Trong nước

Đường phố Nha Trang ngổn ngang sau bão Damrey

Gốc cây, tôn bị tốc mái nằm la liệt, chất đống trên các tuyến đường ở TP Nha Trang, chờ xử lý.

Chiều 4/11, nhiều giờ sau khi bão Damrey càn quét, đường phố Nha Trang vẫn ngổn ngang. Góc đường Lý Thánh Tôn -Hùng Vương, tôn cùng nhánh cây ngã rạp. Mỗi lần qua đây, người dân cùng du khách nước ngoài phải né tránh.

Dân địa phương cho biết chưa bao giờ họ thấy cơn bão khủng khiếp như lần này. Đã gia cố, chằng chống nhà cửa rất kỹ nhưng tôn của một gia đình trên đường 2 Tháng 4 tốc mái, văng xuống đường.

Các ngành chức năng huy động hàng chục lực lượng để dọn dẹp. Bộ đội xuống đường dọn dẹp cây ngã sau bão.

Các nhân viên điện lực cũng gấp rút sửa chữa hệ thống đường dây, trụ bị quật ngã để sớm cung cấp điện cho thành phố.

Xe nâng đưa các nhân viên lên xử lý những phần nhánh cây, khai thông tuyến đường. "Chúng tôi cắt tỉa để thu dọn trong nhiều giờ liền mà vẫn chưa xong", nam nhân viên nói.

Nhiều cây xanh đổ xuống, nằm chất đống chờ xử lý trên đường Trần Phú – tuyến phố được cho là đẹp và sầm uất nhất thành phố biển.

"Sau bão, nhiều nơi trong thành phố đều ngổn ngang nên các đơn vị phải xử lý từng điểm cụ thể", nhân viên cây xanh cho biết.

Không chỉ trên phố, rác từ nhiều nơi theo sóng đổ về tràn ngập bãi biển gần cầu Trần Phú. Khi thời tiết ổn hơn, một số người đến tìm kiếm ve chai mang về bán.

Trường tiểu học ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng bị tốc mái. Ông Nguyễn Trọng Thành (Hiệu trưởng) cho biết, trường có 20 phòng học, song năm phòng với diện tích mỗi phòng 50 m2 đã bị bão phá hỏng. Đồ đạc bên trong bị nước tràn xuống, hư hỏng.

Thầy Thành cho hay, việc sửa chữa phòng học là sớm muộn, nhưng việc đầu tiên là phải dọn dẹp để khi bão tan học sinh còn đến trường. Do vậy, chỉ vài giờ sau khi bão tan, ông cùng với các giáo viên trong trường luân phiên dọn dẹp cây ngã ở khuôn viên trường để việc dạy sớm được trở lại.

6h ngày 4/11, bão đổ bộ Phú Yên - Khánh Hòa, mạnh cấp 12 (135 km/h). 13h, bão tiến sâu vào Nam Tây Nguyên, giảm còn cấp 9 (90 km/h) và 15h cùng ngày thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi ở biên giới Việt Nam - Campuchia, sức gió giảm còn 60 km/h (cấp 7).
Trong 9 tiếng hoành hành, bão đã gây gió mạnh, mưa to suốt từ Thừa Thiên Huế tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên. 20 người tử vong, 17 thuyền viên mất tích, hơn 500 nhà bị sập.

Tác giả: Xuân Ngọc

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP