Giáo dục

Giải quyết việc thừa giáo viên các cấp học trước 30-10

Xem xét cho giáo viên không đảm bảo yêu cầu giảng dạy nghỉ hưu sớm, bỏ xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh THCS và PTTH, giáo viên ra đề thi THPT, học sinh giỏi được tăng tiền công… là những quy định mới liên quan đến giáo viên mới được ban hành.

Công văn 3397/BGDĐT-NGCBQLGD nhằm giải quyết tình trạng thừa giáo viên các cấp học phổ thông mới được ban hành nêu rõ, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải giải quyết triệt để tình trạng thừa giáo viên tại cấp học, môn học này nhưng cấp học, môn học khác lại thiếu giáo viên.

Tại Công văn này, Bộ Giáo dục yêu cầu rà soát số lượng, cơ cấu và độ tuổi giáo viên dư thừa và đưa ra 3 phương án xử lý tình trạng thừa giáo viên gồm:

Điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu trong đó sẽ ưu tiên cùng cấp học, môn học sau đó là đến cùng xã, cùng huyện, trong tỉnh.

Giáo viên vẫn đang trong độ tuổi công tác, có năng lực, nguyện vọng phù hợp với nhu cầu của các trường thì sẽ đặt hàng để tạo điều kiện cho số giáo viên này đi học văn bằng hai, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đủ điều kiện dạy môn còn thiếu, môn tích hợp.

Giáo viên sức khỏe yếu, tuổi hoặc vì nguyên nhân khác mà không đảm bảo yêu cầu giảng dạy thì xem xét điều chuyển vị trí từ giáo viên sang nhân viên trường học như nhân viên thiết bị, thí nghiệm, thư viện… hoặc bố trí cho các giáo viên này nghỉ hưu sớm.

Cũng theo Công văn này, Bộ GD&ĐT yêu cầu giải quyết tình trạng thừa giáo viên trước 30-10-2021.

Nhiều quy định mới liên quan đến giáo viên, giáo dục mới được ban hành (ảnh minh họa)

Thông tư 69/2021/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông.

Theo đó, so với mức chi tiền công ra đề thi trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (viết tắt là THPT), thi học sinh giỏi cấp quốc gia, thi chọn học sinh vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế nêu tại Thông tư liên tịch số 66 năm 2012 thì tại Thông tư 69 này đều tăng.

Cụ thể, với thi tốt nghiệp THPT cao nhất đến 600.000 đồng/đề; Thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia cao nhất đến 1 triệu đồng/đề theo phân môn; Thi chọn học sinh vào đội tuyển quốc gia dự thi cao nhất đến 1,5 triệu đồng/đề theo phân môn.

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT nêu rõ, từ 5-9, học sinh THCS và THPT không xếp loại hạnh kiểm mà thay vào đó sẽ đánh giá kết quả rèn luyện trong từng học kỳ và năm học với các mức độ: Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt (xếp loại hạnh kiểm theo quy định cũ gồm 4 loại: Tốt, Khá, Trung bình và Yếu).

Việc đánh giá kết quả rèn luyện này được căn cứ vào yêu cầu về phẩm chất chủ yếu cũng như năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học và năng lực đặc thù. Qua đó, đánh giá sự tiến bộ, ưu, nhược điểm của học sinh.

Không chỉ bỏ xếp loại hạnh kiểm mà Thông tư 22 còn thay đổi các tiêu chuẩn xếp loại học kỳ cũng như xếp loại cả năm học. Cụ thể, Bộ Giáo dục chỉ quy định học sinh được đánh giá theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt.

Bên cạnh đó, Điều 5 Thông tư 22 còn quy định hai hình thức đánh giá của giáo viên dành cho học sinh THCS, THPT là đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số. Trong đó:

- Đánh giá bằng nhận xét: Giáo viên có thể đánh giá, nhận xét thông qua nói hoặc viết về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện, học tập của học sinh; ưu điểm, tiến bộ, nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập…

- Đánh giá bằng điểm số: Kết quả rèn luyện và học tập của học sinh sẽ được giáo viên dùng điểm số để đánh giá, được dùng trong đánh giá thường xuyên, định kỳ phù hợp với đặc thù của từng môn học.

Tác giả: L.H

Nguồn tin: anninhthudo.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP