Giáo dục

Gần 7% trẻ em lớp 2 và lớp 5 có khó khăn đặc thù trong đọc, viết và làm Toán

Một nghiên cứu mới nhất do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam vừa đưa ra tại hội thảo ngày 2/12 đã gây bất ngờ với nhiều người. Theo đó, gần 7% học sinh lớp 2 và lớp 5 trong diện nghiên cứu ở Lào Cai và Kiên Giang không đạt chuẩn tối thiểu hoặc gặp rất nhiều khó khăn trong đọc, viết và làm Toán.

Gần 7% học sinh có khó khăn đặc thù học tập

Gần đây, một số câu chuyện về học sinh không biết đọc, không biết viết và làm Toán nhưng vẫn “ngồi nhầm lớp” đã gây nhiều tranh cãi. Nhiều người nhận định, có thể do bệnh thành tích nên các học sinh này vẫn được lên lớp hoặc có thể do giáo viên thiếu kĩ năng giảng dạy.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới nhất, do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam vừa công bố ngày 2/12 tại hội thảo “Chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên và đề xuất hỗ trợ học sinh khó khăn học tập đặc thù” đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Theo đó, gần 7% học sinh gặp phải vấn đề khó khăn đặc thù về đọc, viết và làm Toán là do tự bản thân các em gặp khó khăn, không phải do giáo viên hoặc các yếu tố tác động khách quan. Các chuyên gia ở Viện KH Giáo dục Việt Nam cho biết, có thể gọi tên đối tượng này là những trẻ em có khó khăn đặc thù về học tập còn trong nghiên cứu, có thể gọi đó là đối tượng “khuyết tật học tập” (students with learning disabilities).

Theo PGS.TS Lê Văn Tạc, chuyên gia giáo dục đặc biệt (Viện KHGD Việt Nam), nghiên cứu đánh giá học sinh có khó khăn đặc thù trong học tập, được Viện KH Giáo dục Việt Nam thực hiện năm 2015- 2016.

Nghiên cứu đã được triển khai tại 2 tỉnh Lào Cai, Kiên Giang, với 1.751 học sinh lớp 2 và lớp 5/30 trường tiểu học ở 6 huyện của cả hai tỉnh, cùng với khoảng 700 cán bộ, giáo viên quản lý. Đây là 2 tỉnh đại diện cho hai vùng trên Tổ quốc và có những yếu tố xã hội, kinh tế, địa lý khác nhau.

PGS.TS Phạm Minh Mục tại Hội thảo


PGS. Tạc cho biết, qua kết quả nghiên cứu, có thể đưa ra một số kết luận: Có một bộ phận trẻ có khó khăn đặc thù về đọc, viết và tính toán. Trong đó, khoảng 3,9% học sinh trong mẫu khảo sát của hai vùng miền có khó khăn về đọc, khoảng 3,7% có khó khăn về viết và khoảng 4% học sinh trong mẫu khảo sát có khó khăn về làm Toán. Tổng hợp lại, có khoảng 7% học sinh gặp khó khăn ở cả 3 kĩ năng trên. Đây là mức thấp so với thế giới, không phải do học sinh chúng ta thông mình hơn mà theo ông Tạc, có thể trong nghiên cứu của nhóm nghiên cứu chưa bao quát được hết.

“Với những đối tượng này, chúng tôi khẳng định đã loại trừ những khó khăn do yếu tố bên ngoài tác động đến các em như: phương pháp dạy học của giáo viên, khó khăn về hoàn cảnh kinh tế, khó khăn về địa lý, học sinh phải đi xa nhà nên ít thời gian học tập... Do đó, chúng tôi tập trung vào khả năng khó khăn bên trong và có thể quy vào nhóm học sinh có khó khăn đặc thù trong học tập”, ông Tạc nói.

Cần hỗ trợ về học tập đặc biệt

Được biết, hiện tại các giáo viên, nhà trường và phụ huynh rất lo ngại với đối tượng học sinh có khó khăn học tập đặc thù. Đã có những nỗ lực bước đầu, đơn lẻ ở các hoạt động dạy phụ đạo, giảm nhẹ yêu cầu học tập, thông báo và phối hợp giữa giáo dục giữa gia đình và nhà trường. Tuy nhiên, hầu hết các giáo viên, nhà trường và phụ huynh học sinh chưa nhận thức thấu đáo, khách quan về hiện tượng khó khăn học tập đặc thù, cũng như chưa có các kĩ thuật hỗ trợ giáo dục đặc hiệu với các học sinh này.

Nhà trường và phụ huynh rất lo ngại với đối tượng học sinh có khó khăn học tập đặc thù (ảnh minh họa)

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Tiến Thi, Ban Tiểu học, NXB Giáo dục Việt Nam nêu câu hỏi: “Làm thế nào để phân biệt được giữa học sinh khó khăn học tập và học sinh học kém do lỗi của giáo viên”?

PGS.TS Phạm Minh Mục, Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt, Viện KH Giáo dục Việt Nam cho hay: “Trên thực tế, các trẻ em trong đối tượng nghiên cứu và khảo sát có chỉ số IQ từ 90-110 (chỉ số khoảng 115 là thuộc diện thông minh). Với các học sinh trong đối tượng nghiên cứu, chúng tôi đã loại bỏ các nguyên nhân khách quan, không bị khuyết tật (không bị khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ hoặc các khuyết tật khác… Do đó, nghiên cứu phần nào chứng minh, đây không phải do lỗi giáo viên, mà do lỗi từ việc xử lý thông tin giữa hai bán cầu não của đứa trẻ. Vì vậy, các em cần có phương pháp giáo dục đặc thù sao cho phù hợp.

PGS Nguyễn Trí, Trường ĐHSP Hà Nội kiến nghị, sau nghiên cứu này, cần có thêm một bước tiến nữa: Chẳng hạn cách thức nhận diện học sinh “khuyết tật học tập”, học sinh do phương pháp dạy học của giáo viên nên tiếp thu chậm? Thứ hai, ông kiến nghị, cần phải có giải pháp cho nhóm đối tượng học sinh này để các em được học tập bình thường.

Về điều này, PGS Mục cho rằng, đây cũng là mong muốn của nhóm thực hiện dự án nghiên cứu về việc được tập huấn cho cán bộ và giáo viên quản lý về phương pháp dạy học, cũng như phối hợp để soạn thảo các tài liệu học tập cho đối tượng học sinh có khó khăn đặc thù về học tập trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: Mỹ Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP