Xã hội

Gần nửa thế kỷ mẹ mới biết con hy sinh vì giấy báo tử bị 'bỏ quên'

Gần 50 năm chịu tai tiếng con trai theo địch, gần đây, bà Yến mới biết con trai mình đã hy sinh vì giấy báo tử để trong tủ hồ sơ lưu hàng chục năm.

Đó là câu chuyện của cụ Lê Thị Yến (93 tuổi), ở thôn Yên Bình, xã Quang Lộc, Huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Cụ Yến có 3 người con (2 trai, 1 gái). Năm 1966, con trai cả của cụ là Nguyễn Văn Hùng viết đơn tình nguyện đi bộ đội mặc dù người cha đang ở chiến trường. Một năm sau, gia đình cụ nhận được tin ông Nguyễn Văn Khánh (chồng cụ Yến) hy sinh ở chiến trường Quảng Trị và được công nhận liệt sĩ.

Mang tiếng thị phi con trai đi theo địch, mới đây cụ Yến mới biết con trai đã hy sinh. Ảnh: P.T.

Chưa kịp nguôi ngoai nỗi đau mất chồng, năm 1969 gia đình nghe tin đồn con trai Nguyễn Văn Hùng theo địch. Mọi thông tin, liên hệ cũng mất luôn từ đó.

Mang tiếng thị phi con trai đi theo địch, cụ Yến sống khép mình, không dám tiếp xúc với ai. Hàng chục năm qua, cụ chỉ biết chờ đợi trong vô vọng thông tin từ con trai mình, để mong một ngày được minh oan cho lời đồn thổi.

“Mấy chục năm nay, lúc nào bà cũng ôm tấm ảnh bác Hùng rồi ngoảnh nhìn ra ngoài ngõ. Biết bà trăn trở nên gia đình nhiều lần đi tìm tung tích người thân và gửi đơn nhờ chính quyền hỗ trợ nhưng rồi cũng không có kết quả”, anh Nguyễn Văn Ba (cháu cụ Yến) cho hay.

Cuối tháng 8/2017, được sự hướng dẫn của một số người đi tìm mộ liệt sĩ, anh Ba đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh xin tra cứu thông tin thì bất ngờ phát hiện giấy báo tử ông Nguyễn Văn Hùng.

Nội dung giấy báo tử ghi rõ liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng hy sinh ngày 20/7/1969 tại Cồn Tiên, Dốc Miếu, tỉnh Quảng Trị. Giấy do đại tá Nguyễn Hữu Quyền, Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng ký vào tháng 7/1987.

“Không hiểu tại sao có giấy báo tử của bác nằm ở đây từ lâu nhưng gia đình tôi không hề biết hay nhận được bất cứ thông tin nào?", anh Ba nói.

Giấy báo tử "ngủ quên" trong tủ hồ sơ lưu. Ảnh: P.T.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Công, Phó trưởng phòng Người có công, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, cho biết năm 2000, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phân cấp về cho sở hồ sơ người có công, trong đó có giấy báo tử liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng.

“Lúc nhận hồ sơ chỉ có giấy báo tử, chúng tôi không thể nắm được thân nhân còn sống hay không nên chỉ lưu hồ sơ theo đúng chức năng quản lý. Việc xét hưởng chế độ chính sách cho thân nhân liệt sĩ như quy định nếu chỉ căn cứ giấy báo tử này thì chưa đủ cơ sở", ông Công nói.

Theo ông Công, Sở này đang phối hợp với các cấp ngành rà soát, kiểm tra các thông tin để hoàn thiện. Sau khi hoàn tất thủ tục, Sở sẽ xin ý kiến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để xem xét thời gian, mức chế độ cho thân nhân liệt sĩ theo quy định.

Sáng 29/9, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết đã nhận được thông tin và đang chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc làm rõ nguyên nhân kéo dài vụ việc, đồng thời xử lý kịp thời theo quy định.

“Phải rà soát, kiểm tra lại tính pháp lý của hồ sơ, nếu đúng thì phải xử lý kịp thời, còn nếu không đúng cũng phải được làm rõ”, ông Sơn nhấn mạnh.

Tác giả: Phạm Trường

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: báo tử ,con trai ,Bỏ quên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP