Du lịch

Du lịch tâm linh: Nếu không hiểu thì tuyệt đối không nên làm

Du lịch tâm linh là gì? Vì sao ngành du lịch lại có một nhánh phát triển loại hình này? Du lịch tâm linh ở Việt Nam đang ở đâu trong cộng đồng du lịch thế giới?

Đường vào suối Yến, Chùa Hương. Ảnh: V.H

Ông Nguyễn Hoàng Anh, một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch khám phá, du lịch tâm linh 20 năm, hiện ông đang làm Phó Giám đốc Công ty TNHH phát triển thương mại và dịch vụ du lịch Ngọc Anh (tên giao dịch quốc tế là Wild Lotus) cho biết: “Thực ra khái niệm du lịch tâm linh không mới. Trong ngành công nghiệp du lịch thế giới nói chung người ta phát triển du lịch tâm linh rất nhiều. Tôi nói thế này cho dễ hiểu, ví dụ, với những người theo Công giáo, ai là tín đồ của tôn giáo này cũng muốn đến thánh địa Vantican. Đây là nhu cầu tự thân. Với người theo đạo Hồi, mỗi lần hành lễ, những tín đồ đạo Hồi từ bất kì nơi nào trên thế giới cũng quay mặt về phía hòn đá Kaaba – hòn đá thiêng nằm ở Mecca, Ả Rập. Mỗi năm có hàng triệu người Hồi giáo hành hương về đây để thể hiện đức tin của mình. Với những người theo Phật giáo thì do quan niệm của tôn giáo này, trên thế giới có rất nhiều di tích tôn giáo khác nhau nằm rải rác ở Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc, Nhật Bản... Các địa chỉ này luôn luôn có đông đảo các du khách đến lễ bái, cầu an, hoặc đơn giản chỉ là tò mò đến xem”.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Giám đốc Công ty du lịch Wild Lotus. Ảnh: V.H.

“Đấy là với tôn giáo, có nơi chưa phải là địa điểm tôn giáo mà chỉ là tín ngưỡng thì còn phức tạp và phong phú hơn rất nhiều. Tôi từng có khách đặt hàng tour để đến nước Mỹ xem mấy chỗ mà người ta đồn là có UFO đáp xuống thăm Trái Đất. Người ta tin như vậy và muốn được đi đến đó để thể hiện niềm tin của mình hoặc đơn giản chỉ là để kiểm chứng”.

“Như vậy, khi có nhu cầu đi lại, chiêm bái, hành lễ, hành hương thì có những người như chúng tôi cung cấp dịch vụ”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói. “Bản thân tôi đến nay đã tìm kiếm và làm hàng trăm tour cho hàng nghìn khách du lịch đến các địa chỉ tôn giáo của nhiều tôn giáo khác nhau. Mỗi lần như vậy đều phải nghiên cứu rất kĩ địa hình, phong tục tập quán, các điều cấm kị để hướng dẫn du khách. Chuyện tôn giáo rất nhạy cảm, có khi những hành vi, sinh hoạt bình thường ở nơi này lại trở thành điều tối kị ở nơi khác. Nếu không hiểu thì tuyệt đối không nên làm”, Phó Giám đốc Công ty du lịch Wild Lotus nhấn mạnh.

Về du lịch tâm linh ở Việt Nam, ông Hoàng Anh nói, ở Việt Nam, chuyện du lịch tâm linh cũng có từ lâu nhưng để hình thành khái niệm “du lịch tâm linh” thì người ta cũng mới nhắc đến gần đây. “Khoảng 10 năm trở lại đây, người Việt chi nhiều tiền hơn cho du lịch. Nguyên nhân là do thông tin có sự mở rộng, người ta biết đến chỗ này, chỗ nọ nhiều hơn. Đời sống khấm khá hơn người ta cũng muốn đi chơi cho biết, đi để nghỉ ngơi hoặc để thỏa mãn những ước nguyện sâu kín. Trước đây, khi tổ chức các đoàn đến chùa này, chùa kia khá phức tạp, bởi ngoài chùa ra thì địa phương ấy không có gì. Mỗi lần di chuyển từ nơi này sang nơi khác rất mất công. Bây giờ, chùa chiền các nơi đều tu sửa khang trang, ngăn nắp, các tỉnh đều xây dựng thành các quần thể, ngoài chùa chiền còn có khách sạn, các khu nghỉ ngơi, lưu trú. Các địa điểm được quảng bá, thông tin tốt thì người ta đến nhiều là dễ hiểu”.

Theo đề xuất của doanh nghiệp Xuân Trường, khu du lịch tâm linh Hương Sơn này sẽ được nạo vét để tạo cảnh quan. Ảnh: V.H.

Trước đề xuất xây dựng dự án khu du lịch tâm linh Hương Sơn của doanh nghiệp Xuân Trường, ông Nguyễn Hoàng Anh nói: “Chuyện dự án được duyệt hay không thì không thuộc chuyên môn của tôi, nhận xét gì cũng rất khó. Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ người làm du lịch, tôi thấy khó nhất là làm cho cả dự án bài bản, sạch sẽ. Sạch sẽ là thế nào? Ngoài chuyện môi trường, môi sinh, cảnh quan, còn phải sạch sẽ về cả tinh thần. Tinh thần ở đây bao gồm là tinh thần của người xây dựng và người đến lễ bái. Xây dựng chùa chiền cần nhất là cái tâm trong sáng".

Cổng vào khu du lịch tâm linh Tam Chúc do doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng. Từ đây đi về suối Yến, Chùa Hương chỉ 5 km. Ảnh: V.H.


Hiện tại, đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn của doanh nghiệp Xuân Trường chưa được chấp thuận và đang gây nhiều phản ứng trái chiều. UBND huyện Mỹ Đức - nơi được đề xuất thực hiện dự án cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng huyện Mỹ Đức đến năm 2030 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4465/QĐ-UBND ngày 27/8/2014, tại khu vực xã Hương Sơn có một số dự án như sau:

1. Cụm đổi mới xã Hương Sơn: quy mô khoảng 20ha gồm các chức năng khu công cộng dịch vụ , thương mại lễ hội, dịch vụ; Khu quảng trường cây xanh cảnh quan.

2. Trung tâm Festival hoa sen Hương Sơn: Quy mô dự kiến khoảng 172ha. Lấy di tích chùa Hương làm động lực phát triển chính, khai thác không gian cảnh quan mặt nước và hồ sen. Các hoạt động dịch vụ du lịch được bố trí trong Cụm đổi mới Hương Sơn với các chức năng hỗ trợ du lịch như trung tâm dịch vụ thương mại, sân lễ hội, chợ quê, bến bãi đỗ xe, các tuyến phố thương mại, tuyến phố văn hóa, lịch sử, quảng trường vườn hoa.

3. Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng: Quy mô dự án khoảng 150ha, với chức năng sinh thái, nghĩ dưỡng, các dịch vụ vui chơi giải trí… Chủ đầu tư Công ty CP tập đoàn Thái Bình Dương. Dự án đã được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc chủ trương lập quy hoạch phân khu dự án tại Thông báo số 1151/TB-UBND ngày 27/9/2017 của UBND thành phố Hà Nội.

4. Dự án cáp treo Hương Bình: Quy mô thực hiện dự án: khoảng 13,88ha. Hướng tuyến cáp treo : Tuyến cáp treo Hương Bình kết nối quần thể du lịch chùa Tiên, xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình với xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

5. Dự án Công viên nghĩa trang huyện Mỹ Đức: Tổng diện tích lập quy hoạch là 27,85ha trong đó diện tích đất lập quy hoạch nghĩa trang huyện là 10ha) đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 7096/QĐ-UBND ngày 23/12/2015.

6. Dự án Cải tạo suối Long Vân và xây dựng bến đò, bến xe Hang Vò xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức: Quy mô khoảng 12ha. Dự án này đang xin ý kiến chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Làm việc với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Thế Sự - Trưởng phòng Quy hoạch đô thị, UBND huyện Mỹ Đức cho biết: Nếu dự án của doanh nghiệp Xuân Trường được phê duyệt thì sẽ chồng lấn lên 2 dự án cáp treo Hương Bình và dự án Công viên nghĩa trang huyện Mỹ Đức.

Tác giả: Tử Hưng

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP