Kinh tế

Giao bộ ngành cắt giấy phép con, khác gì "lấy đá ghè chân mình"

Xung quanh chủ đề truy tìm và gỡ bỏ những rào cản đối với sự phát triển doanh nghiệp (DN), trong đó đặc biệt là DN tư nhân, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thừa nhận: Cải cách giấy phép kinh doanh sẽ không thành công nếu giao nhiệm vụ này cho các bộ, ngành.

Theo ông Hiếu, Luật đầu tư quy định 2 danh mục loại trừ về ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh điều kiện (KDĐK), trong đó 7 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và 243 ngành nghề KDĐK.

Tuy nhiên, Phó Viện trưởng CIEM cho hay, ngoài 243 ngành nghề KDĐK, thị trường còn xuất hiện khoảng 589 ngành nghề, hoạt động kinh doanh chịu quản lý của giấy phép con.

giay phep con 1498354543378
Giấy phép con lớn đè nặng các doanh nghiệp nhỏ

Ông Hiếu nói: Khá nhiều văn bản dưới Nghị định được đưa ra dưới dạng quy định quản lý chất lượng, kỹ thuật máy móc, thiết bị hay an toàn vệ sinh thực phẩm... nhằm hạn chế quyền kinh doanh hoặc ưu đãi riêng cho các DN trực thuộc bộ, ngành. Đây thực tế là các giấy phép kinh doanh (giấy phép con) gây ra nhiều rào cản đối với gia nhập thị trường và sự phát triển của khu vực DN.

Việc cởi bỏ các quy định về ngành nghề KDĐK, cắt giảm giấy phép con được coi là nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, năng lực cạnh tranh và sáng tạo.

Do đó, ông Hiếu nhấn mạnh, việc cắt giảm giấy phép con không phải bàn nhiều bởi đây là việc rà soát và bãi bỏ những nội dung bất hợp lý. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhấn mạnh hiện nay là làm như thế nào để có hiệu quả cao nhất?

"Kinh nghiệm ở nước ta và thực tiễn tại Việt Nam cho thấy cải cách giấy phép kinh doanh chỉ thành công nếu thực hiện áp đặt từ trên xuống; sẽ không thành công nếu tiếp tục giao việc này cho chính các Bộ, ngành và cơ quan có liên quan thực hiện. Điều này không khác gì vừa đá bóng vừa thổi còi và tự đá ghè chân mình", Phó Viện trưởng CIEM nói.

Ông Hiếu nói rõ, việc bãi bỏ khoảng 160 giấy phép kinh doanh các loại giai đoạn 2000-2003 được thực hiện trên cơ sở tham mưu và kiến nghị của Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ thành lập và trực tiếp chỉ đạo, phối hợp cùng với Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ.

Giai đoạn từ 2015 - 2016, với quy định Bộ, ngành không được phép đưa ra Thông tư, ban hành Thông tư, phải nâng Thông tư lên Nghị định, cắt bỏ nhiều Thông tư sai Luật, trái Nghị định cũng tiết giảm được nhiều loại giấy phép con. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều loại giấy phép con ẩn trong các Nghị định, nhiều quy định núp dưới danh nghĩa bảo vệ thị trường nhưng lại can thiệp vào thị trường, méo mó thị trường.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy thành công của cải cách ở nhiều nước thực hiện thông qua một cơ quan độc lập, thuộc chính phủ, ví dụ như: Ủy ban năng suất ở Úc, Cơ quan quy định pháp luật tốt ở Anh hay Cơ quan giải quy chế ở Hàn Quốc,…

Do đó, ông kiến nghị Chính phủ thành lập một cơ quan thực hiện nhiệm vụ này với đặc điểm như: Phải là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ; cơ quan mang tính chất chuyên môn sâu, đa dạng về cải cách luật pháp; nhiệm vụ là rà soát, phân tích, đánh giá nhằm “cắt giảm” những quy định bất hợp lý, và trực tiếp, chủ trì thực hiện việc ‘cắt giảm’ quy định bất hợp lý.

Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP