Kinh tế

Đời nối đời thiếu đất sản xuất

Sống giữa đồi núi rộng lớn nhưng lại không có lấy một tấc đất sản xuất, phải sống tạm, sống gửi đã để lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Vậy có giải pháp nào để đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân, có những bất cập gì từ thực tế sử dụng đất ở khu vực miền núi hiện nay.

Thiếu đất sản xuất – một vấn đề đã cũ nhưng đang nhức nhối trong đồng bào miền núi. Tại Quỳ Châu, có những làng bản đời nối đời không có đất sản xuất, làm thuê, làm mướn hoặc lang bạt khăp nơi, cuộc sống bếp bênh nghèo đói luôn đeo bám.

Sống giữa bạt ngàn núi rừng nhưng 285 hộ của làng Lâm Hội không có đất sản xuất


Thế hệ đầu tiên của làng Lâm Hội - xã Châu Hội là công nhân của Lâm trường Quỳ Châu. Họ đều là những người từ dưới xuôi lên lập thân lập nghiệp và lập làng. Thế nhưng, 31 năm qua, kể từ khi có làng, các thế hệ con em họ lớn lên không rừng, không ruộng, không có lấy một tấc đất sản xuất. 285 hộ, 1100 khẩu hiện vẫn chủ yếu dựa vào lương hưu, mốt ít đất của những cán bộ, công nhân lâm trường và buôn bán nhỏ lẻ ven đường để sinh sống.

Ông Nguyễn Đình Lợi - Làng Lâm Hội - Châu Hội lo lắng: Chúng tôi nghĩ rằng, tương lai của con em làng Lâm Hội không biết đi về đâu, có nghĩa là những lớp người về hưu của họ chết hết, con em không có đất đai thì biết sinh sống bằng nghề gì? Đất thì không có, mà lại cấp cây giống về, có những người lấy về chặt ngọn, đưa gốc đi bán, ra ăn tô phở là xong.

Bởi thiếu đất sản xuất, người làng Lâm Hội phải tự kiếm kế sinh sống, ai thuê gì làm nấy (Trong ảnh là chị Lê Thị Tuất kiếm sống bằng việc nhặt ve chai)


Cũng như nhiều người dân nơi đây, không có công ăn việc làm, chồng đi tha phương, ngày ngày phải nhặt ve chai nuôi 3 đứa con, 1 đứa khuyết tật, 1 đứa vừa đậu ĐH Bách Khoa nhưng đành tạm dừng lại, cuộc sống đối với chị Lê Thị Tuất là cả một gánh nặng đắng cay.

Theo chị Lê Thị Tuất – Làng Lâm Hội – Châu Hội – Quỳ Châu: Đất lâm nghiệp thì không có nên chúng tôi phải đi làm xa, chỗ nào thuê thì chúng tôi làm để nuôi con.

Phần lớn người dân ở đây sống nhờ vào đồng lương hưu ít ỏi


Người làng Lâm Hội muốn mở một con đường, muốn làm nghĩa địa đều phải xin đất lâm trường. Bởi trước mặt, sau lưng, bao quanh làng Lâm Hội là hàng trăm, hàng ngàn ha mía, keo của lâm trường Quỳ Châu. Và ngay trong làng, xưởng 1/5, một khu đất mặt đường 48 rộng chừng 1 ha theo người dân đã bỏ trống mấy chục năm nay. Hoang tàn, lãng phí, dù vậy nó vẫn nghiễm nhiên tồn tại trước sự mong mỏi có đất ở, đất sản xuất của hàng trăm hộ dân.

Ông Hoàng Thế Diệu - Bí thư chi bộ xóm Lâm Hội - Châu Hội - Quỳ Châu cho hay: Trụ sở này bỏ hoang hóa 30 năm rồi, nhưng huyện đội của xã, làng xin thành lập chợ ở đây không được. Vừa rồi có dự án của Hoa Kỳ cho trường mầm non nhưng cũng không được.

Cũng như Lâm Hội, bản Lầu 2 xã Châu BÌnh hiện vẫn còn 80% hộ dân chưa có đất sản xuất, và họ cũng đều là con em công nhân trước đây của lâm trường Cô Ba. Điều oái oăm là không có đất, nhưng các dự án cấp giống cây, con vẫn cứ rải rác về với bà con. Người dân không ít lần kiến nghị đề xuất lên xã, huyện, tỉnh, đại biểu QH, HĐND, nhưng chuyện đâu vẫn còn đó.

Người dân làng Lâm Hội trao đổi với PV NTV về tình trạng thiếu đất sản xuất


Ông Lê Hiến Dung - Bí thư chi bộ bản Lầu 2 - Châu Bình - Quỳ Châu cho biết: Muốn thoát nghèo thì phải có đất sản xuất. Chứ ở đây miền núi, buôn bán không làm được, dịch vụ cũng không có.

Cùng chung tình cảnh như người dân Lâm Hội, Lầu 2 ở Quỳ Châu còn rất nhiều. Một huyện miền núi có tới 94.000 ha đất lâm nghiệp thế nhưng hiện Quỳ Châu đang còn gần 2500 hộ trong tổng số gần 13.000 hộ chưa có đất sản xuất.

Tác giả bài viết: Thanh Huyền - Trường Ca

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP