Giáo dục

Giảm 1/3 đầu điểm kiểm tra học kỳ II cho cấp THCS, THPT

Bộ GD-ĐT yêu cầu đẩy mạnh hoạt động đánh giá thường xuyên bằng các hình thức: vấn đáp; phỏng vấn; kiểm tra ngắn/nhanh dạng viết hoặc trên máy tính; báo cáo thuyết trình; kết quả/sản phẩm học tập (bài viết, bài tập về nhà, tiểu luận, viết báo cáo…).

Bộ GD-ĐT giảm 1/3 đầu điểm kiểm tra học kỳ II đối với cấp THCS và THPT năm học 2019- 2020

Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn kiểm tra, đánh giá học kỳ 2 năm học 2019-2020 với các cơ sở giáo dục có thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở (THCS), cấp trung học phổ thông (THPT).

Theo đó, đối với số lần kiểm tra cho điểm (đầu điểm) thường xuyên và kiểm tra định kỳ, giảm 1/3 số đầu điểm, Bộ yêu cầu bảo đảm đối với kiểm tra thường xuyên, môn học có từ 1 tiết trở xuống/tuần thì ít nhất 1 đầu điểm; môn học có từ trên 1 tiết đến dưới 3 tiết/tuần, ít nhất 2 đầu điểm; môn học có từ 3 tiết trở lên/tuần, ít nhất 3 đầu điểm.

Đối với kiểm tra định kỳ, môn học có từ 2 tiết trở xuống/tuần thì ít nhất 1 đầu điểm; môn học có từ trên 2 tiết /tuần ít nhất 2 đầu điểm.

Đối với các lớp học theo mô hình trường học mới, thực hiện việc đánh giá định kỳ theo hướng dẫn thực hiện một số quy định về đánh giá học sinh THCS mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đánh giá thường xuyên bằng các hình thức: vấn đáp; phỏng vấn; kiểm tra ngắn/nhanh dạng viết hoặc trên máy tính; báo cáo thuyết trình; kết quả/sản phẩm học tập (bài viết, bài tập về nhà, tiểu luận, viết báo cáo…).

Đối với hoạt động giáo dục nghề phổ thông ở lớp 11 và các hoạt động giáo dục khác, Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh nội dung dạy học, thời gian dạy học và kiểm tra, đánh giá phù hợp với thực tế của cơ sở giáo dục.

Trước đó, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn cụ thể về các nội dung tinh giản trong học kỳ II.

Liên quan đến việc ngành giáo dục chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học khi điều kiện cho phép, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, để đảm bảo an toàn cho học sinh, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã có công văn số 550/BGDĐT-GDTC về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học, trong đó hướng dẫn chi tiết về trường học an toàn.

Theo đó, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn học sinh trước, trong và sau khi đến trường cần làm gì, thực hiện các giải pháp ra sao và sau khi tan học về nhà làm thế nào để an toàn với dịch.

Cụ thể, đối với học sinh trước khi đến trường cần được thăm khám sức khỏe, đặc biệt trường học phải tiến hành đo thân nhiệt để đảm bảo học sinh đến trường với thân nhiệt cơ thể tốt; Trường học phải có đủ nơi rửa tay, nước khử khuẩn cho học sinh; Học sinh phải đeo khẩu trang, không nhất thiết là khẩu trang y tế, mà có thể là khẩu trang vải kháng khuẩn.

Ngoài ra, không tổ chức cho học sinh các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể; các hoạt động chào cờ thì diễn ra trong lớp học; Học sinh giữ khoảng cách ngồi là 1,5m và phải tách lớp học. Những trường có lớp học sĩ số học sinh quá đông phải tách làm đôi hoặc hơn nữa để đảm bảo trong phòng học không quá 20 em.

Tuy nhiên, yêu cầu học sinh giữ khoảng cách ngồi là 1,5m và phải tách lớp học có thể không khả thi ở những đô thị lớn, đơn cử như Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, các trường học trên địa bàn Hà Nội tập trung rất đông học sinh, trung bình khoảng 45 học sinh/lớp. Do đó, nếu sắp xếp không quá 20 học sinh/lớp, nhiều trường học trên địa bàn thành phố phải tổ chức học 3 ca/ngày là không khả thi. Hà Nội có thể tổ chức cho học sinh học 2 ca/ngày, nhưng sĩ số mỗi lớp có thể nhiều hơn số lượng 20 học sinh trên cơ sở tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, không để dịch Covid-19 lây lan trong trường học.

Hà Nội đề nghị Bộ GD-ĐT xây dựng phương án đón học sinh trở lại trường học theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề xuất cho học sinh THCS, THPT đi học từ ngày 4-5; Học sinh mẫu giáo và tiểu học đi học sau đó 1 tuần, tức ngày 11-5.

Tác giả: Phan Thảo

Nguồn tin: Báo Sài Gòn giải phóng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP