Pháp luật

Giám đốc lập hợp đồng khống, “rút ruột” ngân hàng

Cựu Giám đốc doanh nghiệp đã cấu kết với các công ty khác để lập hàng loạt giấy tờ khống như: hợp đồng mua bán thép, hóa đơn giá trị gia tăng, biên bản giao nhận hàng hóa, biên bản kiểm kê tài sản… rồi dùng các tài liệu này hợp thức hóa những bộ hồ sơ vay vốn ngân hàng, sau đó chiếm đoạt số tiền lên tới gần 20 tỷ đồng.

Các bị cáo trước vành móng ngựa

Hôm qua (11/4), TAND TP Hà Nội đã mở phiên xét xử hình sự sơ thẩm đối với 4 bị cáo: Khuất Văn Phú (SN 1963, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội), nguyên Giám đốc Công ty TNHH Phú Dương; Hoàng Tuấn Lê (SN 1982, trú tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), nguyên Phó Giám đốc Cty TNHH Tân Nghệ An; Lê Anh Nguyên (SN 1974, trú tại quận 8, TP HCM), nguyên Giám đốc Cty TNHH Thương mại và Tư vấn Lê Tôn và Nguyễn Văn Ngọc (SN 1976, trú tại quận 2, TP Hồ Chí Minh), nguyên Giám đốc Cty Thép Mới đồng thời là Phó Giám đốc Cty Tân Nghệ An.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2008 đến tháng 4/2009, Khuất Văn Phú đã dùng thủ đoạn gian dối để ký hợp đồng mua bán thép khống giữa Công ty Phú Dương với Cty TNHH Tân Nghệ An, Cty CP Thép Mới và Cty TNHH Thương mại và Tư vấn Lê Tôn.

Cụ thể, vào năm 2007, Cty Phú Dương được Ngân hàng TMCP Quốc tế tại Hà Nội (VIB Hà Nội) cấp hạn mức tín dụng 50 tỷ đồng. Đến năm 2008, Phú đã bàn bạc với Hoàng Tuấn Lê và Nguyễn Văn Ngọc để ký khống hợp đồng mua bán thép, lập khống biên bản giao nhận hàng hóa, lập khống 3 phiếu thu tiền. Sau đó, Phú đã sử dụng các giấy tờ khống này để đưa vào hồ sơ vay vốn và được VIB giải ngân gần 11 tỷ đồng, tài sản thế chấp là một xe ô tô và gần 1.300 tấn thép các loại.

Tuy nhiên, do hợp đồng mua bán khống nên thực chất tài sản bảo đảm 1.300 tấn thép không có thật. VIB Hà Nội đã giải ngân số tiền vay vào tài khoản của Cty Tân Nghệ An mở tại Techcombank, sau đó Cty Tân Nghệ An đã chuyển lại số tiền vào tài khoản của Cty Phú Dương. Khuất Văn Phú dùng số tiền này để trả nợ cho Techcombank.

Tiếp đó, vào ngày 28/2/2008, Cty Phú Dương do Phú đại diện đã ký Hợp đồng hạn mức tín dụng với Ngân hàng SHB Hà Nội, tài sản bảo đảm là hàng hóa tồn kho và hàng hóa hình thành từ vốn vay. Trên cơ sở hợp đồng này, Cty Phú Dương đã ký kết một số khế ước vay tiền nhưng đến nay không còn khả năng thanh toán đồng thời không còn tài sản thế chấp đảm bảo cho khoản vay.

Theo đó, Phú đã bàn bạc, thỏa thuận thống nhất với Ngọc là lập hồ sơ vay tiền ngân hàng để Phú lấy tiền trả nợ. Ngày 11/9/2008, Cty Phú Dương đã ký hợp đồng mua bán thép khống với Cty Thép Mới do Ngọc làm đại diện với số lượng 1,75 triệu kg thép tấm cán nóng, tổng giá trị hợp đồng là 23,1 tỷ. Ngày 12/9 và 13/9/2008, Cty Thép Mới lập 2 phiếu thu khống và xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống, lập khống biên bản giao nhận hàng hóa.

Phú đã sử dụng các chứng từ để hợp thức hóa bộ hồ sơ đề nghị SHB Hà Nội cho Cty Phú Dương vay 16.170.000.000 đồng. Sau khi được SHB Hà Nội giải ngân số tiền trên, Phú đã sử dụng số tiền này để mua đôla trả nợ cho Ngân hàng Techcombank Chi nhánh Tân Bình, TP HCM. Khuất Văn Phú đã khắc phục được cho SHB Hà Nội số tiền là 14.077.000.000 đồng, còn nợ 2.093.000.000 đồng.

Giúp sức cho Phú chiếm đoạt tiền của ngân hàng, Hoàng Tuấn Lê đã ký khống biên bản kiểm kê hàng hóa gửi kho, hợp đồng thuế kho ba bên để Phú hợp thức hóa bộ hồ sơ vay tiền và chiếm đoạt 2.093.000.000 đồng.

Còn Nguyễn Văn Ngọc đã ký khống Hợp đồng mua bán thép, lập khống 2 phiếu thu tiền, xuất khống hóa đơn giá trị gia tăng để nhằm giúp Phú sử dụng các tài liệu và chứng từ này hợp thức hóa bộ hồ sơ khống vay tiền để Phú dùng số tiền này trả nợ cho Ngân hàng Techcombank chi nhánh Tân Bình, TP HCM. Ngày 9/2/2017, Nguyễn Văn Ngọc đã tự nguyện nộp số tiền 2.093.000.000 đồng cho SHB Hà Nội.

Tiếp đó, vào tháng 10/2008, Cty Phú Dương đã được Ngân hàng SHB Hà Nội giải ngân 13,9 tỷ đồng, cho vay theo hợp đồng mua bán thép với Cty Lê Tôn, mua 1,58 triệu kg thép tấm cán nóng trị giá gần 20 tỷ đồng. Sau đó, Cty Lê Tôn đã xuất khống hóa đơn giá trị gia tăng, lập biên bản giao nhận hàng hóa khống, lập biên bản kiểm kê tài sản gửi kho, hợp đồng thuê kho ba bên… để Phú đưa vào hồ sơ vay vốn. Hậu quả là Cty Phú Dương không có khả năng trả nợ.

Ngoài ra, quá trình điều tra đã xác định được một số cán bộ của Ngân hàng VIB và một số ngân hàng khác là những người đã tiếp nhận, nghiên cứu thẩm định hồ sơ, kiểm tra tài sản đảm bảo và ký duyệt giải ngân cho Cty Phú Dương vay vốn. Các cán bộ, nhân viên này đã thực hiện kiểm tra thực tế tài sản đảm bảo nhưng không phát hiện ra hành vi gian dối, lập khống hồ sơ để vay và chiếm đoạt tài sản ngân hàng của Khuất Văn Phú. Tuy nhiên, sau khi phát hiện hành vi gian dối thì các cán bộ đã chủ động tố giác tội phạm. Vì vậy, cơ quan điều tra không xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự của các cán bộ này.

Cũng trong quá trình điều tra, VIB Hà Nội đã rút đơn tố cáo nên Khuất Văn Phú không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này. Do vậy, các bị cáo Khuất Văn Phú, Hoàng Tuấn Lê, Lê Anh Nguyên và Nguyễn Văn Ngọc bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, do bị hại vắng mặt và nhận thấy tài liệu điều tra bổ sung còn nhiều vấn đề cần làm rõ nên HĐXX TAND TP Hà Nội đã quyết định tạm hoãn phiên tòa.

Tác giả bài viết: Kim Quy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP