Xã hội

Dùng que nứa, rễ cây phá thai: Hình thức "phá thai phạm pháp"

Là bác sĩ có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực sản phụ khoa, PGS.TS Phạm Bá Nha – Trưởng khoa Phụ sản, bệnh viện Bạch Mai gọi những ca như dùng que nứa để phá thai dẫn tới thai phụ tử vong là “phá thai phạm pháp”.

Trước đây, những ca phá thai như thế không hiếm gặp. Trong đó có cả những bà lang đặt que hay rễ cây vào trong cổ tử cung của thai phụ.

“Các ca “phá thai phạm pháp” trước đây chúng tôi gặp thường được chuyển tới từ những tỉnh xa hay vùng núi. Tôi không hiểu sao, ở thời điểm này vẫn có những người phá thai theo cách đó”, PGS.TS Phạm Bá Nha nói.

Theo phân tích của PGS. Nha, việc “phá thai phạm pháp” như thế để lại hậu quả rất nặng nề. Nhẹ gây viêm nhiễm tử cung vì bản chất của việc này để có thể phá thai được, họ đặt các dị vật vào tử cung. Các dị vật hay gây phản ứng viêm tại chỗ, gây tử cung co bóp để đưa thai nhi ra.

Nặng là nhiễm trùng huyết vì vi khuẩn vào máu gây nhiễm trùng huyết, gây tắc mạch, có thể dẫn tới tử vong.

“Những trường hợp gây nhiễm trùng tử cung, chữa kháng sinh giữ được tử cung thì tốt, nếu không phải cắt tử cung. Nếu cắt sớm thì giữ tính mạng, có người cắt tử cung rồi nhưng người bệnh vẫn tử vong vì suy đa tạng.

Đây là tôi đang nói tới những thai nhỏ, còn có những cơ sở “phá thai phạm pháp” phá thai to gây hậu quả rất nghiêm trọng như vỡ tử cung”, PGS. TS Phạm Bá Nha cho hay.

Sản phụ tử vong sau khi nhờ thầy lang phá thai.

Đối với những trường hợp qua các cơ sở “phá thai phạm pháp” và được đưa vào bệnh viện cấp cứu, theo PGS. TS Phạm Bá Nha, sẽ tùy từng tổn thương của bệnh nhân để xử lý.

Với những ca phá thai còn đang nhiễm trùng tử cung, các bác sĩ điều trị kháng sinh ở tử cung để làm cho việc nhiễm trùng dừng lại. Nếu còn sót những tổ chức trong buồng tử cung, các bác sĩ lấy tổ chức ra một cách sạch sẽ nhất, và đánh giá xem nhiễm trùng ở mức độ nào để điều trị cho phù hợp.

“Trường hợp những nhiễm trùng này lan tỏa và gây ra nhiễm trùng huyết, chúng tôi phải cắt tử cung vì đó là ổ tiên phát phóng vi khuẩn đi trong cơ thể phụ nữ.

Sau khi cắt tử cung, chúng tôi kết hợp điều trị nội khoa, hồi sức cho bệnh nhân thật tốt để bệnh nhân có thể qua khỏi”, PGS. TS Phạm Bá Nha phân tích.

Bên cạnh đó, PGS. Nha cũng đưa ra những cơ sở để nhận định đó là cơ sở “phá thai phạm pháp” khi họ không có giấy phép hoạt động; hoặc đi kèm với cơ sở vật chất không đầy đủ, không được huấn luyện đào tạo đầy đủ về sản phụ khoa, việc vô trùng của họ kém nên khả năng nhiễm trùng là vấn đề cao.

Đặc biệt, những trường hợp phá thai ở các bà lang, là những người không có bằng cấp, không được đào tạo, phá thai tự phát và truyền miệng, rất nguy hiểm.

“Phụ nữ, thứ nhất không nên có thai ngoài ý muốn. Nếu lỡ có thai ngoài ý muốn phải khám tư vấn ở các bác sĩ sản khoa và các cơ sở y tế được Nhà nước cho phép hoạt động, vì họ được cấp giấy phép, được Nhà nước giám sát về mọi mặt chuyên môn nghiệp vụ, được phép cho làm nội dung. Thứ 2, không nên đi tới các cơ sở phá thai của những người như tôi phân tích trên vì đó là cơ sở phạm pháp.

Đặc biệt phải nghiêm khắc trong vấn đề xử lý các cơ sở như thế, đồng thời tuyên truyền cho người dân đừng bao giờ tới những cơ sở này”, PGS.TS Phạm Bá Nha khuyến cáo.

Trước đó như thông tin đã đưa, khoảng 8h ngày 12/3, bà Thanh là thầy lang, không có chuyên môn, trình độ văn hóa lớp 7 đã phá thai cho chị V.T.K (30 tuổi, xã Châu Phong, huyện Quỳnh Châu, Nghệ An) tại nhà. Sau đó, chị K. tử vong nghi do bà Thanh dùng que nứa để phá thai.

Tác giả: Nguyễn Huệ

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: rễ cây ,que nứa ,phá thai

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP