Trong nước

Dự thảo điều chuyển “luồng xe” của Sở GTVT Hà Nội bị phản đối?

Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản số 1339/SGTVT-QLVT gửi Sở GTVT các tỉnh, các cơ quan chức năng liên quan cũng như các đơn vị kinh doanh vận tải ô tô khách về kế hoạch điều chuyển một số luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe trên địa bàn thành phố. Theo đó, hàng trăm lượt xe liên tỉnh tuyến Hà Nội đi Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Gia Lai, Đắk Lắk sẽ bị điều chuyển từ bến Mỹ Đình về bến Nước Ngầm.


nha xe keu troi vi bi ep dieu chuyen luong xe 1465101542
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách tuyến Nghệ An – Mỹ Đình không đồng tình với kế hoạch điều chuyển của Sở GTVT Hà Nội


Tuy nhiên, kế hoạch điều chuyển này của Sở GTVT Hà Nội đang vấp phải sự phản đối của các nhà xe cũng như sự không đồng tình của Sở GTVT các tỉnh.

Kế hoạch điều chỉnh không đảm bảo tính pháp lý?

Trước đó, ngày 22/12/2015, UBND Thành phố Hà Nội có công văn số 8848/VP-XDGT chỉ đạo Sở GTVT chủ trì phối hợp với Công an TP và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức sắp xếp hợp lý, khoa học luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh trên địa bàn Thành phố theo quy hoạch đã được Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội phê duyệt.

Thực hiện chủ trương trên, ngày 8/4/2016, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản số 1339/SGTVT-QLVT về kế hoạch sắp xếp, điều chuyển một số luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo kế hoạch này, việc điều chuyển sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 sẽ lựa chọn các tuyến có cự ly từ 240km trở lên từ bến xe Mỹ Đình đi các tỉnh phía Nam để điều chuyển về bến xe Nước Ngầm.

Cụ thể, các tuyến đi Nghệ An (66 lượt xe/ngày), Hà Tĩnh (5 lượt xe/ngày), Gia Lai (01 lượt xe/ngày), Đắk Lắk (04 lượt xe/ngày). Giai đoạn 2 lựa chọn các tuyến có cự ly từ 145km trở lên từ bến xe Mỹ Đình đi Thanh Hóa để điều chuyển về bến xe Nước Ngầm, tất cả gồm 68 lượt xe/ngày. Thời gian điều chuyển dự kiến giai đoạn 1 là tháng 7/2016 hoặc tháng 01/2017; giai đoạn 2 là tháng 01/2017 hoặc tháng 07/2017.

Sở GTVT Thành phố Hà Nội cho rằng, việc điều chuyển này phù hợp với lộ trình và hướng tuyến, cũng như quy hoạch của Thành phố và Bộ GTVT. Tuy nhiên, tại Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT ngày 26/6/2015 của Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã quy định rõ rằng:

“Đối với các bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động đến năm 2020, chi tăng cường vào các dịp lễ, tết”. Hay nói đúng hơn là kế hoạch điều chuyển các phương tiện vận tải hành khách đang hoạt động ổn định từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm của Sở GTVT Thành phố Hà Nội vào thời điểm hiện nay là không đảm bảo tính pháp lý.

...Đến bài toán hài hòa “lợi ích”

Trong số 10 bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội thì bến xe Mỹ Đình là bến có lưu lượng xe xuất bến lớn nhất (1350 lượt xe/ngày, cao điểm là 1642 lượt xe/ngày) và hoạt động hiệu quả nhất. Tuy nhiên, đó là thực tế của hiện tại, nhưng liệu có ai còn nhớ khung cảnh đìu hiu cách đây chục năm (khoảng năm 2006 – 2007), lúc bến xe này mới đi vào hoạt động.

d6bd4306 3ffd 4808 befa 8c595ef45b5a
Dự thảo Kế hoạch sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh của Sở GTVT Hà Nội khiến hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh vận tải hoang mang, lo lắng.

Khi đó, để khắc phục tình trạng ế ẩm của bến xe này, Sở GTVT Thành phố Hà Nội đã tiến hành điều chuyển hàng chục lượt xe Nghệ An, Hà Tĩnh từ bến xe Giáp Bát về bến Nước Ngầm và bến Mỹ Đình. Nay khu Mỹ Đình đang dần trở thành khu đô thị trung tâm thành phố, bến xe Mỹ Đình ngày càng ăn nên làm ra thì Sở GTVT Hà Nội lại lên kế hoạch điều chuyển họ về lại bến xe Nước Ngầm – bến có lưu lượng xe thấp nhất (290 lượt xe/ngày) và hoạt động kém hiệu quả nhất.

Mặt khác, tất cả các tuyến vận tải khách từ các bến xe Nghệ An đến bến xe Mỹ Đình đều đã được cơ quan quản lý nhà nước (Sở GTVT Hà Nội và Sở GTVT Nghệ An) chấp thuận từ năm 2009 trở về trước. Đồng thời, các tuyến cố định trên cũng nằm trong diện Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Bộ GTVT phê duyệt (tại Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT ngày 26/6/2015). Sau khi có Quyết định Quy hoạch định hướng và Quy hoạch chi tiết của Bộ GTVT, các doanh nghiệp, nhà xe đều đã dốc hết vốn liếng, cầm cố tài sản nhà cửa, vay nợ ngân hàng để đầu tư thay mới phương tiện, cơ sở vật chất (100% xe giường nằm) nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Nay hoạt động ổn định đã gần chục năm, “khách đã quen xe”, “xe đã quen tuyến”, nếu bị chuyển đi thì doanh nghiệp, chủ xe rất dễ đối mặt với nguy cơ “phá sản”.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Sở GTVT Nghệ An thì hiện nay lưu lượng xe xuất bến tại đầu bến xe Nước Ngầm đi đến các bến xe của tỉnh Nghệ An đã gần đạt ngưỡng theo Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT, tần suất xe xuất bến vào giờ cao điểm tại bến xe Vinh của tuyến bến xe Vinh – bến xe Nước Ngầm là 10 phút/chuyến, tuyến bến xe Vinh – bến xe Mỹ Đình là 05 phút/chuyến. Do đó, nếu thực hiện việc điều chuyển thì sẽ không thể sắp xếp được các nốt (tài) xuất bến tại các đầu xe. Mặt khác, hiện nay bến xe Mỹ Đình đã được đầu tư nâng cấp và mở rộng, phân luồng khoa học, xe ra vào bến không còn cảnh ùn tắc, quá tải nên việc điều chuyển là không cần thiết.

Xuất phát từ thực tế đó, ngay sau khi nhận được văn bản kế hoạch điều chuyển, Hiệp hội vận tải ô tô Nghệ An, Sở GTVT Nghệ An và UBND tỉnh Nghệ An đã có kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội xem xét giữ nguyên hiện trạng, không thực hiện điều chuyển các xe đang hoạt động ổn định trên tuyến vận tải khách cố định từ các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Nghệ An đến bến xe Mỹ Đình và ngược lại nhằm đảm bảo lợi ích thiết thực của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng như đảm bảo nhu cầu đi lại thuận lợi của nhân dân.

Tác giả bài viết: An Yên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP