Trong tỉnh

Giải trình các sai phạm tại một số BQL rừng phòng hộ ở Nghệ An

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn thống nhất với ý kiến của các đại biểu tại phiên giải trình về những tồn tại, bất cập và các lỗ hổng dẫn đến những sai phạm, vi phạm tại các ban quản lý rừng phòng hộ, tuy nhiên không thể không nhắc đến vai trò của chính quyền, lực lượng kiểm lâm, các cơ quan thanh tra – kiểm tra chuyên ngành.

Chiều nay, (7/5) dưới sự chủ trì của đ/c Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã nghe giải trình về các sai phạm tại một số Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cùng dự có các đ/c trong BTV Tỉnh ủy: Cao Thị Hiền – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường.

Toàn cảnh phiên họp.

Tỉnh Nghệ An hiện có 11 Ban quản lý rừng phòng hộ. Giai đoạn 2016 – 2019, đã xảy ra 10 vụ phá rừng trái phép. Có 10 đơn vị Ban quản lý rừng phòng hộ để xảy ra các sai phạm về quản lý tài chính. Cơ quan điều tra các cấp đã tiến hành khởi tố một số vụ án xử lý theo quy định của pháp luật. Các đại biểu cho rằng, bên cạnh xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân cũng cần đặt ra trách nhiệm về quản lý nhà nước; hiệu lực, hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra. Đại biểu cũng đề nghị ngành giải quyết tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ diễn ra tại nhiều địa phương nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để.

Các đại biểu nêu chất vấn tại cuộc họp.

Đại diện công an tỉnh cho rằng, vi phạm tại các Ban quản lý rừng phòng hộ có trách nhiệm rất lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, ngành phụ trách; các cơ quan tranh tra, kiểm tra… Bởi trong số hơn 10 vụ việc khởi tố chỉ có 1 vụ do cơ quan thanh tra chuyển sang. Còn lại là xuất phát từ thông tin của nhân dân và các cơ quan báo chí phanh phui.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT đã báo cáo giải trình về sai phạm tại các Ban quản lý rừng phòng hộ.

Thừa nhận trách nhiệm của ngành và trực tiếp là các Ban quản lý rừng phòng hộ, đại diện Sở NN & PTNT cũng cho rằng: công tác bảo vệ rừng đang gặp rất nhiều khó khăn, hiện toàn tỉnh còn thiếu khoảng 300 biên chế; nguồn thu của các đơn vị không đủ để trang trải cho các hợp đồng bảo vệ rừng. Bên cạnh đó là sự yếu kém trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp diễn ra trong một thời gian dài, dẫn đến tình trạng người dân tranh chấp, lấn chiếm, khai thác rừng trái phép.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ rõ 3 nội dung mà ngành Nông nghiệp cần phải làm trong thời gian tới.

Chia sẻ với những khó khăn trong công tác bảo vệ rừng hiện nay, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn cũng thống nhất với ý kiến của các đại biểu tại phiên giải trình về những tồn tại, bất cập và các lỗ hổng dẫn đến những sai phạm, vi phạm tại các ban quản lý rừng phòng hộ. Bên cạnh đó không thể không nhắc đến vai trò của chính quyền, lực lượng kiểm lâm, các cơ quan thanh tra – kiểm tra chuyên ngành.

Một khu vực rừng bị chặt phá thuộc địa bàn xã Châu Thuận. (Tư liệu)

Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ rõ 3 nội dung mà ngành Nông nghiệp cần phải làm trong thời gian tới: đó là xem xét để điều chỉnh về nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban quản lý rừng phòng hộ; hành lang pháp lý để tạo điều kiện các đơn vị thực hiện tự chủ. Sau kiểm tra, thanh tra phải công khai, minh bạch kết quả để giám sát, xử lý các sai phạm một cách nghiêm túc, triệt để. Ngành nông nghiệp cũng phải sơm rà soát tổng thể và từng địa bàn để thống nhất số liệu quản lý rừng trong hồ sơ và trên thực địa. Đối với các Ban quản lý rừng phòng hộ phải nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ bảo vệ rừng; tăng cường công tác tuần tra, xác định các địa bàn trọng tâm trọng điểm; kịp thời phát hiện vi phạm để xử lý; triển khai tốt các chính sách lâm nghiệp theo quy định hiện hành. Đối với chính quyền các cấp, các lực lượng liên quan, theo chức năng nhiệm vụ phải phối hợp có hiệu quả với các Ban quản lý rừng phòng hộ để bảo vệ tốt hơn các diện tích rừng hiện có của Nghệ An.

Tác giả: Thái Dương – Hữu Song

Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP