giếng thần Thor” thuộc khu vực mũi Perpetua (bang Oregon, Mỹ) còn có tên gọi khác là “Cổng địa ngục”. Chỉ sâu khoảng 6 m nhưng ảo ảnh quang học về sự vô tận của hố biển này thực sự đáng kinh ngạc. Khi thủy triều lên cao, sóng tràn vào lấp đầy hố và trào ra ngoài hoặc bắn lên tung tóe. Sau đó, nước rút ngược vào hố, khiến cho giếng có vẻ như đang rút cạn nước biển. Điểm đến độc đáo này thu hút nhiều du khách và nhiếp ảnh gia trên thế giới. Ảnh: Brian Matiash.

Đồi trọng lực gần Prosser, Washington: Bạn sẽ cảm thấy như thể đang leo lên dốc ngay cả khi đang di chuyển xuống ở ngọn đồi gần Prosser, Washington. Nguyên nhân là do ảo ảnh quang học, đường chân trời và các đặc điểm cảnh quan xung quanh tác động vào tâm trí bạn. Theo Atlas Obscura, những điểm bí ẩn như thế này không phổ biến và thường được gọi là "đồi trọng lực" hoặc "đồi từ tính". Người ta đã biết đến ít nhất 12 nơi như vậy trên khắp thế giới. Ảnh: Only In Your State.

Thị trấn Centralia, Pennsylvania cháy suốt 5 thập kỷ từ năm 1962 đến nay: National Geographic gọi vụ cháy ở Centralia là vụ cháy mỏ tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vụ hỏa hoạn bắt đầu vào tháng 5/1962 và năm 2012 đánh dấu cột mốc 50 năm ngọn lửa vẫn hoành hành bên dưới Centralia. Từ năm 1982, nhiều người trong số 1.500 cư dân của thị trấn đã tự nguyện di dời. Năm 2017, khu vực này chỉ còn 5 ngôi nhà, 3 gia đình và một tòa thị chính. Ảnh: JohnDS.

Bang Utah nằm hoàn toàn trong đất liền nhưng có hơn 30 hòn đảo được đặt tên: Bang Utah không nằm bên bờ đại dương và cũng không gần bất kỳ hồ lớn nào. Vị trí trong đất liền nhưng tiểu bang này vẫn có hồ và nhiều hòn đảo ở các hồ đó được đặt tên. Theo Only In Your State, phần lớn các đảo có tên của bang Utah nằm ở hồ Jackson và hồ Yellowstone. Không rõ có bao nhiêu hòn đảo được đặt tên nhưng có thể kể một số đảo trong số đó như Dot, Bush, Oxbow Bend, Boulder hay Elk. Ảnh: Tony Hisgett.

Hệ thống hang động dài nhất thế giới Mammoth, Kentucky: Các cổ vật được tìm thấy chứng minh người bản địa đã khám phá hệ thống hang động Mammoth ít nhất 4.000 năm trước. Hang động này chính thức trở thành công viên quốc gia vào năm 1946. Theo Atlas Obscura, hơn 644 km của hệ thống hang động được lập, khảo sát và mở cho các tour du lịch quanh năm. Ảnh: Rukawajung.

Pando - khu rừng 80.000 năm tuổi là sinh vật sống lớn nhất trên Trái Đất: Quần thể Pando gồm 47.000 cây dương lá rung ở Rừng Quốc gia Richfield (Utah) phát triển từ một hệ thống rễ duy nhất. Tất cả cây đều có chung DNA và phát triển bằng cách sinh sản vô tính. Tuy nhiên, con người và loài hươu hiện đe dọa sự tăng trưởng của Pando. Vì vậy, các nhà sinh thái học ở Utah đang tìm ra cách tốt nhất để cứu Pando và cho phép "cây khổng lồ" này tiếp tục phát triển. Ảnh: U.S. Forest Service.

Alaska đồng thời là tiểu bang cực bắc, cực đông và cực tây nước Mỹ: Bất cứ ai đã nhìn vào bản đồ nước Mỹ đều có thể dễ dàng nhận ra Alaska là tiểu bang cực bắc. Không chỉ vậy, quần đảo Aleutian của Alaska trải rộng đến kinh độ 180 độ và băng qua đường này sang bán cầu đông khiến Alaska trở thành bang cực tây và cực đông của nước Mỹ. Ảnh: Chris Burkard.

Tiểu bang California có nhiều cư dân hơn toàn bộ đất nước Canada: Theo Viện Chính sách công California, tiểu bang này có hơn 39 triệu người tính đến năm 2016. Đối với Canada, theo Statistics Canada, tính đến ngày 1/1/2019, toàn bộ dân số nước này có tổng cộng 37.314.442 người. Nhưng Canada có thể sớm bắt kịp hoặc thậm chí vượt qua California về dân số do nhập cư quốc tế đang tiếp tục tăng nhanh. Trong khi đó, nhiều cư dân của California đã chuyển đến các khu vực khác nhau ở Mỹ trong các năm qua. Ảnh: Shutterstock.

Tác giả: Uyên Hoàng

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP