Giáo dục

Đường đến trường còn xa của trẻ em nhập cư Sài Gòn

Ngay giữa Sài Gòn, vẫn còn những học sinh phải đi bộ chân đất hàng cây số tới trường, chèo xuồng từ cù lao đến lớp, vừa ngồi học vừa trông em, hay 13 tuổi mới được vào lớp 1.

Nằm khuất trong một con hẻm trên đường Nguyễn Thế Hiển (quận 8, TP.HCM), Trung tâm phát huy Bình An là nơi dạy học cho hơn 200 trẻ em nhập cư, trẻ có hoàn cảnh khó khăn không thể theo học các trường tiểu học chính quy. Phần lớn các em ở đây không có giấy khai sinh, không giấy tạm trú, lớn hơn so với độ tuổi đến trường hoặc không được đi học do phải đi làm để phụ giúp gia đình.

Sơ Đặng Thị Thu Hạnh (40 tuổi) - quản lý trung tâm - cho biết "ngôi trường đặc biệt" này đã hoạt động được 7 năm. Từ những thứ có giá trị như bàn ghế, quần áo đồng phục, sách vở, cặp sách cho tới cây bút, que tính, bảng đen cho các em dùng đều do những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ.

Điểm chung của học trò tại đây là gia đình quá nghèo. Cha mẹ ly hôn, các em bị bỏ rơi, họ hàng cưu mang; nhà đông anh chị em không có tiền đi học; mới 4-5 tuổi đã phải đi nhặt ve chai, bắt ốc, hái rau. Để các em được đi học, sơ Hạnh phải đến tận nhà vận động, "mời", "năn nỉ" gia đình. Nhiều bé nhà xa, các cô còn đi xin xe đạp, cấp gạo, thậm chí tặng tiền đi xe bus. Không ít trẻ tới trường vài ngày lại nghỉ, hóa ra ở nhà trông em, đi làm mướn, thậm chí có trường hợp trung tâm tặng xe đi học, cha mẹ em cũng bán lấy tiền.

Trường hợp của bé My (7 tuổi) gia đình nhất quyết không cho đi học. Nhưng thấy em thông minh ham học, các cô không nỡ để em mù chữ. Ba ngày liền sơ Hạnh đến tận nhà “năn nỉ” cho em đi học và giúp đỡ gia đình nhiều thứ, em mới được tới trường. “Giận lắm chớ, nhưng cũng hiểu vì nhà các con quá khổ, quá nghèo và không nghĩ được gì ngoài việc miếng cơm ăn hàng ngày. Mình phải ráng nói hết cái lý, cái tình để thuyết phục cho các em học được cái chữ”, sơ Hạnh chia sẻ.


Lương Vũ Linh (ngoài cùng bên phải) đã 13 tuổi nhưng đang học chương trình lớp 1. Em theo cậu mợ lên Sài Gòn sinh sống trong khi cha mẹ vẫn ở quê. Buổi sáng, Linh đi học, buổi chiều nhặt ve chai kiếm tiền. Khi được hỏi vì sao không ở với gia đình để khỏi phải đi làm, em hồn nhiên nói: "Không nhặt ve chai bây giờ thì mai mốt con cũng phải làm thôi. Ít ra bây giờ con còn được đi học".

Yến Nhi (6 tuổi) vừa đến lớp vừa phải trông em. Nhà đông con, Nhi không được tới trường do phải ở nhà trông em cho cha mẹ đi nhặt cỏ mướn. Các cô ở trung tâm phải vận động mãi cha mẹ mới được đồng ý cho Nhi đi học với điều kiện: vẫn phải trông em gái. Vì vậy, buổi học nào, em gái Nhi cũng theo chị tới lớp. Tại lớp, có nhà 6 anh chị em tuổi xấp xỉ nhau cùng đi học, còn học trò dắt theo em như Nhi cũng có vài trường hợp.

Hiện tại, ở trung tâm có 7 cô giáo, đa số đều là giáo viên nghỉ hưu, thấy thương hoàn cảnh của các em nhỏ mà đứng lớp dạy con chữ. Hàng tháng, mỗi cô được trợ cấp 2 triệu đồng. Cô Minh Khanh (29 tuổi) cho biết giáo viên ở đây buổi sáng dạy tại trung tâm, buổi chiều đi làm tạp vụ, nhận đan giỏ, sửa quần áo thuê để kiếm thêm thu nhập.

Nếu chỉ nhìn qua gương mặt xinh xắn và bộ đồng phục sạch sẽ Cẩm Hương đang mặc, không ai tưởng tượng được em có hoàn cảnh khó khăn tới mức nào. Sinh ra chưa được bao lâu, cả bố và mẹ Hương đều bỏ đi, để con lại cho bà ngoại nuôi. Em không có giấy khai sinh, không biết tuổi chính xác của mình.

Hai bà cháu hiện sống cùng chú ruột trong túp lều giữa cánh đồng dưa. Hương cùng anh họ của mình học tại Trung tâm phát huy Bình An. Bộ quần áo đồng phục và cặp của hai em được các sơ tại trung tâm phát cho. Căn chòi lụp xụp, ẩm thấp quanh năm vì ngập nước triều cường của gia đình Hương là nhà của các bạn cùng lớp với em.

Căn lều tạm bợ không có cả những nhu cầu thiết yếu, điện không có phải dùng đèn dầu, nước sạch phải lấy cách đó 2 cây số. Hai đứa trẻ thường dùng sàn nhà thay bàn học và tranh thủ đọc sách vào ban ngày. Bữa cơm chỉ có cơm chan nước trắng mỗi ngày. Nước tắm là ao bèo trước cửa. Khi các cô đến nhà hỏi bà ngoại Hương muốn được giúp gì, bà nói chỉ mong nhà có đủ gạo ăn.

Bộ quần áo đồng phục, sách giáo khoa và chiếc cặp sách là những món đồ có giá trị nhất đối với Hương. Đó đồng thời cũng là cơ hội duy nhất cho em thay đổi suy nghĩ, thay đổi cả hiểu biết và tuyệt vời nhất là có cơ hội ước mơ về một tương lai không chỉ quanh quẩn tại những túp lều giữa cánh đồng dưa.

Tác giả bài viết: Hải An - Ngân Giang - Minh Nhật

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP