Giáo dục

Đưa Đề án "Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh" vào trường học

Việc đưa "Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh" vào các trường THPT, trường Cao đẳng Y tế...trên địa bàn đã được Chi cục DS-KHHGĐ, tỉnh Quảng Ninh triển khai và đánh giá cao.

Một tiết sinh hoạt ngoại khóa của học sinh (ảnh: V.A.)

Đây cũng được coi là một trong những giải pháp rất hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của giới trẻ về lĩnh vực này.

Theo đó, thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số. Nhờ đó, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng được cải thiện và phát huy hiệu quả; đáp ứng yêu cầu của người dân...

Cán bộ dân số của Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà tư vấn kiến thức về SKSS cho người dân các xã vùng khó (ảnh: Q. Ngh.)

Cụ thể, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ đã lồng ghép nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh vào giảng dạy tại 24 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, chuyên viên, chuyên viên chính với thời lượng 10 tiết học/lớp đào tạo.

Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh cũng phổ biến nội dung các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh vào giảng tại 24 lớp cho sinh viên trước khi ra trường với thời lượng ít nhất 10 tiết học và tổ chức ký cam kết thực hiện đối với sinh viên ra trường.

Đồng thời, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh còn phối hợp với Sở GD-ĐT đưa nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh vào các trường THPT, THCS trên địa bàn bằng hình thức sinh hoạt ngoại khóa với tổng số 56 buổi...

Theo thống kê của tỉnh Quảng Ninh, nhờ hiệu quả của công tác tuyên truyền theo hình thức như trên, 90% người dân trên địa bàn đã cơ bản nắm bắt được hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng như lựa chọn giới tính khi sinh; 90% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có hiểu biết đầy đủ về hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh đối với việc kết hôn của con cái họ trong tương lai…

Cũng theo tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, ngành Dân số tỉnh cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực từ mô hình nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mô hình này hiện đang được triển khai tại 74 xã của 9 huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, đạt hiệu quả và thu hút được cộng đồng dân cư tham gia tích cực.

Một mô hình dân số khác cũng đã và đang được triển khai tích cực đó là mô hình tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân.

Mô hình được triển khai với mục tiêu nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản trong vị thành niên - thanh niên và hiện đã trở thành kênh thông tin hữu ích của nhiều bạn trẻ về những kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý lứa tuổi…

Tác giả: An Nhiên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP