Kinh tế

Giật mình với giá trị thật của kim cương mà bà Phương Hằng và Hoài Linh nâng niu như báu vật

Thực tế, kim cương không phải là mặt hàng có giá trị kinh tế cao như chúng ta vẫn nghĩ.

Đại gia Việt chơi kim cương: Người đong bằng lon, người có cả ký

Đã từ lâu, kim cương được biết đến như một món trang sức xa xỉ, chỉ có những người lắm tiền nhiều của có khả năng sở hữu. Bởi, giá bán của những viên kim cương, những món trang sức kim cương cao ngất ngưởng, chỉ 1 viên nhỏ xíu cũng có giá lên đến vài nghìn USD.

Kim cương hiện là loại đá quý hiếm và đắt nhất trên thế giới. Ngoài giá trị vật chất, kim cương còn là hiện thân của sức mạnh, quyền lực, sự giàu sang, lòng can đảm và là biểu tượng bất diệt của tình yêu. Thế nên, những đại gia, người giàu đều khao khát muốn sở hữu cho mình những viên đá lấp lánh, tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý.

Có nhiều cách chơi kim cương, có người âm thâm mua và chẳng trưng ra khoe mẽ như Hoài Linh. Trong một bài phỏng vấn, Hoài Linh từng cho biết, "tôi khờ, tôi bình dân nhưng không có nghĩa là không biết xài, nhiều khi không muốn xài thì sao.

Thực ra tôi xài kim cương từ lâu, người ta có mình cũng có, điều quan trọng là mình thích hay không thích. Có nhiều trường hợp hột xoàn đong bằng lon nhưng người ta tuyệt nhiên không mang một cái nào trên người".

Hoài Linh chưa từng xuất hiện với bộ sưu tập kim cương nào nhưng danh hài này được biết đến là người đã dạy cho Đàm Vĩnh Hưng cách chơi kim cương.

Thế nhưng, cũng có người, lần nào xuất hiện cũng mang trên mình không biết bao nhiêu kim cương, hột xoàn, đặc biệt là mỗi lần lên hình một bộ trang sức kim cương mới. Người chơi nổi chúng tôi muốn nhắc đến là đại gia Nguyễn Phương Hằng - CEO Đại Nam - Vợ ông Huỳnh Uy Dũng.

Buổi livestream mới nhất của bà diễn ra hôm 25/5 vừa qua, người phụ nữ này đã mang trên mình bộ trang sức "khủng".

Bà Hằng từng tuyên bố: "Nếu nói về tài sản, thì 500, 700 triệu đô đến 1 tỷ đô tôi có… Mỗi lần tôi xuất hiện sẽ có một bộ trang sức khác. Kim cương của tôi lên đến hàng kí... Tất cả các hiệu kim cương ở nước ngoài đều biết mặt tôi hết…"

Ngoài vàng, đá quý, kim cương, hột xoàn là những món trang sức được bà Hằng ưa chuộng. Nhiều người đoán, chỉ riêng chiếc nhẫn bà Hằng đeo cũng có giá lên đến hàng trăm triệu đồng - một số tiền khổng lồ so với mức thu nhập trung bình của người Việt.

Lần nào bà Phương Hằng xuất hiện đều có những bộ trang sức "khủng".

Giật mình với giá trị thật của kim cương

Kim cương là một tinh thể không màu được sản sinh ra từ cacbon nguyên chất trong tự nhiên. Kim cương có độ cứng 10 trên thang Mohs. Loại đá quý này hình thành trong lòng đất, ở độ sâu khoảng 140km - 220km, tầm nhiệt dao động từ 1150 – 1200 độ C và áp suất vào khoảng 50 – 70 kilobars.

Tên gọi kim cương trong nhiều ngôn ngữ châu Âu đến từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "không thể phá hủy". Điểm đặc biệt của kim cương các góc cạnh dường như đều "phát ra tia sáng".

Kim cương có nhiều màu sắc khác nhau như trong suốt, màu ánh xanh nhạt, màu lam hồng, đỏ, và màu xanh lá cây. Khoảng 49% kim cương trên toàn thế giới được khai thác ở Trung Phi và Nam Phi.

Viên kim cương màu hồng (có tên Pink Star) 59,60 carat được bán ở Hong Kong với giá 71,2 triệu USD. Ảnh: Sotheby's.

Dù đang được bán với giá vô cùng đắt đỏ, nhưng thực thế, những viên kim cương không hề có giá trị lớn đến như vậy. Thậm chí, thực chất các viên kim cương không có giá trị như vàng hay bạc mà chúng đã bị thổi giá như là một chiêu trò lừa đảo lớn nhất trong lịch sử, một ví dụ điển hình của cách tiếp thị khôn ngoan và khéo léo.

Từ năm 1870, khi kim cương - không phải là loại đá quý hiếm dần trở nên bão hóa, các nhà tài chính người Anh đã tạo ra De Beers Consolidated Mines, doanh nghiệp nắm toàn quyền sở hữu và kiểm soát thương mại kim cương thế giới. Nhiệm vụ của De Beers là phải tìm ra cách kiểm soát cả cung và cầu kim cương trên toàn thế giới.

Năm 1838, De Beers đã thuê công ty quảng cáo N.W. Ayer ở Philadelphia. N.W. Ayer đã thực hiện nghiên cứu thị trường, "tạo ra một tình huống mà hầu hết những người muốn hôn nhân bền vững đều cảm thấy bắt buộc phải có được một chiếc nhẫn đính hôn kim cương".

Cuối cùng, Ayer sẽ thuyết phục các chàng trai trẻ rằng kim cương là món quà độc tôn của tình yêu, và phụ nữ trẻ sẽ thấy rằng kim cương là một phần thiết yếu của các mối quan hệ lãng mạn.

N.W. Ayer đã mang kim cương đi khắp thế giới, sử dụng những người nổi tiếng để truyền thông cho sản phẩm, viết các câu chuyện trên báo và tạp chí về các đề xuất của mình với nhẫn kim cương và loại, kích cỡ và giá trị kim cương. Các nhà thiết kế thời trang đã nói về xu hướng kim cương mới trên các chương trình radio.

Ngoài quảng cáo, họ tạo ra nội dung giải trí và giáo dục. Đó là những ý tưởng, câu chuyện, thời trang và các xu hướng về thương hiệu và sản phẩm của họ một cách không rõ ràng, biến kim cương thành biểu tượng của vĩnh cửu.

N.W. Ayer đã thành công giúp De Beers biến một thị trường thất bại thành một nhu cầu tâm lý trong cả thời kỳ chiến tranh và khủng hoảng kinh tế. Trong giai đoạn 1938 - 1941, doanh số kim cương của Hoa Kỳ tăng 55%.

Khi chiến dịch này một chiếc nhẫn có giá tương đương 1 tháng lương. Thế nhưng vào những năm 1980, De Beers đã thực hiện một chiến dịch để thiết lập lại định mức thành hai tháng lương. Đồng thời, không khuyến khích những người mua kim cương bán lại sản phẩm vì nó sẽ làm lộ giá mức giá thấp đáng báo động của những viên đá.

Như vậy, biến kim cương thành mặt hàng thể hiện sự giàu có, quyền lực và sự lãng mạn như ngày nay là một chiến lược tiếp thị cực kỳ thành công của N.W. Ayer.

Mặc dù hiện tại, thế độc quyền đã bị phá vỡ nhưng cách tiếp thị thông minh của N.W. Ayer đã biến mặt hàng không mấy có giá trị trở thành món hàng cực kỳ đắt đỏ, món hàng mà hầu hết ai nhìn thấy cũng phải thèm thuồng, mong muốn được sở hữu.

Tác giả: Pha Lê

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP