Cộng đồng mạng

Được cộng đồng mạng giúp đỡ sau khi mất việc, bác bảo vệ già ở Sài Gòn xúc động: "Con ơi, hãy giúp người khó khăn hơn"

Khác hẳn với cảnh lủi thủi, ngồi co ro một góc trên vỉa hè với cái bụng đói meo mà trong túi chẳng còn một xu dính túi, cuộc sống của bác bảo vệ già Đào Kim Hải đã thay đổi nhờ sự giúp đỡ, yêu thương của tất cả mọi người.

Có một bác bảo vệ già không nhà cửa bơ vơ giữa Sài Gòn...

Câu chuyện về một bác bảo vệ già, thất nghiệp do dịch bệnh Covid-19, không còn tiền thuê nhà trọ phải ngồi co ro một góc đường để chờ đợi một điều gì đó trong vô vọng đã gây xúc động trên cộng đồng mạng.

Câu chuyện của bác Hải gây xúc động mạng xã hội, nhiều tấm lòng hào hiệp đã tìm đến giúp đỡ.

Người bảo vệ già ấy là ông Đào Kim Hải (62 tuổi, tạm trú quận 4, TP.HCM). Không còn gia đình, con cái, để có tiền trang trải mỗi ngày, ông Hải được một cửa hàng trên đường Trần Hưng Đạo thuê làm bảo vệ. Nhưng đã hơn 2 tháng qua, dịch bệnh Covid-19 khiến ông thất nghiệp, tiền nhà trọ cũng chẳng còn mà đóng..., ông đành mượn vỉa hè làm nhà, sống lay lắt qua ngày.

Chỉ sau 1 ngày đăng tải thông tin kèm theo hình ảnh của ông Hải, đã có rất nhiều mạnh thường quân gọi điện hỏi thăm, giúp đỡ ông Hải để có một cuộc sống tốt hơn. Đưa đôi tay co rúm cầm chiếc điện thoại cũ, cứ cách vài phút lại có người gọi đến để hỏi thăm.

Ít ai nghĩ rằng chỉ mới 62 tuổi, chú Hải đã gầy gò, tiều tụy đến mức này...

"Qua nay có nhiều người gọi điện giúp đỡ cho chú lắm, chú mới có tiền trả tiền trọ, đóng thêm để ở đến ngày 23/4 rồi. Vui lắm con ơi, nhưng chú nhận đủ rồi, không muốn nhận thêm đâu, chú cũng phải đi kiếm việc làm nữa" - chú Hải xúc động.

Dù có vợ con nhưng tất cả đều bỏ chú Hải mà đi, hơn 10 năm nay đã không còn liên lạc với nhau. Sống một mình trong căn trọ nhỏ tại quận 4, bình thường chú Hải đi làm bảo vệ, nhưng trước Tết, vì cắt giảm nhân sự, thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chú đã thất nghiệp. Không có tiền để trả tiền trọ, đến cả giấy tờ tùy thân (CMND - sổ hộ khẩu), chú Hải cũng đành cầm lấy 1 triệu đồng để đắp đổi qua ngày.

"Nhưng hết tiền rồi, chú đành trả phòng trọ để đi lang thang, kiếm việc mãi mà không có, họ thấy chú ốm yếu, không nhận nữa. Mình đâu trách được gì người ta đâu. Chú ở ngoài đường à, có ai giúp đỡ thì chú góp tiền trả nhà trọ để được ở tiếp trong nhà. Ban ngày thì mua cơm 2.000 đồng ở quán cơm Nụ cười, tối thì ngủ vỉa hè" - chú Hải nghẹn lời.

Nhắc đến vợ con, trong mắt ầng ậng nước, chú khóc khi tổ ấm gia đình của mình tan vỡ. Ở cái tuổi xế chiều, một mình chú phải lang lang chạy lo cơm ngày ba bữa.

"Con ơi! Đừng giúp chú nữa, hãy gửi tiền cho những người khó khăn hơn!"

Một ngày sau khi bất ngờ "nổi tiếng cộng đồng mạng", phải rất vất vả tôi mới gặp được bác Hải trong một cửa tiệm nằm trên đường Tôn Thất Thuyết (quận 4). Chiếc điện thoại cũ nát, mới hôm nào chẳng có một cuộc gọi bỗng chốc "cháy máy". Hàng trăm người gọi đến trò chuyện, đề nghị giúp đỡ bác Hải... Trong tiếng nói ngập ngừng, nấc nghẹn, bác Hải thỏ thẻ.

"Giờ chú nói con nghe nè, bây giờ tạm thời cuộc sống của chú ổn rồi. Có vợ chồng chú này đưa chú về nuôi rồi. Chú cảm ơn lòng tốt của con. Con ơi, thay vì giờ con gửi cho chú tiền, con giúp đỡ cho những người khác khó khăn hơn chú đi".

"Không phải chú từ chối đâu, chê gì đâu, nhưng giờ chú cảm thấy đủ rồi, chú nhận chi nữa đâu. Chú nhận nữa là mang ơn, ơn đó khó trả lắm. Còn nhiều người khó khăn hơn chú nữa cần giúp đỡ" - chú Hải tâm sự.

Vì không có tiền đóng trọ, chú đành đoạn cầm CMND và sổ hộ khẩu để lấy 1 triệu đồng...

Trong số những người tìm đến giúp đỡ chú Hải, vợ chồng anh Bình (ngụ quận 4) đã đưa chú Hải về nhà để chăm sóc, đồng thời tạo công ăn việc làm cho chú Hải. Chia sẻ về cơ duyên này, anh Bình tâm sự.

"Anh lướt điện thoại thì thấy hoàn cảnh của chú, nhưng nếu mình tới cho tiền, giúp chú thì cũng được thôi, nhưng giúp bao nhiêu thì mới đủ và lo được chu đáo cho chú. Nên vợ chồng anh mới quyết định đưa chú về đây để chăm sóc và tạo việc làm cho chú. Chú giờ không có gia đình, không công việc, chỗ ăn uống nghỉ ngơi cũng chẳng có. Chú cũng cỡ tuổi bố mẹ anh nên coi chú như người thân của mình vậy, xuất phát từ tâm thôi, anh chị cảm thấy vui khi được giúp đỡ người khác là đủ rồi".

Để có thể đón chú Hải về chăm sóc, vợ chồng anh Bình phải chở chú Hải đi chuộc lại giấy tờ tùy thân mà chú Hải đã cầm cho một tiệm trước đây để về đăng ký tạm trú tạm vắng với chính quyền địa phương. Đồng thời, anh Bình cũng thu xếp cho chú Hải một công việc nhẹ nhàng ở cửa tiệm để chú đỡ buồn chán.

Nói đến vợ chồng anh Bình, chú Hải xúc động: "Giờ chú ở nhà của vợ chồng Bình, không có máu mủ gì hết mà giúp chú như thế này, chú mang ơn lắm. Cũng có nhiều cô cậu học sinh tìm đến hỏi thăm, giúp đỡ, chú cảm ơn ân nghĩa mà mọi người đã dành cho mình".

Những phần quà mì, gạo, thực thẩm gửi đến chú Hải trong ngày 7/4.

Ngồi trong căn nhà của vợ chồng anh Bình, chú Hải uống ly cà phê, rưng rưng nước mắt. Có lẽ chú cũng không ngờ được cuộc sống của mình lại thay đổi như vậy khi có thêm rất nhiều người con, người cháu tìm đến giúp đỡ, hỗ trợ.

Ở cái tuổi xế chiều, chú cũng chẳng mong được ăn sung mặc sướng, có một nơi ở, một công việc vừa đủ để lo cơm ngày ba bữa là mừng rồi.

"Chú không biết nhậu đâu nghen, bia đưa tiền cho chú cũng không uống, cho chú uống cà phê đá là được rồi" - chú Hải cười hào sảng khi nói chuyện với anh Bình.

Cảm ơn mảnh đất Sài Gòn - nơi luôn có những con người viết nên bao câu chuyện thật đẹp về sự sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau!

Tác giả: Văn Tiên

Nguồn tin: toquoc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP