Xã hội

Gian truân đường về của những sơn nữ bị lừa bán qua biên giới

Giải cứu phụ nữ bị lừa bán trở về là cả một quá trình khó khăn khi cơ quan Công an không có thông tin, người bị mua bán cũng biến mất một cách kỳ lạ...

Trên những đỉnh núi mờ sương ở vùng cao Bắc Kạn, những cô gái bỗng dưng “mất tích” đã trở thành câu chuyện thường ngày. Họ đi đâu, làm gì khi người dân ở một số huyện vùng cao tự ý xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm ăn, làm thuê ngày một nhiều.

Trong số đó, nhiều sơn nữ đã bị lôi kéo, dụ dỗ và bị bán sang bên kia biên giới nhưng gia đình lại không biết họ đi đâu. Giải cứu phụ nữ bị lừa bán trở về là cả một quá trình khó khăn khi cơ quan Công an không có thông tin, người bị mua bán cũng biến mất một cách kỳ lạ.

Cuộc trùng phùng đầy nước mắt

Trong phòng làm việc của Đội 3, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bắc Kạn), Giàng Văn Kh, trú tại xã Cao Thượng, huyện Ba Bể thấp thỏm đứng ngồi không yên, ánh mắt ngóng ra cửa chờ đợi. Kh đang mong mỏi được nhìn thấy em gái của mình bị mất tích đã lâu. Khi được Phòng Cảnh sát hình sự gọi lên đón em gái vừa được giải cứu từ bên Trung Quốc trở về, Kh vô cùng vui mừng, đã cùng người thân xuống thành phố Bắc Kạn.

Em gái Kh là Giàng Thị Th, 18 tuổi, bị mất tích hơn 1 năm trước. Gia đình không biết Th đi đâu, làm gì, có lúc tưởng chừng tuyệt vọng vì không biết Th còn sống hay đã chết. Bỗng vào một ngày giữa năm 2017, Th gọi điện về nhà nói mình bị lừa bán sang Trung Quốc, hiện đang ở tỉnh Quảng Tây. Quá đỗi vui mừng, gia đình Kh đã báo thông tin này tới cơ quan Công an. Và một thời gian sau, gia đình nhận được tin Th đã được giải cứu trở về.

Cuộc trùng phùng của anh em Kh ngày gặp lại cũng đẫm nước mắt. Tại trụ sở của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bắc Kạn), khi thấy em gái từ trên xe bước xuống, hai anh em ôm chầm lấy nhau khóc. Hình ảnh này đã khiến những người chứng kiến đều xúc động.

Thiếu tá Đỗ Đức Mạnh, Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát hình sự cho biết, sau khi nhận được tin báo của gia đình là Th gọi điện về nhà, qua các biện pháp nghiệp vụ, Đội 3 đã tìm được số điện thoại của Th. Phối hợp với một số Cục nghiệp vụ và Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) từ số điện thoại trên đã biết được địa chỉ nơi Th đang sinh sống ở Quảng Tây (Trung Quốc). Công an tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai, Cục Công an Quảng Tây (Trung Quốc) giải cứu Th.

Giàng Thị Th (ngoài cùng bên phải) gặp lại anh trai và người thân khi vừa được giải cứu về Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Kạn.

Kể về quá trình bị lừa bán, Th cho biết, cách đây 2 năm, cô quen một thanh niên trên mạng Facebook. Sau một thời gian “chát chít” qua lại, người này tỏ tình với Th. Thiếu nữ nhẹ dạ cả tin tưởng gặp được tình yêu đích thực nên đã nhận lời và tin người yêu vô điều kiện. Người này rủ Th lên Lào Cai đi làm lương cao, nhưng vừa tới nơi đã bị người yêu bán sang Trung Quốc. Th bị ép bán vào động mại dâm, sau đó bán làm vợ hờ cho một người đàn ông Trung Quốc.

Ngay sau khi được giải cứu, Th được Tổ chức Rồng Xanh và Sở Lao động, Thương bình và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh Lào Cai tạo điều kiện tìm kiếm việc làm. “Người yêu” trên mạng đã bán Th đến giờ vẫn còn là một ẩn số vì hắn dùng Facebook với tên giả, ảnh giả, khi lừa bán Th xong cũng không sử dụng nữa.

Chỉ có tuyên truyền mới làm thức tỉnh nhận thức

Những trường hợp được giải cứu như Th ở Bắc Kạn không nhiều vì theo Phòng Cảnh sát hình sự thì nhiều gia đình con gái đi mất tích hay đi làm thuê không về nhà cũng không báo cơ quan Công an. Có những nạn nhân bị lừa bán đến chục năm nhưng không liên lạc về gia đình nên cũng không ai biết nạn nhân ở đâu, còn sống hay đã chết. Điều này gây khó khăn cho cơ quan Công an trong quá trình điều tra, xác minh.

Dù được giải cứu về đã hơn chục năm, nhưng mỗi khi nhắc lại những ngày sống trong địa ngục ở động mại dâm bên Trung Quốc, chị Nguyễn Thị M, ở xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, vẫn không khỏi sợ hãi. Thủ phạm lừa bán chị 12 năm sau mới bắt được, đã phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình.

Lê Thị Hà, 38 tuổi, trú tại xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, từng là nạn nhân của tội phạm buôn người, nhưng sau 5 năm bị lừa bán, chị ta trở về quê hương đem theo nung nấu tìm các cô gái trẻ đẹp để lừa bán sang Trung Quốc. Hà đã gặp được chị M khi đó đang trọ học xa nhà và lừa chị M lên Cao Bằng, sau đó đưa sang Trung Quốc bán cho một “má mì”.

Chị M bị đưa vào động mại dâm, bị ép buộc tiếp khách cả ngày. Sau đó, chị may mắn được Công an tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Công an thị xã Móng Cái (nay là TP Móng Cái, Quảng Ninh) và Công an tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) giải cứu trở về. Biết mình bị Công an tỉnh Bắc Kạn ra lệnh truy nã, Hà trốn về Trung Quốc và 12 năm sau chị ta quay về Bắc Kạn thăm em gái thì bị bắt.

Hà khai trước khi lừa bán chị M, chị ta còn lừa người phụ nữ đang nuôi con nhỏ 1 tuổi là Đặng Thị N (ở huyện Chợ Đồn) và đưa cả 2 mẹ con chị N sang Trung Quốc để bán. Tiếp đó, chị ta còn lừa bán nhiều nạn nhân nhẹ dạ, cả tin nữa. Và số phận những người phụ nữ này đến nay vẫn chưa rõ tung tích.

Theo Thiếu tá Đỗ Đức Mạnh thì những vụ thiếu nữ vùng cao bị lừa bán đa phần là quen biết các đối tượng qua mạng xã hội và chủ yếu đối tượng là người dân tộc Mông. Khi sử dụng mạng xã hội, chúng lấy tên giả, ảnh giả, thậm chí trò chuyện với nhau bằng chữ Mông. Một bộ phận thiếu nữ dân tộc Mông khi được đối tượng người Mông làm quen qua mạng xã hội rất dễ dàng tin tưởng và dễ bị dụ dỗ, lừa bán.

Trung tá Nguyễn Văn Huấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bắc Kạn) cho biết, trên địa bàn Bắc Kạn chưa phát hiện có đường dây đưa người lao động ra nước ngoài trái phép. Tuy nhiên, thời gian qua đã phát hiện có một số người tự ý xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm ăn hoặc do sự quen biết của một số người đã từng xuất cảnh trái phép trước đó, khi về nước đã rủ rê, lôi kéo đi theo làm ăn, lao động làm thuê.

Có xã ở huyện Ngân Sơn, Pác Nặm, Chợ Đồn có tới hàng trăm người đi lao động thuê ở Trung Quốc, trong đó có nhiều người liên quan đến mua bán người tại các huyện nói trên. Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Sở LĐ,TB&XH, chính quyền các xã tuyên truyền cho quần chúng nhân dân biết phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền còn lỗ hổng lớn do mỗi đợt tuyên truyền pháp luật ở thôn, xóm, bản, làng, các gia đình chỉ có người đại diện đi (có gia đình ông, bà đi), trong đó đối tượng thanh thiếu niên dễ bị dụ dỗi, lôi kéo nhất thì lại không đi. Người đi nghe về không truyền đạt lại, người ở nhà không hỏi, dẫn đến việc nắm bắt nguy cơ, phương thức, thủ đoạn và cảnh báo thì đối tượng ở lứa tuổi thanh thiếu niên không nắm bắt được…

Do vậy, để phòng ngừa tội phạm mua bán người, tuyên truyền vẫn là hình thức mang lại hiệu quả cao nhất đối với các huyện vùng cao Bắc Kạn nhưng phải thay đổi hình thức, để đối tượng dễ bị mua bán, dụ dỗ phải là người được tiếp cận thông tin cảnh báo đầu tiên, trực tiếp và dễ hiểu nhất.

Tác giả: Trần Hằng – Nguyễn Hương

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP