Kinh tế

Giá lợn tăng phi mã, tư lệnh ngành hay bà nội trợ phải giải bài toán khó hơn?

Năm 2017, giá lợn giảm không phanh khiến hàng triệu nông dân điêu đứng, bán lợn, đóng chuồng, thậm chí phá sản. 3 năm sau, giá lợn như con ngựa bất kham, dù vị tư lệnh ngành nông nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp để giải bài toán khó nhằn này. Còn người tiêu dùng, họ vẫn loay hoay với bài toán chi tiêu của chính mình mỗi lần cầm tiền ra chợ.

- Giá lợn nay bao nhiêu vậy cô?

- Nạc vai trăm tám, ba chỉ trăm rưỡi, sườn nay rẻ lấy trăm bảy thôi - tiếng cô bán hàng ráo hoảnh cùng nhịp thái thịt cho khách.

- Sao thời sự bảo đợt này giảm giá rồi cơ mà, vẫn đắt vậy?

- Muốn rẻ thì lên ti vi mà mua.

Đứng trước sạp hàng thịt lợn, chị Yến đang phân vân xem nên chi tiền mua mấy lạng thịt ba chỉ đổi bữa hay mua sườn rim làm phần thưởng điểm 10 cho đứa nhỏ thì nhận được điện thoại của chồng: “Nay có vợ chồng bác cả sang chơi, em chuẩn bị đồ ăn nhé”. Chẳng còn nghĩ ngợi nhiều, chị Yến quay ngoắt xe sang hàng thịt gà, gọi ngay con gà gần 3kg về vừa làm lẩu vừa nộm gà xé phay, giá tiền cũng chỉ ngang ngửa mấy giẻ sườn non.

Chị Yến hay hàng triệu bà nội trợ khác, họ đã trở thành chuyên gia tài chính ngay khi áp lực cơm áo gạo tiền đè trên vai, mà không cần đợi vị lãnh đạo nào đó định hướng “giá lợn đắt thì ăn thịt gà”, càng không thể đợi các bộ ngành phối hợp, chỉ đạo chính sách để hạ nhiệt giá lợn trong nước.

Trên mạng xã hội, đâu đó trong một group dành cho phụ nữ, bên cạnh những post chia sẻ về mỹ phẩm, quần áo lèo tèo người xem, một mâm cơm đủ canh rau, thịt lợn, món chính món phụ giật tít: “Mâm cơm 4 người giá 60.000 đồng” nhận được hàng nghìn lượt thích, hàng trăm lượt bình luận.

Giá lợn đắt ngang "vàng ròng"

Từ khi nào, giá lợn lại trở thành “vàng ròng” trên mâm cơm đến như vậy? Từ khi nào, thịt gà vốn dành cho ngày lễ tết, thịt bò, hải sản vốn chỉ mua để đổi bữa vài lần lại trở thành món ăn thay thế cho thịt lợn?

Từ khi nào, giá lợn bất chấp những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, liên bộ, đến địa phương, vẫn như con ngựa bất kham nhất định không chịu giảm?

Từ khi nào, số lượng kết quả tìm kiếm trên Google về “giá lợn hôm nay” còn cao hơn cả “giá vàng hôm nay” hay “giá đô la hôm nay”?

Và từ khi nào, Bộ trưởng bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phải giải trình trước Quốc hội về món ăn trên mâm cơm của dân, chứ không phải những chỉ đạo mang tính chính sách, điều tiết thị trường?

Theo lý thuyết kinh tế học, giá cả của hàng hóa phụ thuộc vào hai yếu tố chính, đó là cung – cầu. Bất kể yếu tố nào tác động đến thành tố “cung” hoặc “cầu” sản phẩm thì đều có tác động đến giá của một sản phẩm. Nếu tổng cung tăng hoặc tổng cầu giảm, giá hàng hóa sẽ giảm. Ngược lại, nếu tổng cung giảm hoặc tổng cầu tăng, giá hàng hóa sẽ tăng.

Sở dĩ, giá thịt lợn tăng phi mã hơn 1 năm qua (từ mức 45.000 đồng/kg lợn hơi hồi tháng 2/2019 lên gấp đôi – khoảng 90.000 đồng/kg lợn hơi vào tháng 6/2020), nói đơn giản nhất là do nguồn cung giảm mạnh. Thịt lợn vốn không phải mặt hàng thiết yếu, không thể thay thế của người dân nên lượng cầu trong nước nhiều năm trở lại đây không có yếu tố tác động bất thường.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng NN&PTNT đưa ra ba giải pháp giải quyết bài toán giá lợn: đẩy nhanh tái đàn, đa dạng rổ thực phẩm ngoài thịt heo và rà soát tình trạng đẩy giá thịt heo ở khâu thương lái, phân phối.

Tuy vậy, theo tôi, đó vẫn là giải pháp tình thế, chỉ giải quyết phần ngọn vấn đề như các giải pháp đã áp dụng thời gian qua như tăng cường nhập khẩu thịt lợn hay định hướng thị trường thay đổi thói quen sang ăn thịt gà, bò, tôm, cá... hơn là ăn thịt lợn.

Mấu chốt vấn đề vẫn là phải đảm bảo an ninh lương thực bền vững, không để xảy ra tình trạng giá lợn tăng phi mã khiến người tiêu dùng hoang mang hay lao dốc không phanh như hồi năm 2017 khiến nông dân chăn nuôi phải gạt nước mắt đóng cửa chuồng, vỡ nợ vì lợn.

Và vấn đề căn cơ của ngành nông nghiệp nhiều năm nay, không chỉ là bài toán xảy ra với thịt lợn mà là đối với tất cả các mặt hàng nông sản khác. Cho đến nay, vẫn chưa có lời giải nào thỏa đáng nhất.

Chúng ta đã có bài học đắt giá khi giá lợn giảm sâu vào năm 2017, người ta mổ xẻ, phân tích, đưa ra nhiều giải pháp để giá lợn tăng.

Đến năm 2020, lại tiếp tục ngồi mổ xẻ, bàn luận, đưa ra chính sách để giá lợn giảm. Trong khi thực tế, từ cửa chuồng đến trại giết mổ, lên sạp hàng ngoài chợ hay mâm cơm gia đình, giá lợn cứ tăng theo từng khâu, từng khâu.

Liệu sau này, đến thịt gà, thịt bò hay tôm, cá cũng đua nhau tăng giảm bất thường, chắc hẳn các vị tư lệnh ngành lại phải đau đầu tìm nguyên nhân rồi đưa ra giải pháp tình thế? Và rằng, chị Yến hay hàng triệu người tiêu dùng sau này vẫn nhận được câu trả lời nghe ráo hoảnh “muốn rẻ thì lên ti vi mà mua

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tác giả: Hoa Liên

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP