Xã hội

Gánh nợ cao, lãng phí nhiều

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới sau 5 năm thực hiện đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn cả nước, với nhiều công trình về cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc và qua tìm hiểu thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai chương trình này đã nảy sinh nhiều bất cập, cần được xử lý, giải quyết kịp thời.

Nhiều đường giao thông nông thôn được xây dựng nhưng phần lớn kinh phí do người dân đóng góp. Ảnh: VĂN THÁI

Bài 1

Nợ nhiều vì chạy theo thành tích

Trước “sức ép” hoàn thành các tiêu chí trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương phải tự xoay xở, tìm mọi cách để huy động các nguồn vốn phục vụ chương trình, dẫn đến các khoản nợ không có khả năng thanh toán,…

Nợ đọng tại hầu hết các xã

Đưa chúng tôi đi thăm các công trình mới xây dựng trên con đường giao thông nông thôn trải bê-tông sạch đẹp, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tiên (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) Hoàng Phú Thọ giới thiệu, cùng với các công trình nhà văn hóa, trường học, trạm y tế…, đến nay xã đã bê-tông hóa và cấp phối toàn bộ 4,2 km đường liên xã, 8,65 km đường xã, gần 24 km đường thôn ngõ xóm. Với nỗ lực của chính quyền và người dân, tháng 9-2015, xã đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên, Quảng Tiên cũng là một trong hai xã có số tiền nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nhất tỉnh, với hơn 22 tỷ đồng. Hiện nay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền xã là huy động nguồn lực để trả số nợ trên, nhưng rất khó khăn.

Tại Lộc Ninh, một trong hai xã cuối cùng của TP Đồng Hới (Quảng Bình) được công nhận xã NTM năm 2015, để tiêu chí về xây dựng hạ tầng hoàn thành theo kế hoạch, địa phương buộc tự xoay xở nhằm bảo đảm theo quy định, công trình nào bố trí được 35% tổng nguồn vốn thì khởi công xây dựng, phần còn lại xin... nợ doanh nghiệp. Do vậy, hiện số vốn nợ đọng xây dựng các công trình trên địa bàn xã lên đến hơn 12,2 tỷ đồng, trong đó riêng các công trình thuộc chương trình xây dựng NTM do xã làm chủ đầu tư nợ gần bảy tỷ đồng. Qua tìm hiểu tại tỉnh Quảng Bình cho thấy, đến nay mới có 30 xã đạt chuẩn NTM, nhưng số tiền nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc chương trình xây dựng NTM là 470 tỷ đồng, trong đó, tiền nợ đọng của các xã đạt chuẩn NTM hơn 252 tỷ đồng.

Tỉnh Nghệ An, một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng NTM, nhưng cũng là tỉnh đứng tốp đầu cả nước về nợ đọng xây dựng cơ bản, lên tới hơn 887 tỷ đồng; trong đó, tiền nợ đọng chủ yếu tập trung tại các xã đã đạt chuẩn NTM với số tiền hơn 576 tỷ đồng, chiếm 65% tổng số nợ. Theo ông Nguyễn Văn Hằng, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Nghệ An, hầu hết các xã trong tỉnh đều nợ đọng xây dựng cơ bản, trong đó xã nợ nhiều nhất là 20 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 114 xã và một thị xã đã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM, với hàng nghìn công trình, hạng mục được xây mới. Tuy nhiên, số tiền nợ đọng xây dựng cơ bản chủ yếu tập trung tại các công trình có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng vốn đầu tư cho công trình, như trụ sở làm việc, trường học, nhà văn hóa. Đối với những công trình mà nguồn vốn chủ yếu huy động từ cộng đồng dân cư, như đường giao thông nông thôn, tỷ lệ nợ đọng chiếm ở mức rất thấp.

Qua khảo sát tại xã Nghi Trường (Nghi Lộc, Nghệ An) cho thấy, 1 km đường giao thông liên thôn có tổng kinh phí khoảng 900 triệu đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ xi-măng với kinh phí chiếm một phần ba tổng vốn đầu tư, còn lại do nhân dân đóng góp. Tuy nhiên, nợ đọng xây dựng cơ bản tại những con đường liên thôn chủ yếu nằm ở tiền mua xi-măng. Từ năm 2013 đến năm 2016, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ xi-măng cho các địa phương với tổng số tiền hơn 335 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay, tỉnh vẫn nợ các doanh nghiệp cung ứng xi-măng số tiền hơn 158 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng số tiền phải thanh toán…

Theo kết quả giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành, đến nay, cả nước có hơn 1.700 xã đạt tiêu chí NTM, chiếm 19,7% tổng số xã trên cả nước và có 23 đơn vị cấp huyện đạt tiêu chí NTM. Đời sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện đáng kể, trong đó thu nhập bình quân hằng năm của người dân các xã đạt tiêu chí NTM tăng từ 16 triệu đồng (năm 2011) lên 28,4 triệu đồng (năm 2016), tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,6%. Trong 5 năm, cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng cho Chương trình NTM. Trong đó, ngân sách nhà nước bao gồm các chương trình, dự án khác là 266.785 tỷ đồng, chiếm 31,34%, vốn tín dụng là 434.950 tỷ đồng, huy động từ doanh nghiệp là 42.198 tỷ đồng, người dân đóng góp là 107.447 tỷ đồng.

Mặc dù đạt những thành tích đáng ghi nhận, nhưng trong quá trình xây dựng NTM cũng nảy sinh nhiều bất cập, nổi cộm là tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện số nợ đọng xây dựng cơ bản cho chương trình này của 35/41 tỉnh, thành phố trong cả nước là 8.600 tỷ đồng. Còn theo báo cáo của Chính phủ, thực tế số tiền nợ đọng lên đến 10.200 tỷ đồng.

Vỡ cơ cấu vốn xây dựng nông thôn mới

Đề cập nguyên nhân dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình xây dựng NTM, lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, do không thu xếp được nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho các công trình xây dựng; trước khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM, các địa phương áp dụng Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định hỗ trợ 100% kinh phí cho bảy nội dung liên quan đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, cho nên các địa phương đã huy động từ các nguồn vốn tạm thời và chờ ngân sách T.Ư hỗ trợ để trả nợ. Tuy nhiên, sau đó chính sách này thay đổi, Nhà nước chỉ hỗ trợ 100% kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, dẫn đến nhiều địa phương xảy ra nợ đọng. Bên cạnh đó, nhiều địa phương khi xây dựng công trình dựa vào nguồn vốn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng do thị trường bất động sản đi xuống, dẫn đến không đấu giá được quyền sử dụng đất. Cụ thể, tại tỉnh Nghệ An, thời gian qua, việc đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương chỉ đạt 32% kế hoạch. Mặt khác, do nhiều tỉnh thay đổi tỷ lệ trích phần trăm tiền đấu giá quyền sử dụng đất giữa tỉnh, huyện và xã dẫn đến nhiều xã bị “hụt” nguồn thu. Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh Nguyễn Văn Cội cho biết, trước đây theo quy định, xã được trích 70% số tiền từ việc đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng hiện nay tỉnh quy định sau khi đạt chuẩn NTM, xã chỉ được trích 35%. Với tỷ lệ trích như vậy, có lẽ đến năm 2020 xã cũng không trả xong nợ, chưa nói đến việc bố trí nguồn vốn cho các công trình mới. Đây cũng là trăn trở chung của lãnh đạo nhiều xã đang trong tình cảnh nợ đọng xây dựng cơ bản Chương trình xây dựng NTM.

Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản là do một số địa phương chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, huy động từ nguồn vay tín dụng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng cơ cấu vốn, cho nên không có khả năng thanh toán.

Hiện, nhiều địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có Chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nhiều địa phương đề ra là tìm nguồn vốn để trả nợ đối với các công trình xây dựng NTM.

Theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, tỷ lệ huy động vốn đóng góp của cộng đồng dân cư là 10%, nhưng bình quân cả nước, tỷ lệ này là 12,6%; cá biệt, tỷ lệ huy động vốn từ nhân dân tại tỉnh Nghệ An lên tới hơn 31%, trong đó tỷ lệ này ở huyện Nghi Lộc là hơn 48%. Tỷ lệ vốn tín dụng cho Chương trình NTM khoảng 30%, nhưng thực tế nguồn vốn tín dụng huy động cho chương trình này trên phạm vi cả nước lên tới 50% tổng số vốn đã huy động.

(Còn nữa)

Tác giả bài viết: Nhóm phóng viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP