Pháp luật

Giang Kim Đạt ôm tài sản kếch xù trốn 5 năm ở nước ngoài

Tại phiên tòa phúc thẩm, Giang Kim Đạt đã khai ra hành trình 5 năm chạy trốn ở nước ngoài của anh ta.

Bị cáo này khai, sau khi thấy báo chí đăng tin về việc anh ta có ký nháy vào văn bản mua tàu Hoa Sen, vì sợ bị bắt, Giang Kim Đạt đã bỏ trốn sang Campuchia. Một người phụ nữ tên Điệp đã làm hộ chiếu giả cho Đạt dưới cái tên Bùi Đức Thắng.

Với tấm hộ chiếu giả, Giang Kim Đạt trốn sang Campuchia theo đường tiểu ngạch, qua biên giới Tây Ninh.

Dù có nhà trị giá vài triệu USD ở Singapore, nhưng vì hộ chiếu của Giang Kim Đạt ở Singapore chỉ có hạn 1 tháng nên trong thời gian 5 năm lẩn trốn ở nước ngoài, Giang Kim Đạt thường xuyên qua lại giữa Campuchia và Singapore. Cứ mỗi lần hết hạn hộ chiếu, Đạt lại phải quay về Campuchia.

Phiên tòa phúc thẩm xét xử Giang Kim Đạt và đồng phạm

Cũng theo lời khai của bị cáo này, dù anh ta thường xuyên qua lại Singapore, nhưng những lần ông Giang Văn Hiển (bố đẻ Giang Kim Đạt) sang Singapore chữa bệnh, Đạt đều không biết và không liên lạc.

Cắt đứt liên lạc với gia đình trong suốt 5 năm, sau 2 năm bỏ trốn vì sợ liên quan đến phi vụ mua tàu Hoa Sen, Giang Kim Đạt mới biết, trong vụ việc này, anh ta không bị khởi tố.

Cũng theo lời khai của Giang Kim Đạt, trong suốt 5 năm ẩn dật ở Campuchia, anh ta không hề phải làm gì để mưu sinh. "Sau khi bỏ trốn sang Campuchia, mãi sau đọc báo, bị cáo mới biết mình bị truy nã", lời khai của Giang Kim Đạt.

Hiện tại, bị cáo này vẫn còn nhiều tiền ở nước ngoài. "Có khoảng 3 hay 4 tài khoản ở Singapore, còn khoảng vài triệu USD gì đó. Bị cáo có mua 2 nhà ở Singapore, đã bán 1 nhà...", Giang Kim Đạt khai.

Theo lời khai của Đạt, anh ta còn dùng tiền mua bất động sản ở Anh.

Vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho hay, Đạt chuyển tiền từ nước ngoài về cho bố là Giang Văn Hiển mua 22 bất động sản ở TP.HCM, hàng chục bất động sản ở Nha Trang, Hà Nội, Hải Phòng.

Vụ án kê biên được nhiều tài sản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội. Đây là số tài sản lớn nhất từ trước đến nay mà cơ quan chức năng kê biên được.

Thu hồi tài sản để khắc phục hậu quả là rất nhiều, nếu bị cáo kêu oan, tòa xem xét bị cáo có oan hay không. Còn nếu bị cáo nhận tội xin giảm nhẹ tội, HĐXX sẽ xem xét đến mức án.

Không nhận tội

Tại phiên tòa phúc thẩm, Giang Kim Đạt thêm lần nữa phủ nhận lời khai của anh ta tại cơ quan điều tra. Anh ta kêu oan và cho rằng, số tiền kếch xù kiếm được là tiền hợp pháp, là tiền mà các công ty môi giới bán tàu "thưởng" cho anh ta.

Sau khi nhận được tiền từ công ty môi giới nước ngoài, Giang Kim Đạt mang "tiền lộc" cho Trần Văn Liêm.

Trước lời khai này của Đạt, vị chủ tọa công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra: "Việc quyết định mua tàu, Liêm thường gọi Đạt lên phòng chỉ đạo, yêu cầu phải thỏa thuận với phía nước ngoài để được hưởng 1-2% giá trị mua tàu hoặc gửi giá tàu. Sau khi thanh toán xong hợp đồng mua bán tàu thì phải đòi tiền hoa hồng.

Anh Liêm là TGĐ có biết và nắm rõ số tiền cụ thể mà công ty môi giới chuyển về cho tôi".

Nghe vị thẩm phán công bố lời khai của mình, Giang Kim Đạt nói: "Bị cáo có khai thế, nhưng là lời khai không đúng sự thật. Sở dĩ bị cáo phải khai như vậy là do bị ép buộc.

Chủ tòa phiên tòa tiếp tục trích lục lời khai của bị cáo Giang Văn Hiển tại cơ quan điều tra: "Về số tiền mà Đạt được hưởng, thực tế đó là tiền thuộc Vinashinlines. Đạt nhờ bố mở tài khoản vì thu nhập này là bất hợp pháp, hoàn toàn sai trái, phải che giấu...".

Trước lời khai này của bố, bị cáo Đạt cho rằng: "Bố bị cáo khai không đúng sự thật".

Tại tòa, Giang Kim Đạt cho biết, anh ta giữ nguyên kháng cáo kêu oan, mong được tòa xem xét.

Buổi chiều, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.

Tác giả: T.Nhung

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP