Kinh tế

Giấy dó Phong Phú tìm lại thời "vang bóng"

Giấy dó làng Phong Phú đã từng là ước mơ của bao họa sĩ xứ Nghệ bởi sự công phu và đắt đỏ để tạo ra được nó. Thế nhưng, theo thời gian, sự phát triển của giấy công nghiệp đã lấn át đi những trang giấy dó vang bóng một thời. Nhưng với nỗ lực của những người muốn níu giữ nghề cha ông, giấy dó Phong Phú đang từng bước lội ngược dòng tìm lại hình bóng về một làng giấy tấp nập, đông vui.

Chút hồn sót lại...

Làng nghề Giấy dó Phong Phú - xã Nghi Phong (Nghi Lộc) có từ cách đây hàng trăm năm. Theo thời gian, do khó khăn về đầu ra nên số lượng người làm nghề giảm đi rất nhiều.

Trưa nắng như đổ lửa, chị Bạch Thị Lê, xóm Phong Phú đang thoăn thoắt phơi giấy dó trên cánh đồng. Chị cho biết: Nghề này làm được quanh năm, chỉ trừ những hôm trời mưa phải nghỉ vì không phơi được giấy. Với 20 khuôn, mỗi ngày gia đình tôi đổ được 2 lần, mỗi lần được 20 tờ. Giá bán hiện nay 2.500 đồng/tờ, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 70 ngàn đồng/ngày. Vất vả lắm, thức đêm dậy hôm, tốn nhiều thời gian, công sức mà thu nhập chẳng được là bao, nhưng gia đình tôi vẫn cố gắng theo nghề, trước là có thêm thu nhập, sau là gìn giữ nghề truyền thống của quê hương.

Nguyên liệu chính để làm ra được những khuôn giấy mỏng, dai và mịn được lấy từ vỏ của thân cây niệt. Loài cây này chỉ có ở trên rừng thuộc các huyện vùng cao Nghệ An như Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương. Vì vậy, công đoạn lên rừng tìm chặt cây niệt đem về cũng rất vất vả và tốn nhiều thời gian, có khi phải đến một tuần mới tìm được nguyên liệu.

Vỏ cây niệt được tách ra chuẩn bị làm giấy


Quy trình sản xuất giấy dó phải qua nhiều công đoạn, mà tất cả đều phải làm bằng chính đôi tay người thợ. Đầu tiên, cây niệt sẽ được tuốt bỏ lá chỉ chừa lại phần thân, cành, cạo đi lớp vỏ lụa bên ngoài, tách lấy phần thịt, vứt phần lõi cứng bên trong. Phần thịt đã chọn sẽ được tước mỏng ra nhồi với nước vôi đặc rồi nấu trong một ngày. Cứ một thùng 50 kg nguyên liệu tiêu thụ hết 20 kg than. Khi than tàn cũng là lúc niệt chín đúng độ thì vớt ra, cho vào cối giã nhuyễn, đem đãi lấy nước trong, cho vào bể seo tráng lên khuôn vải màn (gọi là seo giấy).

Khâu seo giấy tuy nhẹ nhàng hơn, nhưng phải khéo léo, kiên trì nên người phụ nữ thường đảm nhiệm công việc này. Họ đứng bên tàu seo, hai tay dùng liềm seo múc nước bột giấy rồi gác lên “đòn cách” bằng tre cho nước chảy xuống hết, khi nào chỉ còn bột giấy đọng lại trên khuôn thì mới đưa ra phơi nắng. Giấy dày hay mỏng là phụ thuộc vào "ngữ đỉnh" ở khuôn seo. Khi khuôn seo khô, bóc ra sẽ thành 1 tờ giấy mỏng, màu trắng đục, trong và dai, đó chính là sản phẩm giấy dó.

Công đoạn ngâm vỏ cây niệt trong nước vôi


Công đoạn khó nhất chính là khâu đun lửa - phải giữ lửa ở nhiệt độ cao khi luộc vỏ cây niệt trong nước vôi đặc. Theo các cụ cao niên có thâm niên trong nghề, sản phẩm giấy dó có thể để đến trăm năm cũng không bị mục nát nhờ sợi dó có khả năng hút và nhả ẩm tốt.

Khắc khoải níu nghề...

Theo các hộ dân làm nghề ở Phong Phú, trung bình một gia đình có 2 lao động chính thì tối đa một ngày cũng chỉ làm được 80 tờ với điều kiện trời phải nắng gắt, còn trời âm u chỉ làm được 50 - 60 tờ/ngày. Trừ chi phí, mỗi hộ thu về khoảng 140.000 đồng/ngày. Tuy thu nhập không cao nhưng cũng góp phần để trang trải cuộc sống hàng ngày. Ông Vương Văn Tâm - một người dân có thâm niên làm nghề giấy gó trăn trở: Năm nay, tôi đã gần 70 tuổi, đã có trên 50 năm gắn bó với nghề, nhưng hiện nay có nhiều nỗi lo bởi hiện nay giấy công nghiệp ra nhiều, cho nên nghề giấy dó ở Phong Phú đang bị mai một dần. Do vậy, tôi mong nhà nước, các ban ngành có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các kiến thức khoa học kỹ thuật mới, tìm đầu ra cho người dân làng nghề chúng tôi, trước là để người dân làng nghề sống được bằng nghề. Sau là để giữ nghề truyền thống của cha ông đã để lại.

Trước đây, giấy dó được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đến mua về dán quạt, quấn hương trầm, dán lên mình cá biển. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này đã thu hẹp dần. Hiện chỉ có khách hàng ở Cửa Lò, Cửa Hội và Quỳnh Lưu, Diễn Châu đến mua về dán cá, làm hương.

Người dân trong làng đang phơi khô tờ giấy


Cách đây 5 năm về trước, hơn trăm hộ gia đình trong cả làng đều làm nghề, nhưng nay, chỉ còn 20 hộ gắn bó với nghề. Trung bình mỗi ngày làng nghề cung cấp ra thị trường khoảng 1.500 tờ Giấy dó. Với giá bán từ 2.500 đồng/tờ. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu, trung bình 1 ngày làng nghề thu về khoảng hơn 2 triệu đồng. Tổng mỗi năm làng nghề thu nhập xấp xỉ 700 triệu đồng từ làm nghề giấy dó. Tuy thu nhập không cao so với nghề khác, nhưng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của làng xuống còn 4%. (Giảm 12% so với 5 năm 2010).

Trao đổi về những định hướng của địa phương trong việc bảo tồn và phát triển nghề giấy dó, ông Nguyễn Trọng Hiếu- Phó chủ tịch UBND xã Nghi Phong cho biết: Tháng 12 -2007, làng nghề giấy dó Phong Phú được công nhận làng nghề cấp tỉnh. Tuy nhiên, trong xu thế hiện đại hoá, hiện nay các loại giấy công nghiệp ra đời nên thị trường giấy gió của Phong Phú cũng khó cạnh tranh. Do vậy, địa phương đang hướng liên kết các Công ty, liên minh hợp tác xã, Hiệp hội làng nghề Nghệ An để bao tiêu sản phẩm cho người dân làng nghề. Mặt khác, tiếp tục vận động người dân tập trung trau dồi và nâng cao tay nghề để dần đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời kỳ hội nhập để vừa tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, vừa giữ được nghề truyền thống của quê hương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trì văn hóa của các làng nghề xứ Nghệ.

Tác giả bài viết: Thu Hiền

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP