Du lịch

Đón khách về nhà 'làm' du lịch ở Con Cuông

Từ việc khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch, đời sống của các hộ gia đình làm du lịch homestay ở huyện Con Cuông khấm khá hơn nhờ nguồn thu từ các hoạt động phục vụ du khách.

Đây là một hướng đi khá bền vững trong phát triển du lịch ở huyện miền núi Nghệ An này.

Bản Nưa, xã Yên Khê là bản Thái đi đầu thực hiện mô hình du lịch cộng đồng của huyện Con Cuông; hiện có 3 hộ làm dịch vụ homestay - phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ tại chỗ của du khách tại những ngôi nhà sàn sạch sẽ, khang trang của mình.

Đến đây, ngoài được thưởng thức các món ăn của người dân bản địa và thưởng thức các tiết mục văn nghệ do các nghệ nhân của câu lạc bộ dân ca, dân vũ bản địa biểu diễn, du khách còn có dịp thăm quan nghề dệt truyền thống, mua sắm cho mình những sản phẩm lưu niệm thủ công như túi xách, ví thổ cẩm, quần áo dân tộc...

Chị Lô Thị Hoa ở bản Nưa, xã Yên Khê (Con Cuông) chuẩn bị đón khách lưu trú tại nhà. Ảnh: Hạnh Hậu

Năm 2016, chỉ riêng nhóm homestay ở Con Cuông đã đón 900 lượt khách trong và ngoài nước. Năm nay, đến giữa tháng 9, đã có hơn 1.200 lượt khách đến với dịch vụ này.

Khách du lịch chọn đến nhà nào thì nhà đó lo ăn nghỉ, nếu đoàn đông thì chia sẻ sang các homestay khác. Ăn uống thì nhóm ẩm thực lo, múa hát thì nhóm dân ca đảm trách. Chị em bảo ban phân công nhau, cùng làm, cùng hưởng.

Chị Vi Thị Mơ, thành viên tổ du dịch cộng đồng bản Nưa chia sẻ: “Trước đây, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào làm ruộng, mỗi khi cần tiền nộp tiền học cho con hay nôppj tiền điện là phải lo vay mượn hay bớt đi 2-3 con gà để bán. Nhưng từ khi tham gia làm du lịch, mỗi tháng tôi có nguồn thu nhập khoảng 3 triệu đồng, đủ trang trải.... Làm du lịch không chỉ có thu nhập ổn định mà được gặp gỡ nhiều đoàn khách trong cũng như ngoài nước, học hỏi được nhiều điều, giới thiệu được những nét văn hóa của dân tộc mình".

Khách du lịch theo hình thức homestay ở huyện Con Cuông. Ảnh: Hạnh Hậu

Từ khi làm du lịch, cuộc sống của các thành viên nâng lên rõ rệt. Chị Vi Thị Hoa là tổ trưởng cũng đã tu sửa lại nhà cửa với diện tích gần 100m2 để phục vụ khách lưu trú. Mỗi một khách lưu trú qua đêm có giá 60.000 đồng, thời điểm khách đông có 20-30 khách lưu trú tại gia đình.

Chị Lô Thị Hoa - tổ trưởng tổ du lịch cộng đồng bản Nưa, xã Yên Khê cho biết: “Việc tham gia làm du lịch theo mô hình homestay đã giúp gia đình tôi có thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm, cao hơn so sản xuất nông nghiệp trước đây. Hiện nay trong bản bắt đầu có thêm các hộ học tập để làm homestay.

"Chúng tôi thấy vui và luôn ủng hộ vì nếu càng nhiều nhà trong bản cùng làm du lịch, thì làng bản đẹp hơn, làm du lịch tốt hơn. Khách đến nhiều hơn, dân bản vừa có thu nhập, vừa vui” - chị Hoa cho biết thêm.

Các món ăn hấp dẫn của người Thái. được phục vụ bởi các chị em phụ nữ khéo tay ở các điểm Homestay. Ảnh: Hạnh Hậu

Hiện, huyện Con Cuông có 4 điểm làm du lịch cộng đồng đang đi vào hoạt động, đó là: bản Khe Rạn, xã Bồng Khê; bản Nưa, bản Pha xã Yên Khê và bản Xiềng, xã Môn Sơn. Các điểm du lịch cộng đồng đi vào hoạt động đã góp phần giúp người dân bản địa phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.

Ông Nguyễn Xuân Nam - Trưởng phòng Văn hóa huyện Con Cuông nhấn mạnh: “Mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng đang là lợi thế của huyện Con Cuông. Hy vọng các cấp, các ngành chức năng có thêm nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích người dân cùng tích cực tham gia vào hoạt động du lịch, để kinh doanh du lịch trở thành một nghề chính của bà con dân tộc nơi đây”.

Tác giả: Minh Hạnh - Bá Hậu

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP