Xã hội

Gã giang hồ chỉ vì sĩ hão mà đánh mất cả cuộc đời lẫn tình yêu

Nhắc đến Nguyễn đức Thịnh, tức Thịnh "hồ", giới giang hồ Hà thành vẫn còn tiếc nuối cho cuộc đời ngắn ngủi của gã.

Tiếc cho gã khi đã gặp được một tình yêu đẹp, là chiếc "phao cứu sinh" giúp gã thoát khỏi con đường tội lỗi, mà lại tự tay đánh mất chỉ vì phút thiếu kiềm chế, bảo vệ chút danh dự hão.

Khu vực Hồ Hữu Tiệp - nơi Thịnh lớn lên.

"Tuổi thơ dữ dội"

Thịnh "hồ" sinh năm 1969, tại con ngõ nhỏ trên phố Hoàng Hoa Thám. Nhà gã ở gần hồ B52 (Hồ Hữu Tiệp – làng Ngọc Hà), nơi ngày nay còn lưu giữ xác máy bay B52 bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

Thịnh sinh ra và lớn lên đã thiệt thòi hơn chúng bạn cùng trang lứa bởi bố mẹ đều mất sớm vì bạo bệnh. Gã được nuôi dưỡng bằng tình yêu của bà nội và sự đùm bọc của họ hàng.

Nhưng dù bà nội có tốt với gã đến mấy, cũng không thể khiến gã quên đi thân phận mồ côi. Bà nội gã nghèo, hàng ngày thường ra ven hồ Tây để bắt ốc, bán ngoài chợ kiếm tiền đắp đổi cho cuộc sống.

Gia cảnh như thế nên không ngạc nhiên khi gã chỉ học hết cấp 1 thì nghỉ, rồi theo chúng bạn ra đường kiếm sống. Thuở nhỏ, thân mình gã lúc nào cũng đỏ như con tôm luộc, dấu ấn của việc lặn xuống hồ Trúc Bạch vớt than.

Ngày đó, nhà máy điện Yên Phụ xây dựng ngay gần hồ Trúc Bạch, những nguyên liệu của việc phát điện sau khi sử dụng đều được thải xuống hồ.

Và những phế thải đó đã trở thành nguồn sống của đám trẻ nghèo. Vớt than phế liệu bán cho những người làm than, cũng đủ để kiếm chút tiền phụ bà nội rau cháo qua ngày.

Có điều, phần hồ ở gần nhà máy điện nước khá nóng, đó là lý do khiến đám trẻ da dẻ đứa nào đứa nấy đều đỏ au, suốt ngày ngứa ngáy.

Sau này, nhiều bạn bè vẫn nhớ những lời hắn kể vui về thuở ấu thơ khó khăn ấy "Sao mà phải đi đâu để tắm nước khoáng nóng. Tao đã được tắm nước nóng tự nhiên ở ngay giữa Hà Nội từ khi 10 tuổi đầu".

Trở thành băng “hai ngón”

Thực chất của việc vớt than phế liệu dưới lòng hồ Trúc Bạch cũng phần nào giống như thói trộm cắp. Bởi than phế liệu là của nhà máy điện, cứ một thời gian, người ta lại cho nạo vét để trả về nhà máy.

Những người bảo vệ nhà máy biết rõ đám trẻ thường "nẫng tay trên" nhưng nghĩ là chẳng đáng bao nhiêu nên cũng không can thiệp bao giờ. Chính sự dung túng này đã khiến đám choai choai ngày càng hư hỏng. Dần dần Thịnh "hồ" bắt đầu theo chúng bạn đi trộm cắp thực sự.

Ở cái thời mà khó khăn là của chung ấy thì những đôi dép, cái mũ, bộ nồi, xoong... cũng là những tài sản lớn. Gã bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn và thỉnh thoảng mang chút ít về biếu bà nội. Cầm những đồng tiền của cháu, bà nội lo hơn là vui.

Bà biết rằng tuy chưa thể hiện ra ngoài nhưng thằng cháu phần nào cũng đã hư hỏng. Nhưng biết vậy thôi chứ bà cũng không có cách nào để ngăn cản thằng cháu, bởi thân mình bà lo cũng còn chưa xong. Vài năm sau, nhóm của Thịnh đã trở thành băng trộm cắp thực sự.

Không còn là việc "chôm" những đồ đạc để hớ hênh nữa. Với sự xuất hiện của vài đàn anh, nhóm của Thịnh đã hoạt động như một băng tội phạm có tổ chức. “Con mồi” của chúng lúc này là những gia đình khá giả.

Chúng sẽ bỏ thời gian để theo dõi quy luật sinh hoạt của gia chủ. Rồi khi cơ hội đến, chúng sẽ tổ chức "đột vòm", nghĩa là đột nhập vào nhà để trộm cắp của cải. Đám choai choai như Thịnh có một lợi thế là nhỏ người lại nhanh nhẹn, nên thường phải trực tiếp "đột vòm".

Các đàn anh ở ngoài với nhiệm vụ cảnh giới là chính. Có sự tính toán kỹ càng nên băng trộm cắp "nhí" này hoành hành suốt một thời gian dài mà không bị phát hiện.

Thịnh đã quá quen với việc tiêu pha những đồng tiền không phải bỏ mồ hôi công sức làm ra. Càng trượt dài trong tội lỗi gã càng không muốn trở lại căn nhà nhỏ, nơi có bà nội vẫn ngày ngày còng lưng kiếm sống.

Một lần mang chút tiền về đưa, bị bà mắng chửi và truy hỏi nguồn gốc số tiền, gã bực mình bỏ đi, thề không bao giờ quay về nữa. Mặc bà nội chan hòa nước mắt, gã bắt đầu dấn thân "lang bạt kỳ hồ".

Bỏ nhà thành giang hồ

Năm 1984, khi tròn 15 tuổi, băng nhóm của Thịnh bị công an tóm cổ. Khi ấy, không biết vì thương bà, không muốn bà biết mình là tội phạm hay vì lý do gì mà Thịnh nhất quyết khai mình là trẻ lang thang, không nhà cửa, không người thân thích.

Không có người bảo lãnh trong khi lại phạm tội trộm cắp có tổ chức nên dù tuổi vị thành niên, Thịnh vẫn bị phạt cải tạo 2 năm ở trường giáo dưỡng tại Ninh Bình. Quãng thời gian này, Thịnh mới cảm nhận hết nỗi đau của việc mồ côi cha mẹ.

Trong khi bạn bè hàng tháng đều có người lên thăm nom, hoặc chí ít cũng nhận được thư nhà động viên, khuyên bảo thì gã như một con thú bị ruồng bỏ, không hề có ai quan tâm, chăm sóc.

Chính sự dồn nén ấy đã khiến gã trở thành học viên quậy phá khét tiếng ở Trường. Nhiều lần phải nhận các hình phạt cũng như nhận được nhiều sự giáo dục của các thầy cô nhưng gã vẫn chứng nào tật ấy.

Đó là lý do khiến Thịnh là một trong số ít các học viên phải chấp hành đầy đủ thời hạn cải tạo mà không được xét giảm lần nào.

Trở về xã hội với cái đầu nhiều thù hận, gã như con thú bị thương. Nổi tiếng lì lợm trong trường giáo dưỡng nên gã nhanh chóng tụ tập được một số chiến hữu để trở lại con đường phạm tội.

Băng nhóm của Thịnh đã hoành hành ăn trộm, trấn cướp khắp các tuyến đường quanh khu vực hồ Tây, hồ Trúc Bạch. Thịnh có biệt hiệu "hồ" là vì thế. Nhưng "nổi thì dễ vớt", "vua biết mặt chúa biết tên" nên chỉ được một thời gian, Thịnh lại sa lưới luật pháp. Gã tiếp tục đi tù trả giá cho những tội lỗi của mình…

Cuộc đời Thịnh là những chuỗi ngày triền miên đi trả án ở hết trại giam này đến trại giam khác. Không gây những tội ác khủng khiếp, không tù án dài nhưng góp nhặt lại thì có thể liệt gã vào dạng ăn cơm tù nhiều hơn cơm nhà.

Bước ngoặt đã đến với cuộc đời Thịnh. Thời gian trả án ở trại Văn Hòa, một bạn sắp ra tù, thương hoàn cảnh của Thịnh nên hứa sẽ giới thiệu cho gã một cô gái.

Tình yêu liệu có đánh thức tâm hồn của kẻ giang hồ mà tâm hồn lương thiện đã bị cuộc đời làm chai sạn hay không? Mời bạn đọc đón đọc kỳ tiếp theo ở số báo 599 ra ngày 24/4.

Tác giả: Thanh Huyền

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

  Từ khóa: sĩ diện ,giang hồ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP