Giáo dục

Giáo viên không phải hàng hóa mà đem... đấu thầu

Câu chuyện đặt hàng, đấu thầu trong đào tạo giáo viên đang khiến nhiều chuyên gia giáo dục cảm thấy lo lắng, khi giáo viên không phải sản phẩm hàng hóa thông thường.

Gần đây, dư luận đang đặc biệt quan tâm đến những khó khăn, vướng mắc trước việc triển khai Nghị định 116 trong năm học 2021-2022, mà cụ thể là nội dung đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên.

Bên cạnh những kỳ vọng sẽ thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm, giúp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, gắn chặt việc đào tạo với sử dụng nhân lực ngành sư phạm ở các địa phương..., mà vốn dĩ đây được coi là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương; tuy nhiên, còn rất nhiều điều cần phải bàn đến. Trong đó, trước hết, cần có sự thống nhất giữa các bộ, ngành trong triển khai và phải có hướng dẫn chung đến các địa phương.

Theo đó, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, câu chuyện đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên, thoạt nghe có vẻ hợp lý nhưng lại phải “đối mặt” với rất nhiều thách thức, nguy cơ “sâu mọt”.

Cụ thể, không ít chuyên gia đang lo ngại rằng, nếu cho phép đấu thầu đào tạo giáo viên thì các trường sẽ tạo ra một bộ phận để chỉ chuyên lo hồ sơ đấu thầu. Mà như vậy thì không còn phù hợp với môi trường sư phạm, bởi trường chỉ nhận nhiệm vụ đào tạo giáo viên.

Sản phẩm của trường sư phạm là giáo viên, sẽ quyết định đến chất lượng giáo dục của nhiều thế hệ, ảnh hưởng đến tương lai của quốc gia..., không phải bất kỳ một sản phẩm hàng hóa thông thường nào, mà có thể mang ra tin tưởng vào hai chữ “đấu thầu”, như đối với một dự án, một sản phẩm kinh doanh của doanh nghiệp vậy.

Nếu cho phép tuyển dụng giáo viên theo năng lực sinh viên thì các tỉnh/thành phố lớn sẽ không cần đặt hàng đào tạo giáo viên (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, việc đấu thầu có thể sẽ tạo ra sự cạnh tranh không trong sáng, so sánh khi đơn vị này thắng thầu hoặc thua thầu, như vậy có lo ngại vấn đề tiêu cực phát sinh. Giả sử, giao về phía địa phương thực hiện, chỉ cần có sự “móc ngoặc” nào đó, xem xét không công tâm vài phần, cũng có thể xảy ra tình trạng giao dịch ngầm, hứa hẹn lại quả để được trúng thầu. Cũng có thể, một trường nào đó sẽ dùng cách “đi cửa sau”, lăng-xê hay vận động để thắng thầu… Rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn phía sau bức rèm kia.

Chưa kể, giá cả thường sẽ đi đôi với chất lượng. Một khi lựa chọn hình thức đấu thầu, nếu căn cứ vào một tiêu chí là giá cả, so sánh để đưa ra lựa chọn, liệu có dẫn đến tình trạng chấp nhận đầu tư “hạn chế” để trúng thầu, trong khi, chất lượng khó được đảm bảo?!

Hay khi đó, chúng ta ngầm “tặc lưỡi” chấp nhận những sinh viên sư phạm được đào tạo hời hợt, chấp nhận rủi ro cho những thế hệ tiếp theo, mà xuất phát điểm chính là do chi phí đầu tư ban đầu không được chú trọng? Điều đó càng thêm nguy hiểm!

Thêm một điểm khó nữa, không phải đơn vị nào cũng dễ dàng quản lý, chẳng hạn, với đối tượng giáo viên công lập thì có thể tính toán được, còn giáo viên tư thục hay ở các cơ sở giáo dục khác thì khó tổng hợp và dự báo chính xác.

Đồng thời, các địa phương, các nhà trường cũng phải lượng hóa được trong 4 năm nữa thì sự phát triển của dân số, nhu cầu của học sinh như thế nào, chứ nếu chỉ xác định số lượng giáo viên cho tương lai mang tính tương đối, thì câu chuyện thừa thiếu giáo viên sẽ tiếp tục tồn đọng.

Mới chỉ điểm qua một vài yếu tố, đã nhìn thấy, rõ ràng, chất lượng đào tạo giáo viên không thể dựa vào hình thức đấu thầu, và cũng không thể nhờ cậy hoàn toàn vào hình thức đấu thầu đó mà nuôi hy vọng cân đối cung - cầu nhân lực trong ngành sư phạm tại các địa phương.

Nên chăng, thay vì thử nghiệm hình thức mới vốn dĩ đang tồn tại nhiều vấn đề và khó khả thi như trên, chúng ta nên cân nhắc và nghĩ đến triển khai những chính sách thực sự hữu ích trong việc thu hút, đào tạo và tuyển dụng nhân lực ngành sư phạm.

Nếu cho phép tuyển dụng giáo viên theo năng lực sinh viên thì các tỉnh/thành phố lớn sẽ không cần đặt hàng đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó, vẫn cần có sự phân công giáo viên về vùng khó và có đãi ngộ xứng đáng, phù hợp để đảm bảo ở đâu cũng có giáo viên giỏi.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Tác giả: Lê Thị Duyên

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP