Giáo dục

Giáo viên phải được làm chủ việc chọn sách giáo khoa

Mặc dù có đa dạng các bộ sách giáo khoa nhưng hiện nay giáo viên vẫn rơi vào tình trạng không được sử dụng loại sách mình lựa chọn.

Năm 2020-2021, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Mặc dù có đa dạng các bộ SGK nhưng hiện nay giáo viên vẫn rơi vào tình trạng không được sử dụng loại sách mình lựa chọn

Đây là một xu thế tiến bộ bởi học sinh đi học không chỉ để hiểu và tích lũy kiến thức, mà hơn thế nữa còn áp dụng những gì được dạy vào trong cuộc sống.

Giờ đây, chương trình chính là pháp lệnh, còn sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo trong quá trình dạy và học, chỉ có tính hướng dẫn. Trong khi trước đây, chỉ có một bộ sách giáo khoa thể hiện chương trình học, tập trung vào nội dung bài học, xoay quanh việc học sinh học nội dung bài học cụ thể.

Với chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa cho phép người thầy tự chủ để linh hoạt thiết kế bài giảng dựa trên chương trình, điều kiện của từng trường và năng lực học tập của học sinh.

Vì vậy, vai trò của người giáo viên cũng thay đổi theo hướng đảm nhận nhiều chức năng hơn: chuyển từ cách truyền thụ tri thức sang tổ chức hoạt động cho học sinh chủ động tiếp thu kiến thức.

Còn người học phải nâng cao tinh thần tự chủ và tự học, năng lực tư duy và sáng tạo trong học tập, cũng như áp dụng các kiến thức, kinh nghiệm đã học được vào trong đời sống thực tế.

Sách giáo khoa không còn là pháp lệnh như trước kia

Vẫn thực hiện theo quy trình cũ

Chủ trương đưa ra là đúng đắn, hợp xu thế, tuy nhiên trên thực tế quá trình thực hiện việc chọn sách giáo khoa không được như mong mỏi của đông đảo giáo viên và học sinh

Thông qua nhiều phản ánh của dư luận, đại biểu quốc hội, Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT quy định việc chọn sách giáo khoa đang được đánh giá là trao toàn quyền quyết định lựa chọn sách khoa cho những hội đồng tuyển chọn sách mà không quan tâm ý kiến của cơ sở; dễ dẫn tới nguy cơ độc quyền sách giáo khoa.

Để khắc phục tình trạng trên, nhiều địa phương hiện nay vẫn thực hiện theo phương án các trường chọn sách nào, thì hội đồng sẽ lựa chọn sách đó.

Như Hà Giang là một ví dụ, trao đổi với Người Đưa tin, ông Trịnh Đình Huynh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học – Giáo dục dân tộc (Sở GD&ĐT Hà Giang) cho biết: “Hội đồng cấp tỉnh tôn trọng đề xuất dưới cơ sở và lựa chọn những bộ sách mà nhà trường đã đưa ra”.

Những bộ sách nào được đông đảo các nhà trường lựa chọn, sẽ được Sở GD&ĐT tổng hợp sau khi được phê duyệt sẽ được đặt hàng.

Theo ông Huynh, đơn vị này cũng gặp một vài vướng mắc trong việc lựa chọn sách cho những môn chưa có đủ giáo viên, và vấn đề chi phí cho các hội đồng gây khó cho địa phương khi áp dụng.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế đã có những ý kiến về vấn đề sách giáo khoa trước nghị trường Quốc hội

Cũng có quy trình tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Huế, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: “ Ở địa phương chúng tôi Sở GD&ĐT chỉ đạo đến các trường để lựa chọn sách phù hợp với tiêu chí của từng nơi. Sau khi các trường thống nhất sẽ thông tin lại với ngành giáo dục, và đăng ký với nhà cung cấp sách giáo khoa”.

Ở đây vai trò của Sở GD&ĐT hay hội đồng chọn sách cấp tỉnh có vai trò tổng hợp lại ý kiến ở dưới cơ sở, sau đó thể theo nguyện vọng để thông tin cho nhà xuất bản.

Bà Nguyễn Thi Huế cũng bày tỏ thêm: “Theo tôi, nên sử dụng hình thức chọn như trước kia, vì thầy cô là người nghiên cứu trực tiếp, và đây cũng chính là người sử dụng nên có đầy đủ cơ sở, thông tin, chuyên môn để lựa chọn.

UBND là cơ quan quản lý chung tất cả các lĩnh vực, nên khó có thể có những đánh giá chuyên sâu, phù hợp trong việc đề xuất, quyết định học sách nào”.

Làm sao để tránh sự độc quyền sách giáo khoa?

Để tránh sự độc quyền, và tránh tiêu cực trong thị trường sách giáo khoa, cô Nguyễn Thị Lan, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội cho biết: “Quan điểm của tôi là trường nào chọn bộ nào, cuốn nào, hãy để cho họ lựa chọn như vậy. Các tổng chủ biên, chủ biên, tác giả có nhiệm vụ đến trường tập huấn cho bộ sách, cuốn sách mà giáo viên lựa chọn.

Dù sự lựa chọn đó không nhiều, rất ít đi chăng nữa. Họ chọn bộ sách, cuốn sách phù hợp với học sinh của trường. Và không nên có bất kể tác động gì đến việc chọn sách giáo khoa ở cơ sở. Như thế mới là xã hội hóa trong biên soạn và phát hành sách giáo khoa” .

Giáo viên không được sử dụng những bộ sách đã chọn

Một Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở ở Bắc Kạn cho biết, nếu trường cô chọn bộ sách khác ngoài bộ sách mà thầy trò đang dạy và học (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), phải buộc giải trình với Phòng GD&ĐT, với Sở GD&ĐT.

Cô cho biết thêm, năm ngoái, dù được đọc tham khảo cả ba bộ sách giáo khoa ( 2 bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, và 1 bộ sách giáo khoa xã hội hóa – bộ Cánh Diều), nhưng chuyên viên của Sở GD&ĐT nhấn mạnh, phải chọn bộ sách “chính thống” là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Thậm chí, Sở GD&ĐT đã đánh dấu bộ sách được gợi ý chọn là bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, cho giáo viên cứ thế làm theo.

Một hiệu trưởng trường THCS ở Hà Nội (dấu tên) bày tỏ: “Tôi ủng hộ việc lựa chọn những cuốn sách tốt nhất từ các bộ sách giáo khoa. Như vậy mới hợp lý và công bằng. Để tránh tiêu cực không đáng có, hãy để giáo viên dạy những bộ sách mà họ lựa chọn.

Ngay cả Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT cũng không nên can thiệp vào việc lựa chọn sách giáo khoa ở các trường. Làm được điều ấy, những bộ sách giáo khoa chất lượng lập tức sẽ có đất sống.

Đó mới thực sự là công bằng, khách quan trong việc lựa chọn sách giáo khoa, xóa bỏ những cách “đi đêm” tiêu cực của nhà xuất bản để giành giật thị trường. Không nên lấy số nhiều để phủ nhận số ít. Xã hội hóa sách giáo khoa là phải vậy. Nếu không sẽ rơi vào cảnh độc quyền sách giáo khoa như trước” .

Thầy Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Hiến Thành, Hà Nội tỏ ra rất bức xúc khi năm đầu tiên, trường thầy được chọn học bộ sách Cánh Diều, hiệu quả dạy và học rất tốt, thì năm vừa qua, đùng một cái, lớp 2 học trò của thầy phải học bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống - bộ sách vừa nhiều lỗi, vừa khó, dù giáo viên của trường không chọn bộ sách này cho học sinh mình học.

TS.Nguyễn Tùng Lâm lo lắng trước việc giáo viên sẽ phải dùng sách mà mình không chọn

Để tìm ra giải pháp khắc phục những tình trạng do Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT, Người Đưa tin đã có trao đổi với TS.Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội.

Ông Lâm bày tỏ: “Quy định hiện nay sách giáo khoa do UBND các tỉnh thành thành lập hội đồng đề lựa chọn. Trong khi đây phải là công việc của giáo viên, hoạt động này nên thống nhất ngay ở các cơ sở giáo dục. Tùy trường có thể lựa chọn sử dụng theo định hướng điều kiện giảng dạy của mình”.

Người sử dụng sẽ là người chọn, vì họ mới biết được cần gì và thiếu gì. Trong quá trình giảng dạy, người dạy và người học có thể tương tác, giao lưu từ đó phát hiện ra những bất cập, hạn chế của các bộ sách giáo khoa.

Thực tế sách giáo khoa hiện nay không còn là pháp lệnh như trước, chỉ còn là tài liệu tham khảo nên có thể thống nhất giữa thầy và trò, không cần thiết phải lấy ý kiến của hội đồng cấp trên.

“Việc đề nghị các trường lựa chọn và trình cho hội đồng lựa chọn tiếp điều này không đúng. Như vậy sẽ không phản ánh được vai trò làm chủ của giáo viên, họ không phải chịu trách nhiệm về việc lựa chọn.

Cấp Sở là bộ phận tập hợp các ý kiến của các trường để liên hệ với các NXB để in sách. Như vậy mới là lựa chọn của giáo viên, nếu không vẫn có trường hợp phải dùng những sách mà mình không lựa chọn”, thầy Lâm cho biết.

Tác giả: Nguyễn Hoa Trà

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP