Trong tỉnh

Đổi thay “thánh địa ma túy” xứ Nghệ (2): Hẩm hiu những đứa trẻ sống lay lắt do bố mẹ vào tù

Sinh ra ở vùng đất được mệnh danh là “đất trắng” bởi tệ nạn ma túy, không ít em nhỏ ở bản Xốp Mạt có bố mẹ đang thụ án tù hoặc mất sớm, cuộc sống vô cùng khốn khó.

Tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An có tới 68 người đang chấp hành án phạt tù liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Thế nhưng, chỉ tính riêng bản Xốp Mạt đã có 13 người đang thi hành án phạt tù, có 3 người vừa mãn hạn về địa phương.

“Trước đây, bản Xốp Mạt là một trong những điểm nóng ma túy của xã Lượng Minh và của cả huyện Tương Dương. Xốp Mạt nằm dưới chân núi Pù Lôm, đây là điểm trung chuyển ma túy từ Lào qua Kỳ Sơn sang Tương Dương rồi đi về xuôi. Cũng chính vì vậy, ma túy đã “càn quét” bản làng vùng cao này”, ông Vi Văn Thủy, Trưởng Công an xã Lượng Minh cho biết.

Một góc bản Xốp Mạt.

Vào những năm 2000, Xốp Mạt có gần 40 hộ dân thì có đến 30 hộ có người đi tù vì ma túy. Thậm chí, có gia đình tới 3 người đi tù vì ma túy, 8 người nghiện. Thời điểm này gần 100% đàn ông trong bản đều dính đến “nàng tiên nâu”. Vì vậy, trong bản làng bất hạnh này, nhiều đứa trẻ phải chịu cảnh mồ côi từ nhỏ. Đau xót hơn, bố mẹ nhiễm HIV, sinh ra các em đã mang căn bệnh thế kỷ.

Thấy có khách đến nhà, em Lương Thị Phương T. (11 tuổi) lập tức chạy trốn vào sau bếp nhà. Hỏi ra mới biết em ngại người ta hỏi về thân thế của mình bởi cả bố và mẹ đều đã chết vì HIV. Hiện, T. và người chị gái Lương Thị Lan A. (13 tuổi) đang sống tại nhà bà Lương Thị Hồng, chị gái của ông ngoại T..

“Điều đau đớn nhất là T. sinh ra cũng mang căn bệnh thế kỷ. Bố mẹ mất từ khi mới lọt lòng nên giờ nó chẳng nhớ mặt ai nữa cả. Sau đó, hai chị em được ông bà ngoại chăm sóc. Nhưng cách đây mấy năm ông bà ngoại đều đã mất. Tội các cháu phải chịu cảnh mồ côi từ nhỏ, lại nhiễm HIV nên tôi đưa về nuôi dạy”, bà Hồng thở dài.

Ngoài hai chị em T., bà Hồng còn cưu mang hai cháu ruột là em Lương Thị May Ng. (13 tuổi) và Lương Phú C. (12 tuổi) có mẹ đang thụ án tù, bố bỏ đi. Cuộc sống của 5 bà cháu vô cùng chật vật, chi tiêu hằng ngày chỉ biết nhìn vào số tiền ít ỏi của bà Hồng tại trạm y tế xã.

“Hồi mang bầu Ng., bố mẹ nó sử dụng ma túy quá nhiều nên khi sinh ra rất yếu ớt. Thân hình phát triển không bình thường, đầu và bụng to bất thường khi tay chân lại rất yếu đuối, chỉ cần đi bộ cũng đã mệt rồi nên chẳng thể làm được gì cả”, bà Hồng thở dài.

Bà Hồng một mình chăm sóc các cháu.

Mặc dù biết hoàn cảnh khó khăn nhưng cả 4 em đều vô cùng hiếu học. May mắn sách vở và áo quần của chị em đều do thầy cô trong trường và các nhà hảo tâm giúp đỡ. Sau mỗi buổi học, các em chia nhau giúp bà nấu cơm, ngày nghỉ thì lên rừng lấy củi, xuống sông xúc cá, tép về cải thiện bữa ăn.

Đặc biệt, Lương Thị Lan A. biết rằng mình là người chị cả trong nhà nên vô cùng cố gắng. Em nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. “Em chưa biết sẽ học tiếp lên nữa hay không, nhưng trước mắt phải thật chăm học mới có hy vọng về tương lai”, Lan A. nói.

Thế nhưng khi được hỏi về bố mẹ thì cô bé bình thản một cách lạ lùng. Nếu như ở gia đình khác, thiếu đi sự chăm sóc của người bố hoặc người mẹ thì cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn. Nhưng nơi đây, sự thiếu thốn đó đã bám lấy từ lúc sinh ra, vì vậy ở lâu trở thành quen.

Lan A. thường thay bà làm các công việc ở nhà.

Cách đó không xa là ngôi nhà tạm bợ của bà Lô Thị E. (60 tuổi), câu chuyện buồn của gia đình bà E. cũng là một lời ru buồn, là nốt trầm điển hình của hàng trăm người phụ nữ “không chồng” nơi đây. Trong ngôi nhà chẳng còn tài sản nào đáng giá ngoài chiếc xe máy cũ kỹ được phủ chăn kít mít ở góc nhà.

Vài năm trước, cậu con trai duy nhất của bà E. bắt đầu rơi vào cảnh nghiện ngập rồi dính án vì ma túy. Sau khi con trai bị bắt giam, hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn càng thêm chồng chất, cô con dâu đã không chịu nổi đành bỏ lại con trai cho bà E. nuôi dưỡng để về sống với bố mẹ.

“Khổ quá nó không chịu được nên đã bỏ về với bố mẹ đẻ ở rồi. Tất cả cũng tại vì ma túy mà gia đình ra nông nỗi này. Chỉ tội người cháu nội, mới mấy tuổi nên không hiểu gì cả. Tôi thì sức khỏe ngày càng yếu, không biết chăm cháu đến lúc nào nữa đây”, bà E. nghẹn ngào.

Người cháu nội của bà E. mới 2 tuổi chạy loăng quăng chơi khắp nhà, nhưng chốc chốc lại vào ôm chân bà. Đối với bé, bà vừa là cha vừa là mẹ, cậu bé cũng còn quá nhỏ nên không biết nỗi đau đó là gì. Cũng vì vậy khi nhìn vào đôi mắt trong veo của cháu khiến cho chúng tôi vô cùng xót xa.

Bà E. cùng người cháu 2 tuổi trong ngôi nhà cũ, giột nát.

Ông Lương Văn T. đã vào tuổi xưa nay hiếm nhưng hiện nay vẫn đang phải chăm 3 người cháu ngoại. Nguyên do con gái đầu của ông T. lấy phải người chồng nghiện ma túy rồi nhiễm HIV, lây sang cho vợ. Rất may đứa cháu ngoại không bị nhiễm mầm bệnh chết người này từ bố mẹ.

Còn người con gái thứ 2 cũng lấy phải chồng nghiện. Năm 2015, con rể ông T. bị tuyên phạt 4 năm tù, con gái bỏ 2 người con cho ông bà rồi đi Bắc Ninh làm thuê. “Vợ chồng chúng tôi đã già rồi, chẳng sống được bao lâu nữa. Thế mà giờ phải chăm 3 người cháu nhỏ đang tuổi ăn tuổi học”, ông T. thở dài.

Trưởng bản Xốp Mạt Lô Văn Phê cho biết: “So với trước đây thì tình trạng ma túy nay đã giảm nhiều rồi nhưng hệ lụy của nó thì vẫn cần nhiều thời gian để giải quyết. Cũng khó tránh khỏi vì ma túy đã hoành hành trong hàng chục năm, hiện cán bộ bản, chính quyền địa phương đang cố gắng hết sức”.

Ngôi trường của những em học sinh mồ côi

Trường có nhiều học sinh mồ côi cha mẹ do ma túy.

Trường PTDTBT THCS Lượng Minh có 308 học sinh đến từ khắp các bản trong xã, trong đó có 281 em thuộc diện bán trú. “Ở đây, trên 90% học sinh là con em hộ nghèo. Trong đó, có 24 em học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ do cả hai chết hoặc đang đi tù vì liên quan đến ma túy; gần 40 học sinh mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc 1 trong 2 người đang thụ án vì ma túy”, thầy Hiệu trưởng Trần Hưng Thái chia sẻ.

Tác giả: Anh Ngọc

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP