Giáo dục

Đổi mới toàn diện giáo dục không khó, nếu Bộ biết lắng nghe

GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng rào cản đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà còn rất nhiều, và nó đến từ chính cơ chế, bộ máy quản lý quan liêu của Bộ.

LTS: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nguyên Đại biểu Quốc hội Khoá X,XI,XII gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích về công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay, trong đó có đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới quý bạn đọc bài viết này của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và trân trọng cảm ơn Giáo sư.


Ngày 8/12 vừa qua, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có bài phân tích "Đổi mới chương trình giáo dục nên bắt đầu từ đâu?" đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, được dư luận quan tâm hưởng ứng rộng rãi.

Tôi hoàn toàn đồng ý với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết với nhận định rằng, muốn giảm tải nội dung - chương trình giáo dục phổ thông buộc phải phân luồng mạnh mẽ, lấy lớp 10 làm một năm "dự hướng" để phân luồng mạnh mẽ hai năm học cuối cấp 11, 12 cho các em đủ kiến thức và tự tin vào đời.

Ba phương án lựa chọn mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đưa ra trong bài viết này, cá nhân tôi nghĩ rằng có thể cân nhắc giữa 5 môn hoặc 4 môn.

Nhưng nên phân ban rõ ràng để các em chọn, vừa đảm bảo được quyền lựa chọn của học sinh, vừa đảm bảo phù hợp thực tế trong việc bố trí thời khóa biểu, giáo viên và cơ sở vật chất.

1nguyen lan dung
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, ảnh do tác giả cung cấp.

Trong dự thảo Chương trình Tổng thể, có quan điểm cho rằng chương trình mới cần phân ban sâu từ năm lớp 10, tôi cho rằng không phù hợp. Bởi các kiến thức cơ bản cho các em vào đời chưa thể cung cấp đủ khi mới học hết lớp 9.

Quãng đời học phổ thông là hạnh phúc của mỗi người. Kiến thức cơ bản của tôi có được là do thời gian học phổ thông, sau đó mình có đủ công cụ để học tập suốt đời. Do đó không nên phân ban từ lớp 10 theo dự thảo chương trình mới.

Việc để học sinh tự chọn hoàn toàn 5 môn cũng sẽ khó thực hiện về việc bố trí giáo viên, thời khóa biểu.

Với hiểu biết của mình cùng với sự quan tâm đặc biệt của cá nhân tôi với các bậc học giáo dục phổ thông, trong khuôn khổ bài viết này tôi xin đề cập một số vấn đề khác liên quan đến đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong đó có đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Không nên sáng tạo lại bánh xe đạp

Thứ nhất, nên lựa chọn một mô hình giáo dục của một nước phát triển để áp dụng cho Việt Nam, để khỏi phải loay hoay tìm đường như hiện nay.

Tại sao chúng ta không học ngay Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore là những 'con rồng châu Á' rất phát triển?

Lấy Hàn Quốc làm ví dụ, họ bắt đầu nền giáo dục bằng cách dịch lại toàn bộ sách giáo khoa của Nhật Bản và đưa vào giảng dạy cho học sinh, không mất công "sáng tạo".

Mãi mấy năm sau, bộ sách giáo khoa Nhật Bản dịch sang tiếng Hàn mới được Hàn Quốc hóa dần dần.

Chúng ta nên lấy một nước phát triển làm gốc, học theo họ, không cần phải sáng tạo lại những gì người ta đã làm và thành công, sau đó mới điều chỉnh.

Sách giáo khoa của họ, nội dung học sinh cần nhớ rất ít, còn lại là nội dung, hình ảnh và chuyện kể minh họa rất thú vị, học sinh thích học.

Nếu mà phân ban sâu, các hội chuyên ngành chúng tôi hoàn toàn có đủ khả năng làm những chương trình bộ môn và sách giáo khoa như thế.

Thứ hai, nên phân luồng học sinh phổ thông lớp 11, 12 theo mô hình nào?

Nói về phân luồng học sinh phổ thông, định hướng nghề nghiệp cho các em thì cá nhân tôi thấy Nepal là một tấm gương điển hình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tham khảo.

2sinh hoc
Cuốn sách giáo khoa Sinh học lớp 11 của Nepal dày 700 trang. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết, sách này rất dễ học, lượng kiến thức phải nhớ rất ít so với nhiều hình ảnh và thông tin minh họa.

Nepal là một nước nghèo, nhưng có kết quả giáo dục tôi vô cùng ấn tượng. Bởi vì cấp THPT họ phân ban sâu ở hai lớp 11, 12 và coi đó là giai đoạn "dự bị đại học".

Nepal phân ra 4 ban cho học sinh lớp 11, 12 gồm: quản trị kinh doanh, toán - lý, hóa - sinh và khoa học xã hội. Mỗi một ban có 4 môn, cho nên sách giáo khoa sinh học của họ có 700 trang, học sinh không cần phải học thêm.

Về ngoại ngữ, Nepal chia ra hai loại, một loại dạy 100% bằng tiếng Anh từ mẫu giáo đến đại học, để đào tạo đội ngũ chuyên gia.

Loại thứ hai, tiếng Anh là ngoại ngữ được dạy từ cấp 1, các em tốt nghiệp trung học phổ thông hoàn toàn có khả năng đi xuất khẩu lao động và khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của học sinh Nepal rất tốt.

Chính vì các em học sinh lớp 11, 12 chỉ còn phải học có 4 môn nên có thời gian học rất sâu, không phải học thêm và được định hướng nghề nghiệp rõ ràng, hiệu quả.

Học sinh Nepal tốt nghiệp THPT không vào đại học cũng chẳng sao, em nào học ban quản trị kinh doanh có thể khởi nghiệp bằng buôn bán, học hóa - sinh có thể làm các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, toán - lý có thể học các nghề sửa chữa, cơ khí…

Thứ ba, tích hợp nên học chính tiền nhân của chúng ta

Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam vừa xuất bản cuốn sách Văn Minh Việt Nam, bản dịch tiếng Việt của Đỗ Trọng Quang dịch lại cuốn sách bằng tiếng Pháp của cố Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Huyên.



Đây có lẽ là cuốn sách giáo khoa "tích hợp" đầu tiên và đúng nghĩa nhất của nền giáo dục Đông Dương thời Pháp thuộc, được sử dụng cho các học sinh lớp Đệ nhị (tương đương THCS hiện nay) ở Đông Dương.

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên viết sách giáo khoa cho lớp Đệ nhị (bậc THCS) toàn Đông Dương năm ông 34 tuổi, khi ông mới bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Pháp và trở về nước chỉ 2 năm, viết theo đặt hàng của nhà cầm quyền thực dân Pháp thời bấy giờ.

3van minh
Cuốn sách Văn minh Việt Nam của cố Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, bản dịch Đỗ Trọng Quang vừa ra mắt bạn đọc.

Sách viết bằng tiếng Pháp, nhưng không viết về văn minh Pháp, mà viết về văn minh Việt Nam. Thời kỳ đó, học sinh học hết cấp 2 đã thông thạo tiếng Pháp để sử dụng sách giáo khoa. Mẹ tôi đỗ Diplom, tức là lớp 9 bây giờ mà bố mẹ tôi nói chuyện bằng tiếng Pháp thoải mái.

Nội dung cuốn sách này thực sự tích hợp một cách hệ thống, khoa học, cô đọng, dễ nhớ nhiều môn học khác nhau. Sách gồm 12 chương và một phần mở đầu - Lịch sử và địa lý.

Chỉ riêng lịch sử Việt Nam, tác giả Nguyễn Văn Huyên đã gói gọn chỉ trong 10 trang sách, rất cô đọng và dễ nhớ. Ngoài ra 12 chương nội dung gồm các đề tài hết sức khái quát và gần gũi với người Việt, đi từ thấp đến cao.

Bắt đầu từ chủng tộc Việt, gia đình dòng tộc, làng xã, đất nước, nhà cửa cho đến các đề tài về cộng đồng dân cư nông thôn và đô thị, vệ sinh - quần áo - ăn uống - thuốc thang, sản xuất kinh tế, đời sống tôn giáo, cho tới đời sống tinh thần và nghệ thuật.

Ngày nay tôi mong trẻ em Việt Nam làm sao chỉ cần nhớ được bằng này có thể khái quát toàn bộ lịch sử nước nhà, còn hơn là học thiên kinh vạn quyển mà chả nhớ gì để rồi Quang Trung - Nguyễn Huệ thành hai nhân vật.

Tôi nghĩ các thày dạy Sử nên xem lại, tại sao người trước chỉ dạy học sinh cấp 2 với 10 trang có thể khái quát toàn bộ tiến trình lịch sử, mà ngày nay học rất nhiều, học sinh không nhớ, mà cũng chẳng hứng thú với môn Sử.

Rõ ràng bây giờ trẻ con Việt Nam thông minh hơn, điều kiện học hành đầy đủ hơn, thời đại phát triển, thầy giáo giỏi hơn, nhưng giáo dục lại kém ngày trước? Đó là điều những người làm giáo dục ngày nay đáng phải cảm thấy băn khoăn chứ!

Ngày trước giáo dục cho số ít, bây giờ giáo dục cho số đông, thành tựu phổ cập là điều không thể phủ nhận, nhưng chất lượng giáo dục đang ngày càng đi xuống.

Bộ phải để các hội khoa học chuyên ngành tham gia viết chương trình bộ môn, sách giáo khoa

Ngành giáo dục Việt Nam phải cảm thấy tự ái khi thấy học sinh mình học bằng số năm với nước ngoài, thông minh, thi quốc tế được nhiều giải cao, giáo viên nghèo nhưng vẫn tận tụy và yêu nghề, vậy mà sao giáo dục Việt Nam vẫn lộn xộn như thế? Đó thuộc trách nhiệm của người tổ chức.

Đầu tiên là chương trình và sách giáo khoa. Tại sao đến bây giờ chưa có chương trình tổng thể và chương trình bộ môn?

Tại sao chúng ta không tận dụng các hội khoa học chuyên ngành? Trong khi chúng ta có đầy đủ các hội chuyên ngành, đủ khả năng viết chương trình bộ môn và sách giáo khoa, sau khi chương trình tổng thể được Nhà nước ấn định, phê duyệt.

Tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế mời các hội khoa học chuyên ngành tham gia viết chương trình bộ môn, sau đó Bộ thẩm định, duyệt và cho đấu thầu.

Hội Sinh học chúng tôi cũng đã chủ động làm chương trình giáo dục phổ thông bộ môn này, chúng tôi sẽ mời các chuyên gia và giáo viên phản biện độc lập để hoàn thiện.

Tôi đang đề nghị Bộ tổ chức đấu thầu chương trình bộ môn, nếu được, các hội khoa học chuyên ngành khác cũng hoàn toàn có quyền chủ động tham gia.

Tại sao Bộ lại đi chọn một vài người về làm chương trình bộ môn, mà không để các hội khoa học chuyên ngành chọn? Tại sao không để chúng tôi mời các giáo viên đang đứng lớp giảng dạy ở các trường chất lượng cao cùng các chuyên gia đầu đàn tham gia viết chương trình bộ môn?

Hội Sinh học chúng tôi cùng với Trường Phổ thông liên cấp Olympia tham gia xây dựng chương trình học môn Sinh học sao cho không thua kém các nước có nền giáo dục phát triển, nhưng lại không xa lạ với người Việt Nam.

Các hội khoa học chuyên ngành đều có thành viên là các giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn này. Hội Sinh học Việt Nam sẽ làm thí điểm và xin được đấu thầu.

Sau khi có chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt, nên giao phần viết chương trình cho các hội khoa học chuyên ngành, Bộ chỉ giữ vai trò thẩm định.

Sách giáo khoa cũng vậy, đơn giản hơn rất nhiều khi đã có chương trình bộ môn.

Việc Bộ đề ra tiêu chuẩn người viết sách giáo khoa là điều rất khó chấp nhận.

Sách giáo khoa chỉ có tiêu chuẩn là: không được sai so với chương trình đã duyệt, không sai về khoa học và chính trị, còn hay hay dở phải do học sinh và giáo viên đánh giá, xã hội đánh giá và lựa chọn.

Với sách giáo khoa chỉ cần nêu rõ 3 yêu cầu: Không được sai chương trình, không được phản khoa học và không được trái chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Trên thế giới đủ các loại sách giáo khoa, nhưng không giống nhau. Ví dụ về sinh trưởng của cây cối, người lấy vòng cây làm thước đo, người xem chiều cao là tiêu chuẩn, người so về trọng lượng nhưng nói chung là dùng để chỉ sự tăng sinh khối.

Sách giáo khoa sẽ do học sinh, phụ huynh và giáo viên trực tiếp giảng dạy lựa chọn, chứ không phải bộ, các sở hay phòng, hay hiệu trưởng các trường chọn và bắt các em phải theo như hiện nay.

Tiêu chuẩn người thẩm định sách giáo khoa thì phải có, nhưng không nên đặt tiêu chuẩn người viết sách giáo khoa. Giáo viên viết hay càng tốt, không nhất thiết phải là giáo sư, tiến sĩ.

Thực tế có rất nhiều thày cô dạy bộ môn rất giỏi, nhưng không bao giờ được mời tham gia biên soạn sách giáo khoa. Đó là một điều rất đáng tiếc.

Chất lượng người thầy

Thế hệ chúng tôi may mắn được học những người thày yêu nghề và có trình độ chuyên môn rất giỏi.

Cấp 2 tôi được học các thày giáo rất giỏi, như thày Hoàng Như Mai dạy Văn, thày Lê Bá Thảo dạy Địa, thày Trần Văn Khang dạy Sử, Toán tôi được học GS Hoàng Tụy, Lý tôi học thày Dương Trọng Bái, nhạc sĩ Phạm Tuyên dạy Nhạc, thày Nguyễn Khang dạy Vẽ, thày Trần Văn Giáp dạy Trung văn.

Lớp chúng tôi sau này đều trưởng thành trong nghề cũng như trong cuộc sống chính là nhờ có các thày giỏi.

Tốt nghiệp đại học năm 1956 thế hệ tôi, Văn có Cao Xuân Hạo, Cao Huy Đỉnh; Sử có Lâm, Lê, Tấn, Vượng; Lý có Vũ Đình Cự, Phan Đình Diệu; Toán có Nguyễn Văn Đạo…

Hồi đó chúng tôi học đại học có 2 năm rưỡi, tôi và anh Nguyễn Văn Hiệu tốt nghiệp năm 18 tuổi, chúng tôi biết rất ít, nhưng các thày thổi vào chúng tôi tình yêu khoa học và đặc biệt là tinh thần tự học không ngừng.

Ngay năm đầu tiên tôi tự học ngoại ngữ và dịch 2 cuốn sách về Vi sinh vật học, trong đó có nhiều thuật ngữ Vi sinh vật học lúc đó Việt Nam chưa có, và nhiều thuật ngữ tôi dịch vẫn đang được dùng đến ngày nay.

Thế hệ chúng tôi học tốt là do có các thày giỏi. Tấm gương các thày từ kháng chiến về, trong tay chả có gì, kiếm được một quyển sách dạy tiếng Nga từ tiếng Pháp các thày học cấp tốc để có thể dùng sách giáo khoa đại học của Nga để dạy cho chúng tôi.

Thế là chúng tôi cũng tự học tiếng Nga, và thế hệ đó hầu như đều giỏi tiếng Nga để có thể học, tiếp cận các tài liệu bằng tiếng Nga.

Chúng tôi không bao giờ xin thầy hạn chế phần nào nội dung thi, "đi thầy" mỗi khi thi cử như hiện nay.

Ví dụ học Hóa học, thầy Cát của chúng tôi đưa ra một bình chứa dung dịch và yêu cầu sinh viên phải tìm ra, trong bình đó có chứa những nguyên tố gì, với một loạt các chất thuốc thử trên bàn.

Học thực vật, thày Thời ra đề thi bằng cách đặt lên bàn 20 cây có hoa, chúng tôi phải trả lời chúng thuộc ngành gì, lớp gì, bộ gì, họ gì, chi gì, loài gì bằng tiếng Latinh. Bây giờ sinh viên có trả lời được không?

Bây giờ một tên tiếng Latinh của các loài thực vật, chưa chắc sinh viên đã nhớ được, vì các em không được thí nghiệm, chỉ học chay.

Thế hệ chúng tôi được học ít như thế, mà vẫn học giỏi, một là vì các thày quá gương mẫu, hai là chúng tôi học vì bản thân chúng tôi.

Cần xem lại chất lượng dạy ngoại ngữ và kỹ năng sống cho học sinh, chăm lo đời sống cho giáo viên

Thua kém đầu tiên là ngoại ngữ, tương đương lớp 9 ngày xưa nói chuyện thông thạo bằng tiếng Pháp, đọc được tiểu thuyết, nhưng bây giờ tốt nghiệp đại học không nói được tiếng Anh!

Giờ có quyết định mạnh mẽ dạy các ngoại ngữ từ lớp 3, nhưng tôi cực kỳ lo. Ai dạy? Nếu phát âm sai, sau này sẽ không sửa được. Mình có người đủ dạy tiếng Anh đạt chuẩn từ lớp 3 không? Không có.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tại tư gia, ảnh: Hồng Thủy.

Các trường Sư phạm làm gì? Nếu tiếp tục tuyển sinh thì nên nhớ đến các sinh viên tốt nghiệp sư phạm đang thất nghiệp.

Tôi kiến nghị không đóng cửa trường Sư phạm, nhưng phải tập trung tái đào tạo giáo viên, sinh viên tốt nghiệp không đạt chuẩn. Hai là nếu đào tạo mới, tập trung đào tạo giáo viên dạy ngoại ngữ cho lớp 3.

Ai dạy? Chúng ta phải bỏ tiền mời giáo viên bản xứ đào tạo giáo viên, vì không đủ điều kiện mời người bản xứ dạy học sinh.

Khó khăn ở phương án này là gì? Trao đổi với một số đồng nghiệp tôi được biết, nếu đưa ra chính sách này, các địa phương sẽ cho giáo viên của họ đạt chuẩn hết.

Nên cần phải đánh giá nghiêm minh, và nhà nước cần có học bổng để giáo viên cảm thấy yên tâm học tập. Đừng làm họ xấu hổ, phải giúp họ hiểu và cảm thấy hạnh phúc được nâng cao trình độ.

Việc dạy kỹ năng sống cho học sinh ít thành công, chương trình toàn rao giảng đạo đức. Học sinh bây giờ sẽ không muốn nghe, và khi không muốn nghe các em sẽ có đủ kiểu phản ứng, bởi các hoạt động này tập trung học sinh toàn khối hoặc toàn trường nên rất đông.

Với học sinh cấp 3, giáo dục kỹ năng sống và định hướng nghề nghiệp vô cùng quan trọng, nhưng lại chưa được coi trọng đúng mức trong nhà trường.

Tôi đã được nhiều trường mời nói chuyện với học sinh, các em rất thích thú lắng nghe, vì tôi chỉ kể chuyện mà không rao giảng đạo đức. Học sinh cảm nhận được những giá trị phù hợp khi nghe những câu chuyện như thế.

Tôi tham gia chương trình Sinh ra từ làng với trên 200 mô hình thanh niên tỉ phú, không qua học hành bài bản nhưng lại rất sáng tạo. Tôi để lại danh sách và địa chỉ cho thày Hiệu trưởng, các em nào quan tâm tới mô hình làm giàu nào thì liên hệ với thầy Hiệu trưởng.

Vào đại học cũng tốt, không học đại học cũng không sao. Có trường hơn một nửa số học sinh trong các buổi nghe tôi nói chuyện đều lựa chọn không theo học đại học.

Khi đi taxi, có lái xe kể chuyện về người thân của họ tốt nghiệp Đại học Sư phạm, xin làm giáo viên cấp 2 thôi, người ta đòi 300 triệu. Khi đem chuyện này kể với đồng nghiệp, bè bạn, có người đùa: Ở đâu đấy? Làm gì có giá 300 triệu, ai phá giá thế? Thật không sao hiểu nổi.

Nhưng đó là một thực tế đau lòng. Vì vậy cần phải định hướng cho học sinh phổ thông về nghề nghiệp tương lai cho phù hợp và thực tế. Những chương trình này chỉ có thể thực hiện được qua các hoạt động chia sẻ chứ không phải rao giảng đạo đức.

Như phần trên đã nói, muốn có trò tốt phải có thày giỏi. Các thày dạy thế hệ chúng tôi đều nghèo, nhưng trong bối cảnh cả xã hội đều như thế, và ngày nay các thày cô vẫn nghèo như thế.

Lương giáo viên ba cọc ba đồng, nhiều thầy cô vẫn kiên trì bám lớp bám trường, thậm chí có hàng ngàn giáo viên có thể bị mất bát cơm bất cứ lúc nào, vì quyết định sa thải hàng loạt để tuyển dụng mới của chính quyền một số địa phương mỗi dịp thay lãnh đạo, như ở Thanh Hóa, Nghệ An hay Bắc Ninh.

Giáo viên cũng phải sống, cũng có đầy đủ nhu cầu phải lo cho mình và cho gia đình như tất cả mọi người. Bao giờ giáo viên sống được bằng đồng lương, là điều ngành giáo dục cần phải tính, để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập trung làm tốt công tác quản lý và giám sát, đừng chạy theo những dự án giật gấu vá vai, làm hỏng thêm nền giáo dục

Điển hình là việc nhập khẩu mô hình Ngôi trường mới của Colombia về Việt Nam và triển khai ồ ạt đến tất cả các tỉnh thành trong cả nước.

Dự án VNEN là ví dụ điển hình cho tình trạng chạy theo dự án. Tại sao lại học của Colombia?

Tại sao lại lấy một mô hình đào tạo công nhân trồng cà phê, mô hình xóa mù chữ dùng cho các lớp ghép vùng miền núi, vùng sâu vùng xa của Colombia để áp dụng cho toàn quốc ở Việt Nam, chỉ vì 2 đoàn tham quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo về báo cáo "tốt"?

Vừa rồi lại nảy sinh cán bộ Cục Khảo thí viết sách tham khảo cho học sinh thi tốt nghiệp phổ thông, Giám đốc NXBGDVN gửi Công văn cho các sở đề nghị các trường đăng ký mua là việc làm rất sai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiêm túc chấn chỉnh, xử lý.

Trên đây là một vài lời tâm huyết cá nhân tôi xin đóng góp vào công cuộc đồi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà. Bản thân tôi rất mừng khi biết tin Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trực tiếp chỉ đạo việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa và chấm dứt một số biểu hiện tiêu cực trong ngành.

Tuy nhiên rào cản với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà còn rất nhiều, và nó đến từ chính cơ chế, bộ máy quản lý quan liêu của Bộ. Hy vọng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp tục lắng nghe các ý kiến phản biện từ giới trí thức, mạnh dạn và kiên trì chấn chỉnh những bất cập trong ngành.

Tôi tin rằng, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà không khó, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực sự biết lắng nghe.

Tác giả bài viết: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP