Trong nước

Đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách

Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, một mặt phải coi trọng chất lượng, mặt khác phải thường xuyên sàng lọc, đưa người không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Ngày 22-7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 5).

664 tổ chức cơ sở Đảng bị thi hành kỷ luật

Trong ngày làm việc thứ 2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã trình bày chuyên đề về "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới".

Bà Trương Thị Mai cho biết tổ chức cơ sở Đảng tiếp tục được củng cố, kiện toàn, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng còn hạn chế.

Bà Trương Thị Mai cho biết nhiệm kỳ 2016 - 2020 có 664 tổ chức cơ sở Đảng bị thi hành kỷ luật (khiển trách 503 tổ chức, cảnh cáo 161 tổ chức), tăng 114 tổ chức so với nhiệm kỳ 2010 - 2015, trung bình thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức (khoảng 0,2%). Tính riêng năm 2021, đã thi hành kỷ luật 223 tổ chức Đảng (khiển trách 159 tổ chức, cảnh cáo 64 tổ chức), cao hơn nhiều so với bình thường và việc này có thể do làm nghiêm hơn so với trước.

"Nhìn vào con số kỷ luật 0,2% là thấp nhưng trong hơn 50.000 tổ chức cơ sở Đảng không thể xem thường và mỗi nơi, tổ chức cơ sở Đảng bị kỷ luật thì ở đó lòng tin của nhân dân bị giảm sút. Vì thế, sau này, đề nghị ở đâu tổ chức cơ sở Đảng bị kỷ luật phải thay cấp ủy. Không thể để mấy ông cán bộ bị kỷ luật ngồi đó mãi, ảnh hưởng lòng tin của dân với Đảng" - bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Phân tích thêm hạn chế, bà Trương Thị Mai cho rằng ngay từ lúc vào Đảng mà động cơ không đúng, không trong sáng, rồi bước vào Đảng hoạt động cả cuộc đời thì không thể tin tưởng sẽ trong sáng được. "Rất tiếc có một bộ phận giữa đường gãy cánh, gãy cánh nặng chứ không phải nhẹ. Đó là điều rất buồn" - bà Trương Thị Mai bày tỏ.

Tiếp tục làm rõ hạn chế về nguyên tắc tập trung dân chủ trong các bước bổ nhiệm cán bộ, bà Trương Thị Mai đề nghị làm rõ cụ thể bước "dân chủ" và bước "tập trung". "Đảng mong muốn phát triển được nhiều đảng viên nhưng không vì vậy mà không đưa ra khỏi Đảng những người không còn đủ tư cách. Bởi những người không đủ tư cách sẽ làm cho Đảng ngày càng yếu đi. Vì vậy, một mặt coi trọng chất lượng, mặt khác phải thường xuyên sàng lọc đưa người không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng" - bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

100% bí thư cấp huyện không phải là người địa phương

Về những mục tiêu cụ thể, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu từng cấp ủy phải xây dựng mục tiêu phù hợp nhiệm vụ của mình. "Đối với mục tiêu hằng năm 90% tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên được đánh giá xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Tỉ lệ này hiện nay đã đạt được nhưng liệu có thực chất hay không? Do đó sắp tới phải có giải pháp để tỉ lệ này đạt thực chất" - bà Trương Thị Mai yêu cầu.

Về giải pháp liên quan đến quy hoạch, tạo nguồn, xây dựng cán bộ cơ sở, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh đến mục tiêu phấn đấu 100% bí thư cấp huyện không phải là người địa phương.

"Theo Nghị quyết 26, đến năm 2025, tất cả 100% bí thư cấp huyện không phải là người địa phương. Bí thư cấp tỉnh cơ bản không phải là người địa phương. Ban Tổ chức Trung ương đang cố gắng tham mưu làm việc này. Hiện nay có khoảng 33, tới đây sẽ có 36 bí thư tỉnh ủy, thành ủy không phải là người địa phương và cố gắng sắp xếp bảo đảm theo Nghị quyết 26. Còn bí thư cấp huyện đề nghị tiếp tục tính toán để bảo đảm theo Nghị quyết 26 là 100% không phải là người địa phương" - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho hay.

Phấn đấu năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai

Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm nhuần sâu sắc nội dung 4 nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5.

Lưu ý một số nội dung cốt lõi cần quan tâm tuyên truyền trong Nghị quyết về quản lý và sử dụng đất đai, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh việc sẽ bãi bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường sẽ khắc phục được tình trạng 2 giá trong thời gian vừa qua, hay là đối với những dự án phải thực hiện tái định cư thì phải tái định cư xong mới thu hồi đất. Nhà nước bảo đảm nguồn lực để quy hoạch các phân khu, ngành, lĩnh vực có sử dụng đất; thực hiện cơ chế thảo luận trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người dân và doanh nghiệp để xây dựng những khu đô thị và nhà ở thương mại...

Đề cập Nghị quyết 21 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng là vấn đề hệ trọng, cần có đột phá một số khâu trong xây dựng tổ chức Đảng và đảng viên, phải tạo ra sự đột phá trong đánh giá, xếp loại đối với tổ chức Đảng, đảng viên một cách thực chất, phản ánh đúng hiện thực khách quan.

Để nghị quyết đi vào cuộc sống, Thường trực Ban Bí thư đề nghị ngay sau hội nghị này, cùng với việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, các cấp ủy, tổ chức Đảng khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung 4 nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 thành kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm và lộ trình thực hiện rõ ràng, sát thực tiễn, khả thi, hiệu quả. Trong đó, phấn đấu đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan.

Tác giả: THẾ DŨNG

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP