Thể thao

"Giá trị" khó tin của đại chiến Man United vs Leicester

Tối nay, Man United đụng độ Leicester trong trận tranh Siêu cúp Anh. Nghe thì có vẻ rất hoành tráng, nhưng thực tế thì người Anh coi đây là một trận đấu… vô nghĩa.

1. Trước thềm trận tranh Siêu cúp Anh 2016, một vài đầu báo ở Anh đăng tải đề xuất: Tại sao không xuất khẩu trận Community Shield, tức là mang trận đấu này sang một nước thứ 3 để thi đấu.

Hãy cứ thử hình dung nếu Man United chơi trận tranh siêu cúp Anh với Leicester tại Malaysia, Indonesia hay Việt Nam, có lẽ NHM các quốc gia này coi trận đấu ấy long trọng chẳng kém gì… chung kết Champions League.

Với miếng bánh ấy, Premier League có thể thu tiền vé, tiền bản quyền, tiền quảng cáo, tài trợ. Các cầu thủ cũng tranh thủ kiếm một chuyến du lịch. Nói chung là lợi đủ đường.

Thế giới đã từng làm điều này, không chỉ vài lần, mà liên tục. Người Italia mang trận Siêu cúp Italia sang tận Libya, Mỹ, Qatar hay thậm chí cả Trung Quốc để thi đấu.

Nước Pháp cũng coi trận Siêu cúp là một món hàng để xuất khẩu. Bằng chứng là trong 8 trận tranh siêu cúp Pháp gần đây, có tới 7 lần nó diễn ra ở nước ngoài. Tiền bạc thu về không phải là ít.

Vậy tại sao người Anh không xuất khẩu Community Shield?

Nếu mang trận Man United vs Leicester tới ĐNÁ, thì đó sẽ là 1 ngày hội thực sự.


Người lạc quan thì nghĩ thế này: Nước Anh, quê hương của bóng đá, đầy lòng tự tôn. Community Shield là của người Anh và nó sẽ mãi mãi thuộc về người Anh.

Họ sẽ không vì đồng tiền mà làm giảm giá trị một trận đấu bằng cách bắt 2 CLB sang nước khác thi đấu như thể mang một gánh xiếc đi lưu diễn.

Người Anh vẫn có tâm lý theo kiểu quý tộc, thanh cao như vậy. FA Cup có tuổi đời cả trăm năm, nhưng nhà tài trợ thì phải gần đây mới xuất hiện.

2. Tuy nhiên thực tế có mỹ miều như vậy hay không?

Trước thềm trận tranh Community Shield năm 2008, Sir Alex Ferguson, khi được hỏi về tầm quan trọng của trận đấu đã huỵch toẹt: "Chúng tôi không bao giờ coi đây là trận đấu sống chết cả. Đối với tôi, Community Shield chỉ là một màn rèn luyện thể lực, kiểm tra thể trạng mà thôi".

Thực tế thì chẳng riêng gì Sir Alex coi thường trận tranh Siêu cúp Anh. Đến cả BLV nổi tiếng Mark Lawrenson cũng công khai nói trên cả truyền hình: Community Shield chỉ là một trận giao hữu mà thôi.

Bây giờ thì chúng ta lý giải tại sao Liên đoàn bóng đá Anh không xuất khẩu Community Shield rồi chứ? Vì chính họ cũng không coi đây là một món hàng có giá trị kinh doanh.

Người Anh coi trận Siêu cúp không có giá trị.


Premier League là một trong những giải đấu đầu tiên trong lịch sử biết cách kiếm tiền nhờ bán các thương hiệu ra thị trường nước ngoài. Ngay từ những năm 1992, giải hạng Nhất Anh được biến thành Ngoại hạng Anh cũng chỉ là bước đệm để sản phẩm này được bán sang thị trường châu Á.

Nói về khía cạnh kinh doanh, người Anh không bỏ xót một món hàng nào. Từ khi thế giới chưa biết bán thương hiệu là gì, Man United đã xuất hiện chễm chệ ở Thái Lan.

Community Shield có giá trị quá thấp để được coi là một món hàng, vậy nên người Anh cũng chẳng thiết tha gì chuyện đem nó ra kinh doanh. Thôi cứ truyền thống: coi trận đấu này là dấu hiệu báo trước một mùa bóng mới sắp bắt đầu.

Jose Mourinho 2 lần bị sa thải sau khi thua tại Siêu cúp Anh.


3. Tuy không có nhiều giá trị về tiền bạc, nhưng Community Shield lại mang trong nó một lời nguyền dành cho kẻ thất bại.

Theo thống kê, 9/10 đội thua trong các trận tranh Siêu cúp Anh gần đây đều thất bại ở mùa bóng năm đó. CLB duy nhất thua ở trận giao hữu hạng sang này nhưng vẫn vô địch Premier League là Man City năm 2011.

Với cá nhân Jose Mourinho, lời nguyền này còn đáng sợ hơn. Có lẽ không nhiều người để ý chi tiết: Ở cả 2 lần gần nhất chịu thua trong các trận tranh Siêu cúp Anh, Mourinho đều bị… sa thải không lâu sau đó.

Đây có lẽ là yếu tố duy nhất buộc 2 CLB góp mặt trong trận đấu này phải quyết thắng: không ai muốn bước vào một giải đấu mới với vận xui đeo bám cả. Community Shield vì yếu tố này vẫn rất đáng xem. Còn chuyện người Anh coi nó chẳng ra gì lại là chuyện của… riêng họ.

Tác giả bài viết: Bảo Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP