Xã hội

Đưa 'cụ rùa' về với thiên nhiên

Trong tháng 9 vừa qua, người dân ở huyện Thanh Chương hai lần bắt được rùa lạ, nặng khoảng 16 kg. Tuy nhiên, khả năng đó chỉ là một cá thể duy nhất.

Trước đó, ngày 3/9/2017, ông Nguyễn Lâm Sơn (trú tại xóm 13, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương) bất ngờ phát hiện một con rùa lớn dọc ven đường. Sau đó ông đã bắt về nhà và hôm sau phóng sinh ở một ngồi đền gần nhà.

Đến ngày 22/9/2017, người dân xóm Minh Đường, xã Thanh Tùng lại tiếp tục bắt được một cá thể rùa có ngoại hình, cân nặng tương tự. Nhiều khả năng đây chính là con rùa đã được ông Sơn phóng sinh trước đó.

Rùa lạ xuất hiện ở xóm Minh Đường, Thanh Tùng được người dân giữ lại. Ảnh: Anh Thế


Người dân rất hiếu kỳ, kéo nhau đến xem, việc cá thể rùa lạ và lớn như thế này chưa từng xuất hiện ở địa phương. Người dân dự định thả rùa ra sông Lam, cách làng khoảng 500m, nhưng sợ rùa bị bắt và có thể gặp rủi ro, nên đã trao đổi với chính quyền địa phương, mời cơ quan kiểm lâm tiếp nhận và gửi “cụ rùa” về với rừng Quốc gia Pù Mát, Con Cuông, Nghệ An.

Ngày 28/9/2017, đại diện hạt Kiểm lâm huyện Thanh Chương và cán bộ vườn Quốc gia Pù Mát đã về làm việc với người dân xóm Minh Đường và chính quyền xã Thanh Tùng để nhận bàn giao “cụ rùa” về với rừng Pù Mát.

Qua trực tiếp quan sát và các hình ảnh tư liệu, tài liệu về phương pháp nhận dạng 26 loài rùa ở Việt Nam của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) thì “cụ rùa” này là loài rùa răng, có tên khoa học là Heosemys annandalii, một loài rùa trong họ Emydidae (rùa đầm). Loài này được Boulenger mô tả khoa học đầu tiên năm 1903. Chúng là một loài rùa lớn nguồn gốc từ Đông Nam Á. Những con rùa này sống thủy sinh và có thể có kích thước lớn tới hơn 51 cm, có thể nặng tới hơn 20 kg.

Hình ảnh “cụ rùa” trước lúc được các cán bộ đưa về rừng Pù Mát (hàm hình răng, đặc trưng của loài rùa răng). Ảnh: Anh Thế


Đây là loài được liệt kê trong sách đỏ của Thế giới (IUCN) ở mức độ nguy cấp (Endangered, viết tắt EN) khi nó phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao trong một tương lai rất gần. Và thuộc nhóm II theo Công ước về buôn bán Quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Trong sách đỏ Việt Nam, rùa răng được xếp ở mức độ V (Vulnerable), tức là sẽ nguy cấp (có thể bị đe doạ tuyệt chủng). Dù chúng có trong sách đỏ, tuy nhiên đã có thể nhân nuôi một số nơi.

Rùa răng là loài rùa nước ngọt mai cứng, sống ở kênh rạch, ao hồ, đầm lầy, kể cả ruộng lúa nước nơi có dòng chảy chậm. Khi bị trêu chọc, rùa thường phản ứng bằng cách khoe mỏ hình răng để dọa. Thức ăn chủ yếu thực vật thủy sinh, trong điều kiện nuôi nhốt rùa còn ăn quả và các loại rau.

Rùa đẻ trứng vào khoảng tháng 12 và mỗi lứa đẻ 4 trứng có vỏ vôi. Số lượng rùa răng giảm sút nhiều trong tự nhiên, ước tính trên 50% do săn bắt, buôn bán và chất lượng nơi cư trú suy giảm do môi trường bị ô nhiễm như thuốc trừ sâu, phân bón hóa học,...

Nơi phân bố chính của chúng ở vùng đồng bằng Nam Bộ, loài rùa này cũng có ở Lào, Campuchia, Thái Lan và Malaysia, việc “cụ rùa” xuất hiện ở Nghệ An là điều lạ, tuy nhiên có thể trong quá trình vận chuyển, mua bán động vật hoang dã bị sổng, hoặc được ai đó thả ra./.

Tác giả: Anh Thế

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP